Toán học ‘rớt giá’

Kết quả của đội tuyển toán Việt Nam tại kỳ thi Olympic toán quốc tế làm ngạc nhiên người ngoài cuộc. Nhiều người trong cuộc cho rằng lẽ ra nó đã tụt hạng từ những năm trước, nhưng vì đề thi vẫn còn là sự may mắn.

Bỏ chuyên, chọn từ cấp 2: Tiếc

Theo một số chuyên gia, việc bỏ hệ thống trường chuyên lớp chọn, thi học sinh giỏi quốc gia ở cấp 2 đã làm mất đi phong trào học toán ở cấp này và sự chọn lọc từ sớm đối với những học sinh có năng khiếu.

Nguyên nhân chính vì quan niệm trường chuyên, lớp chọn chỉ đào tạo ra “gà nòi”. TS Nguyễn Khắc Minh, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta đã hiểu “gà nòi” là gì?” . Ông nói: “Gà nòi là những con gà giống thực sự tốt. Trong một đàn gà, nếu muốn có chủ lực, nhân giống tốt thì phải có “gà nòi” chứ. Những con gà đó phải được chăm sóc, huấn luyện ở một chế độ đặc biệt hơn mới phát triển được!”

Phủ nhận lý do không đào tạo “gà nòi” vì cho rằng, ở bậc phổ thông, các em cần được đào tạo toàn diện, TS Nguyễn Khắc Minh phân tích:

“Ai có thể dám chắc,chỉ cần học hết từng ấy môn trong trường học đã là toàn diện. Cuộc sống đòi hỏi cái gì và khi thấy mình còn thiếu gì, các em sẽ tự biết sẽ phải học cái đó. Tôi cho rằng, sự toàn diện của mỗi người là từ cuộc sống.”

Theo TS Minh, một ưu điểm của trường năng khiếu chính là phát triển năng lực và cá tính riêng của từng cá nhân. Khi xóa bỏ nó, vô tình chúng ta xóa bỏ luôn điều đó. Trong khi đó, các nước khác học tập nước ta ỏ chính điều này và họ đã thành công, điển hình như Thái Lan.

 

GS Hà Huy Khoái đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến thành tích đội tuyển Toán quốc tế tụt dốc từ các năm trước

 

 

Sửa khâu tuyển chọn

Một sự thay đổi khác mà năm nay, Bộ GD-ĐT đã vội vàng sửa sai khi còn chưa đầy hai tháng sẽ đến kỳ thi chọn HSG quốc gia chính là khâu tuyển chọn.

Không chỉ thu hẹp vùng kiến thức có thể kiểm tra bằng việc rút ngắn ngày thi từ 2 ngày xuống 1 ngày, cấu trúc đề thi bỗng nhiên rời xa “chất Olympic”, trở thành “cách ra đề chẳng giống ai” mà nhiều chuyên gia toán học đầu ngành phải kêu gào.

Theo nhiều chuyên gia toán học, trước kia, đề thi Toán quốc gia của Việt Nam luôn được các nước đánh giá cao khi thực sự có những “bài toán” (Problem) yêu cầu hoc sinh tư duy giải quyết vấn đề chứ không đơn thuần là kỹ năng tính toán quen tay như những “bài tập” (Exercises). Tuy nhiên, từ khi thay đổi, những đề thi quốc gia của Việt Nam chỉ toàn bài tập.

TS Nguyễn Duy Thái Sơn, người phụ trách đội tuyển Toán T.P Đà Nẵng cho biết: Chúng tôi sẽ phải dạy theo cách ra đề nếu không muốn học sinh của mình trượt. Khi vào vòng thi chọn đội tuyển quốc tế, tôi mới luyện cho các em hoàn toàn theo cách thi Olympic, như vậy làm sao có thể đảm bảo về chất lượng? Hai tháng tập huấn ở Viện Toán làm sao đủ để có sự thay đổi về chất?

Tuy nhiên, qua mỗi năm, thành tích đội tuyển được tung hô, còn từ kỳ thi Olympic rút ra bài học gì để từ đó định hướng cho giáo dục phổ thông thì câu chuyện này vẫn còn bị bỏ ngỏ

Toán học ‘rớt giá” trong tư duy phụ huynh, học sinh

Câu chuyện học sinh giỏi “nói không” với ngành sư phạm đang để lại hậu quả của nó trong chính lực lượng giáo viên dạy toán ở phổ thông hiện nay.

Thầy Nguyễn Duy Thái Sơn cho biết: Số lượng thầy cô giáo có thể giải được đề quốc gia, quốc tế ở các địa phương chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những sinh viên giỏi tốt nghiệp đều ở lại trường ĐH. Số về địa phương không thuộc hàng xuất sắc lắm, dẫn đến nhiều hiệu trưởng than phiền thiếu giáo viên đủ tầm huấn luyện đội tuyển quốc gia.

Riêng với phần số và tổ hợp hiện đang nằm trong xu hướng ra đề thi quốc tế và đã được các chuyên gia ở Viện Toán nhắc nhở giáo viên phổ thông chú ý giảng dạy nhưng nhiều người thừa nhận, giáo viên ở các địa phương có thể đảm đương được phần này gần như không có hoặc chỉ có thể đáp ứng được ở một giới hạn mà thôi.

Nhìn thí sinh hàng năm đổ xô vào kinh tế, bỏ rơi khoa học cơ bản, có thể nhận thấy số phận của toán học cũng không tránh khỏi sự rớt giá trong tư duy của phụ huynh và học sinh. GS Hà Huy Khoái đã chỉ ra: “Bây giờ rất nhiều em yêu toán nhưng không dám đi theo bởi vì các em có thể nhìn thấy trước rằng nếu theo toán thì sẽ phải chịu thiệt thòi về nhiều mặt.”

Trên báo Tiền Phong, trong câu chuyện “nỗi niềm người làm toán”, GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Toán cao cấp cho rằng “đừng đánh đổi một ảo tưởng cũ lấy một ảo tưởng mới”.

Giải thích điều này, ông cho biết, trước đây, có thể có một số ảo tưởng cho rằng thành tích các kỳ thi Olympic phản ánh trình độ khoa học của quốc gia, của trí tuệ dân tộc và rồi đặt lên đầu đội tuyển IMO những vầng hào quang tưởng tượng. Những ảo tưởng đó nay về cơ bản không còn nữa.

“Nhưng tôi hơi lo rằng chúng ta đang đánh đổi một ảo tưởng cũ lấy một ảo tưởng mới về giá trị tuyệt đối của ngoại ngữ, của kỹ năng giao tiếp xã hội, của nghiệp vụ thương mại… Không ai phàn nàn về việc trong xã hội có nhiều quan niệm và nhiều thang giá trị khác nhau, nhưng về cơ bản cha mẹ vẫn cần khuyến khích nếu con em mình có thiên hướng, năng khiếu về Toán, về khoa học hoặc ít nhất không nên cản trở định hướng đó của các em”.

Sự tụt hạng của đội tuyển Toán, cuối cùng, chỉ là hệ quả của một phong trào học toán. Nhiều chuyên gia đầu ngành chia sẻ: “Thế hệ kế cận thay cho thế hệ già còn chưa đủ. Hai, ba thế hệ sau đó thì còn chưa dám nghĩ đến.”

  • Nguyễn Hường – VNN