Nhà nghiên cứu giáo dục Quang Dương với tựa đề: “Để nền giáo dục Việt Nam là cội nguồn của nguyên khí quốc gia: Cần xác định một “Bổ đề cơ bản” cho sự nghiệp trồng người”. Dưới đây là bài viết của ông.
Bé đến trường ngày khai giảng. Ảnh: Phạm Hải |
Thành công của GS. Ngô Bảo Châu không chỉ có ý nghĩa to lớn trong lĩnh vực Toán học. Nó cũng lớn lao đối với nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt với nền giáo dục đang có nhiều bất cập như ở Việt Nam.
Bài học minh triết tổng quát rút ra từ “bổ đề cơ bản” Langlands là, phải nhìn nhận vấn đề, giải quyết vấn đề từ nguồn gốc, từ chiều sâu cơ bản, từ mối liên kết nội tại, mới hy vọng đạt kết quả mong muốn.
“Bổ đề cơ bản” là một mệnh đề mà từ đó, ta có thể đạt tới các kết quả quan trọng khác (gọi là hệ quả). Nó là điểm nhấn cho tầm nhìn chiến lược bao quát. Nó như kim chỉ nam của nhận thức và hoạt động.
Trong khoa học và trong quản lý giáo dục, nếu thiếu nó hoặc xác định không đúng, ta sẽ có nguy cơ “lạc đường”. Bởi vậy, nên chăng, ngành giáo dục và sự nghiệp Trồng Người của Việt Nam cần xác định một “bổ đề cơ bản” cho đúng hướng.
HS Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: Tú Uyên |
Tại sao các nước có nền giáo dục nhân bản dễ sản sinh nhiều nguyên khí quốc gia?
Nhiều nhà văn hóa và nhà khoa học đã đặt vấn đề trước nền giáo dục ở mọi quốc gia trên thế giới: Do đâu mà từ lâu nay, các giải thưởng quốc tế có giá trị cao nhất (như giải Nobel, giải Fields, giải Oscar… ) hầu hết đều được trao cho những người có tài năngđược đào luyện từ những nước có nền giáo dục nhân bản?
Họ là những “nguyên khí quốc gia” được hun đúc và chăm bón từ vườn ươm của những nền giáo dục lấy chủ nghĩa nhân văn làm trọng. Họ đã được “trồng người” như thế, nghĩa là được gieo trồng theo môi trường văn hóa và môi trường hoạt động (trong học thuật, nghệ thuật…) lấy yếu tố con người làm trung tâm.
Đó là một vấn đề liên quan khăng khít đến “triết lý giáo dục”.
“Triết lý giáo dục” là cơ sở phương pháp luận khoa học sát sườn nhất cho việc hoạch định quan điểm và chiến lược Trồng Người. Hạt nhân của nó là tính nhân bản – yếu tố làm nên chất người trong nhân lực. |
Nếu hạt nhân của triết lý giáo dục là tính nhân bản thì, nền giáo dục tiến bộ phải là một nền giáo dục nhân bản, lấy chủ nghĩa nhân văn làm gốc. Đến lượt nó, nền giáo dục nhân bản mới là bệ phóng, làm thăng hoa những bậc hiền tài.
Các nhà khoa học từ xưa nay đều khẳng định rằng, chủ nghĩa nhân văn (Humanisme) vừa là sản phẩm minh triết, vừa có giá trị văn minh đặc trưng của loài người. Vì vậy, nó tồn tại như một bửu bối và là tài sản chung của toàn nhân loại, không của riêng ai.
Học thuyết đó chú trọng khơi dậy và thực thi những quyền lợi, nghĩa vụ, giá trị và phẩm chất cao cả của mỗi người. Theo đó, mỗi người không chỉ nhắm vào việc mưu cầu hạnh phúc cá nhân mà còn tự kích hoạt ý thức hợp tác, chia sẻ, cần thiết cho sự cộng sinh của cộng đồng và những lợi ích của xã hội.
Như thế, chủ nghĩa nhân văn coi trọng giá trị con người và văn hóa làm người. Với nền giáo dục, đó là thứ văn hóa “dạy làm người” và văn hóa “học làm người”.
Chủ nghĩa nhân văn đã giúp những xứ sở có nền giáo dục nhân bản thực sự giải phóng con người, làm thăng hoa các giá trị người, từ đó mà có nhiều hiền tài đất nước, nhiều nguyên khí quốc gia.
Từ “lỗ hổng giáo dục” lâu nay tới “nỗi đau văn hóa” hiện nay…
35 năm hòa bình, nền giáo dục Việt Nam tuy có nhiều thành tựu to lớn, nhưng đã bộc lộ những bất cập rất trầm trọng về chiến lươc đào tạo nhân lực, gây nên những lỗ hổng đáng tiếc trong sự nghiệp trồng người.
Tại đó, hai mặt yếu kém nhất là chất văn hóa và tính chuyên nghiệp tồn tại trong đa số nhân lực trẻ được đào tạo trước khi dấn thân vào cuộc sống. Hai mặt đó làm nên một lỗ hổng “kép” ngay trong các thành tựu giáo dục.
Khi những giá trị cuộc sống bị đảo lộn thì những giá trị ảo và các phẩm chất phi nhân “được” lên ngôi, cái xấu đẩy lùi cái tốt. Số HSSV có bản lĩnh văn hóa, sống lịch sự, làm tử tế, học đàng hoàng… thì đã ít lại ngày càng ít hơn, thậm chí còn bị cô lập trước số đông coi đó là “dân Hai Lúa”. |
Cần thẳng thắn nhìn vào thực trạng là hầu hết học sinh, sinh viên (HSSV) học rất nhiều về khoa học và công nghệ, về sách vở và lý thuyết, về quản trị và kinh doanh… nhưng lại không được rèn kỹ về thái độ nhân bản và tinh thần hướng nghiệp khi giao tiếp cộng đồng và hội nhập quốc tế.
Công trình nghiên cứu năm 2009 của Viện Nghiên cứu Giáo dục “Nhận thức và thái độ của HSSV về định hướng tương lai” đã chỉ rõ: Hơn 80% HSSV có nhiều ước mơ đẹp cho tương lai, nhưng lại thiếu hẳn sự tự tin và thái độ dấn thân vào đời, thiếu cả văn hóa ứng xử, phong cách chuyên nghiệp và kỹ năng hoạch định tương lai.
Thực tế ấy đã làm giảm thiểu nặng nề chất lượng nhân lực, đến mức trên 50% HSSV tốt nghiệp ra trường tuy có bằng cấp nhưng bị nhà tuyển dụng chê, và nếu nhận vào thì phải qua đào tạo lại, nhất là đào tạo về những kỹ năng mềm và văn hóa chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, sự sa sút về phẩm chất làm người còn trầm trọng hơn. Ngày càng có nhiều tội phạm là HSSV, cả những viên chức công sở (vốn trước đó là người được đào tạo trong nhà trường). Nghĩa là, khi đời sống tăng cao, song song với những non nớt về năng lực trong sản phẩm đào tạo, một loạt những yếu kém về phẩm chất văn hóa còn nặng nề hơn, tăng cao hơn. Đó là nỗi đau văn hóa của một nền giáo dục đã lâu năm nhưng đầy bất cập.
Nguyên nhân do đâu?
Trong 5 chuẩn mực truyền thống của con người (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín), nền giáo dục Việt Nam mới chỉ chú trọng đến chữ Trí (mà ngay chuẩn này cũng chưa đạt, bởi nạn học nhồi học vẹt, làm tê liệt sự động não). Trong 4 chuẩn còn lại, yếu nhất là chữ Nhân.
Giáo dục nhân bản lấy chữ NHÂN làm gốc, nhờ vậy mà giúp HSSV biết trọng văn hóa, trọng lẽ phải, trọng công lý, trọng tín nghĩa, trọng hòa hợp, trọng bang giao…
Nhưng trên thực tế, đây lại là những điều rất ít được các cấp quản lý giáo dục quan tâm, thiếu vắng hoặc què quặt trong nội dung và phương pháp đào tạo.
Một hậu quả đau lòng bị trả giá là các hiện tượng phi nhân bản xảy ra ngày càng nhiều về lượng và tàn bạo về chất. Những yếu kém và lệch lạc về nhân cách văn hóa đã là nguyên nhân trực tiếp dẫn nhiều HSSV đến sự tụt hậu và tự đào thải. Nhưng, khách quan mà xét, những tệ hại nói trên có nguồn gốc sâu xa từ phía nhà trường, từ ngành giáo dục, từ cấp quản lý.
Lâu nay, sự non kém và không coi trọng giáo dục nhân bản chẳng những đã tạo một lỗ hổng rất lớn trong việc trồng người, mà còn, từ đó, tạo nên vết loang suy thoái trong xã hội. Lỗ hổng đó, thật đáng tiếc và cũng thật đáng lo. Một trong những nguy cơ đó là, theo các chuyên gia chiến lược, nền giáo dục của chúng ta sẽ bị đẩy đến chỗ phản giáo dục, nghĩa là phi nhân bản.
Hơn thế, nếu lỗ hỗng nói trên không được lấp đầy trong chiến lược trồng người và trong thực tế giáo dục, sẽ có nguy cơ làm “thủng” thêm các lỗ hổng khác, đưa đến suy thoái toàn diện và hậu quả khó lường, nhất là về mặt văn hóa (cội nguồn của văn minh). Nỗi đau khi đó sẽ càng kinh khủng và… hết thuốc chữa. (Theo vietnamnet)