Nhờ một phần mềm có tên Geometer’ Sketchpad, học sinh chơi mà học: thu thập kiến thức từ sách giáo khoa, internet và cùng giáo viên làm bài, soạn giáo án.
Cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ, nhất là ở các tỉnh/thành phố lớn ngày càng được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu trong học tập và sinh hoạt. Thế nhưng cùng với sự kỳ vọng từ phía các bậc phụ huynh, việc học đã trở thành áp lực lớn đối với nhiều em, hứng thú trong học hành bị giảm sút.
Cô giáo Đỗ Thị Hồng Hà, trường THCS Đống Đa (Hà Nội) đã triển khai đề tài “Tổ chức cho học sinh tham gia xây dựng bài giảng môn toán trên phần mềm Geometer’ Sketchpad”. Đề tài có sức lôi cuốn và tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Học sinh gõ phím, di chuột… tích cực học hơn
Để đối phó với tình trạng học sinh nghiện game, không ít phụ huynh phải dùng đến các biện pháp tiêu cực như cấm con em mình vào mạng hoặc một tuần chỉ cho các em sử dụng máy tính 1h và tối thứ 7…. Chính thực tế này đã khơi mào ý tưởng cho dự án của cô Hồng Hà, và ngay khi áp dụng vào giảng dạy môn toán, học sinh không chỉ hứng thú tham gia mà còn được các phụ huynh đồng thuận.
Các em học sinh trường THCS Đống Đa trong giờ học môn toán tự chọn với phần mềm Geometer’ Sketchpad |
Theo cô Hồng Hà, cái được lớn nhất của phần mềm này là nó kích thích sự say mê học tập và sáng tạo của học sinh. Để tham gia vào môn học các em buộc phải nghiên cứu rất kỹ sách giáo khoa, tìm tòi trên internet sau đó sử dụng phần mềm toán Sketchpad để thể hiện những kiến thức mà mình thu nhận được. Với cách học này, các em tự tìm ra kiến thức mới, tự khám phá và kiểm chứng, rồi thể hiện nó để người khác hiểu được nên sẽ nhớ rất lâu chứ không hay quên như học lý thuyết trên sách giáo khoa.
Bằng Geometer Skechpad, những hình ảnh tĩnh truyền thống trong sách giáo khoa đã được giáo viên và học sinh mô tả thành hình ảnh động để thấy rõ được cả quá trình, bản chất của bài học. Như vậy các em sẽ dễ hiểu và hứng thú hơn trong tiếp thu kiến thức.
Lứa tuổi học sinh rất ưa khám phá những điều mới mẻ, trong đó có việc tiếp tiếp cận với CNTT. Nhiều phụ huynh học sinh thường hay than phiền con em mình mải chơi game, thì nay phần mềm Sketchpad được áp dụng trong giảng dạy, các bài tập và tình huống đặt ra cần các em giải quyết trên máy tính đã thay thế trò chơi hàng ngày của các em, hướng các em vào học tập, chơi mà học, học mà như chơi và không bị cấm đoán.
Bài giảng của giáo viên lại do chính học sinh cùng tham gia xây dựng, vì thế các em chủ động tiếp thu bài học một cách thoải mái mà không bị áp lực.
Thân thiện hơn, sáng tạo hơn
Môn học trên phần mềm Sketchpad gắn liền với việc sử dụng máy tính và internet, do đó, cô Hồng Hà cho biết việc giao tiếp giữa cô và trò cũng hết sức cởi mở. Hằng ngày các em có thể trả bài cho cô giáo qua emai, USB và thậm chí là tranh luận trực tiếp qua chat, chính vì thế mối quan hệ cô trò trở nên thân thiện hơn. Thông qua các bài tập tình huống cần sử dụng kiến thức toán học để giải thích trên phần mềm này, các em thấy môn toán gần gũi hơn với đời sống thực tế.
Minh họa về bài giảng Đối xứng trục của tam giác trên phần mềm Sketchpad: là một hình ảnh động chuyển lần lượt từ trạng thái (1) đến trạng thái (4) |
Hơn nữa, qua sử dụng Sketchpad, hợp tác tích cực giữa các học sinh cũng được tăng cường. Các em có thể trao đổi với nhau cách giải quyết vấn đề không chỉ trong cùng một nhóm, một lớp, mà cả với các học sinh lớp khác vì tìm được tiếng nói chung. Đây cũng chính là một trong các mục tiêu của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Học sinh vốn rất nhanh nhạy với cái mới, từ những điều cơ bản được giáo viên hướng dẫn, các em còn có thể phát hiện ra nhiều điều mới mẻ, khai thác Skechpad được nhiều hơn và chính giáo viên lại học được từ các em. Nhiều em đã tự sử dụng phần mềm Sketchpad để thể hiện những bài học ở các môn khác hay các kỹ năng sống tích cực.
Chẳng hạn em Lê Duy Anh, học sinh lớp 8A1 trường THCS Đống Đa đã mô tả Hệ tuần hoàn của cá, ếch. Còn em Nguyễn Phương Thảo lớp 8A1 và em Đặng Bảo Lộc lại cho ra đời tác phẩm mô tả “hoạt động của tuyến yên” và các mô hình này đã được giáo viên sinh học lớp 7, 8 sử dụng… Em Đoàn Vũ Nam lớp 9A trường THCS Đống Đa, cùng với gợi ý của giáo viên về vấn đề bảo vệ môi trường, em đã hoàn thành một bài tập sáng tạo với các mô hình chong chóng mang tên “Năng lượng sạch”: khi chong chóng quay đèn trong các ngôi nhà sẽ sáng.
Bài sáng tạo mang tên “Năng lượng sạch” của em Đoàn Vũ Nam lớp 9A trường THCS Đống Đa (Trên phần mềm Geometer’ Sketchpad, chong chóng quay, đèn trong nhà sẽ sáng). |
Theo cô Hồng Hà, việc sử dụng phần mềm Sketchpad trong giảng dạy và học tập có lợi thế là dễ thực hiện trên diện rộng, có sức lôi cuốn hấp dẫn học sinh và phù hợp với xu thế, giúp học sinh sau này dễ dàng hòa nhập với học sinh quốc tế vì cách dạy và học này nhiều nước tiên tiến đã làm.
Đến nay, phần mềm Geometer Sketchpad đã được đưa vào chương trình học môn toán cho học sinh lớp 8 và lớp 9 (áp dụng cho cả hình học và đại số) của trường THCS Đống Đa. Để hướng dẫn học sinh sử dụng được phần mềm này, nhà trường đã tạo điều kiện để giáo viên dạy vào 2 tiết tự chọn môn toán trong tuần. Việc trình tự khai thác ứng dụng của Sketchpad phù hợp với các tiết toán phân phối theo chương trình của Bộ GD và ĐT.
-
Kim Anh – vietnamnet)
Comments are closed.