‘Gặp trò giỏi theo toán như gặp người yêu đầu’

Nhiều người đi tìm nguyên nhân dẫn đến kết quả của đội tuyển Toán quốc tế năm nay tụt xuống hạng thấp nhất trong 35 năm tham gia kỳ thi IMO. Trên thực tế, nguyên nhân đã được GS Hà Huy Khoái chỉ ra từ năm 2007. Năm nay, một số ý kiến “bổ sung” thêm lý do “chọn không đúng mặt để gửi vàng” đã ít nhiều làm những thầy và trò tham gia kỳ thi tổn thương.

Nhìn vào bảng thống kê thành viên và kết quả đội tuyển Toán quốc tế của Việt Nam từ năm 2007 đến nay, (bảng cuối bài) có thể thấy: thành tích của các trường chuyên ở các tỉnh khá nổi bật.

Trường THPT Chuyên Lam Sơn góp 2 học sinh dự thi quốc tế năm 2008 và cả hai đều đạt huy chương vàng (HCV). Tấm huy chương cao nhất này cũng về với THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) năm 2009, THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) năm 2007. Các trường chuyên tỉnh của Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Bình, Nam Định cũng đã góp mặt ít nhất hai năm kể từ 2007 đến nay và đều đạt huy chương.

Bên cạnh đó, thành tích của Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên của ĐHQG Hà Nội duy trì tốt ở các năm 2007, 2009 với 3 HCV, năm 2010 là  1 HCB. Hai năm 2008 và 2011, trường này đều không có học sinh thi quốc tế. Trường THPT Chuyên ĐHSP Hà Nội càng khiêm tốn hơn với duy nhất một học sinh dự thi quốc tế từ năm 2008 đạt HCV.

Liên tiếp trong hai năm gần đây, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) và THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) đều có học sinh trong đội tuyển thi Toán quốc tế đạt thành tích xuất sắc.

Như vậy, 5 năm qua, năng lực của học sinh chuyên các tỉnh vào được đội tuyển quốc tế không phải chuyện hiếm và đã được khẳng định bằng nhiều giải thưởng cao của IMO.

Để có được thành tích đáng nể trong bối cảnh ở địa phương không phải nơi tập trung với mật độ dày đặc các chuyên gia toán học đầu ngành, các trường chuyên của tỉnh đã đầu tư công sức không hề nhỏ.

 

Đội tuyển Olympic Toán Việt Nam dự thi IMO 2011. Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN

 

Riêng Đà Nẵng, để phát triển đội ngũ học sinh đi thi toán quốc gia và quốc tế, thành phố đã cử riêng tiến sĩ Nguyễn Duy Thái Sơn phụ trách công việc này trong suốt 5 năm tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.

Trong giai đoạn khó khăn khi chính sách tuyển thẳng bị bãi bỏ, thầy Nguyễn Duy Thái Sơn, người phụ trách đội tuyển toán quốc gia của Đà Nẵng cho hay:

“Nhiều khi, gặp được trò giỏi chịu theo toán hạnh phúc như gặp người yêu lần đầu. Tôi thường hướng đến các em giỏi nhưng con nhà nghèo, kinh tế bình thường, các em mới toàn tâm toàn ý cho toán, con nhà giàu thì dễ bỏ dở để đi du học. Ngay từ lớp 10, phát hiện học sinh có năng lực, thầy trò đã chú ý bổi dưỡng. Nhưng chỉ sau một năm, các em lại được bố mẹ định hướng, tìm đủ lý do để ra khỏi đội tuyển.”

Mỗi khóa mới, đầu năm lớp 10, thầy Sơn phải dày công tìm kiếm học sinh giỏi. Quan điểm của thầy là chọn được những em thực sự có cái đầu chứ không phải giỏi vì học nhiều. Sau đó, còn cả quá trình kỳ công của cả thầy và trò với kho tài liệu cả đời đi làm toán, học toán của thầy cũng như kho tàng vô tận trên mạng.

Thầy Đào Mạnh Thắng, giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương ( Phú Thọ), người hai năm liền có học sinh dự thi IMO và đạt thành tích cao thì khiêm tốn nói: quan trọng là các năm gần đây có những em học sinh giỏi thực sự và số lượng thầy cô dạy toán trẻ có năng lực rất nhiều. Ngay cả phần tổ hợp, điểm yếu của đội tuyển Việt Nam khi ra quốc tế do trong nước chưa có nhiều người đào tạo, mặc dù năng lực có giới hạn, các giáo viên vẫn cố gắng để cung cấp cho các em một phần cơ bản.

Lợi thế của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên là dù biết khó khăn, các em học sinh vẫn đam mê và quyết tâm theo đuổi toán học. Đây là nhiệt tình mà các em được thầy cô rèn luyện. Chính vì vậy, để có học sinh sẵn sàng thực hiện ước mơ bằng con đường thi quốc gia, quốc tế không phải quá khó.

Tuy nhiên, một điều bất ngờ lặp lại như năm 2008, sự kiện không có học sinh của trường đi thi quốc tế đã gây nên sự tiếc nuối cho cả thầy và trò. Thầy Phạm Văn Quốc, phụ trách đội tuyển toán năm 2011 bày tỏ: “Chúng tôi hi vọng ít nhất những em năm ngoái đã đạt giải rất cao, năm nay sẽ vào đội tuyển. Nhưng không biết vì sao các em lại trượt. Chỉ biết tiếc cho các em.”

Trước ý kiến cho rằng, năm nay đoàn Toán quốc tế của Việt Nam đã bỏ lọt học sinh giỏi và chưa chọn đúng mặt để gửi vàng, thầy Nguyễn Duy Thái Sơn bày tỏ: “Nếu nói vậy thì đau xót cho tôi quá! Thành tích mà học trò đạt được là bằng chính sự nỗ lực của các em. Cả thầy và trò có được những thành tích như hôm nay đều bỏ ra không phải ít công.”

“Chưa có cơ sở nào để nhận xét như vậy” – thầy Đào Mạnh Thắng bổ sung.

Tuy nhiên, thầy Phạm Văn Quốc lại có ý kiến hoàn toàn khác: “Các em đều là những học sinh rất xuất sắc và được tạo nguồn từ lớp 10. Không hiểu vì sao, không có em nào vào được đội tuyển.” Theo thầy, chỉ cần nhìn vào hệ quả của kỳ thi, về một khía cạnh nào đó không thể phủ nhận được việc tuyển chọn chưa chính xác. Nếu không phải là học sinh xuất sắc, đi thi không được thì đã có trục trặc.

Thầy Nguyễn Khắc Minh, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục lưu ý: Chúng ta phải phân biệt cho rõ là ta chưa chọn đúng hay là chưa thu hút được những em giỏi toán, mê toán nhưng không đi theo toán. Tôi cho rằng, chúng ta chưa thu hút được nhiều học sinh giỏi.

Trước những ý kiến về nguyên nhân của kết quả đội tuyển toán năm nay, GS Hà Huy Khoái, trưởng đoàn toán quốc tế khẳng định:

“Không ai dạy hết học sinh trong cả nước để có thể đánh giá chính xác từng em. Vì thế mới có kỳ thi để tuyển chọn. Nếu qua kết quả năm nay để nói việc tuyển chọn chưa đúng người thì hoàn toàn không có cơ sở. Cũng không ai dám khẳng định những em vào đội tuyển giỏi hơn những em không vào được đội tuyển. Các em chỉ làm tốt hay không tốt ở một kỳ thi. Ngay cả về nội dung số và tổ hợp, điểm yếu của đội tuyển Việt Nam, các em ở Hà Nội cũng biết không nhiều và được tiếp cận muộn”.

Thầy Khoái cho biết, một điều rất đáng tiếc là trong khoảng 4, 5 năm trở lại đây, chuyện những học sinh năm trước đạt giải quốc tế nhưng năm sau không vào được đội tuyển là chuyện thường xuyên xảy ra.

Năm 2010, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, được coi là vòng ngoài của kỳ thi chọn học sinh đi thi quốc tế, Phạm Hy Hiếu, HCB toán quốc tế 2009 đã trượt ngay từ vòng ngoài vì một bài toán rất dễ trong đề, nhưng em đã làm sai. Năm nay là  trường hợp Vũ Đình Long, HCB năm 2010. Theo GS Hà Huy Khoái, đây thực sư là một thiệt thòi đối với đội tuyển vì ít nhất, các em đã có kinh nghiệm thi đấu, vốn kiến thức và đã được khẳng định. “Với những học sinh như vậy, ở nước ngoài, năm sau các em đương nhiên vào đội tuyển quốc tế. Chúng ta nên học tập điều này, dành sự ưu tiên cho các em đã có thành tích tốt ở năm trước” – GS nói.

Ông bổ sung thêm: Hiện nay, điều kiện học tập của học sinh các tỉnh không thua kém Hà Nội, tài liệu có rất nhiều trên mạng chứ không chỉ là những cuốn sách chỉ ở các thành phố lớn, các trường ĐH mới có nên sự vươn lên của học trò các tỉnh là điều không quá ngạc nhiên, điển hình là em Võ Văn Huy (THPT Lê Hồng Phong của tỉnh Phú Yên).

Kết quả đội tuyển Toán năm nay, theo ông, ngoài nguyên nhân khách quan từ đề thi, chỉ là sự thể hiện rõ rệt nhất điểm yếu của đội tuyển Việt Nam mà nguyên nhân sâu xa, những người đứng đầu của phong trào Olympic đã nói đến từ nhiều năm trước.

 

Xem thống kê thành tích đội tuyển IMO từ năm 2007 đến nay:


Năm Học sinh Trường Huy chương
2007 Đỗ Xuân Bách Khối Chuyên Toán, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội Vàng
  Phạm Duy Tùng Khối Chuyên Toán, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội Vàng
  Nguyễn Xuân Chương Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc Bạc
  Lê Ngọc Sơn Trường THPT Chuyên Bắc Giang Bạc
  Đặng Ngọc Thanh Trường THPT Chuyên Quảng Bình, tỉnh Quảng Bình Bạc
  Phạm Thành Thái Hải Dương Vàng
2008 Lê Ngọc Anh THPT Chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa Vàng
  Nguyễn Phạm Đạt – Khối Chuyên Sư phạm, ĐHSP Hà Nội Bạc
  Đặng Trần Tiến Vinh Khối Chuyên Toán Phổ thông Năng khiếu TP.HCM Đồng
  Hoàng Đức Ý Trường THPT Chuyên Lam Sơn, tỉnhThanh Hóa Vàng
  Đỗ Thị Thu Thảo – THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương Bạc
  Nguyễn Trọng Hoàng – Khối THPT Chuyên Trường ĐH Vinh Đồng
2009 Nguyễn Hoàng Hải Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc Đồng
  Phạm Hy Hiếu lớp 11 Toán Trường Phổ thông Năng Khiếu, ĐHQG TPHCM Bạc
  Hà Khương Duy khối THPT Chuyên Toán-Tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội Vàng
  Phạm Đức Hùng THPT Trần Phú, Hải Phòng Vàng
  Tạ Đức Thành THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ Đồng
  Nguyễn Hoàng Hải trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc Bạc
2010 Nguyễn Ngọc Trung THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ Vàng
  Vũ Đình Long THPT Chuyên Toán-Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên Bạc
  Trần Thái Hưng Trung học thực hành – ĐHSP TP. HCM Bạc
  Nguyễn Kiều Hiếu THPT chuyên Lê Quý Đôn – Đà Nẵng Bạc
  Phạm Việt Cường THPT chuyên Lê Quý Đôn – Đà Nẵng. Bạc
  Nguyễn Minh Hiếu, THPT chuyên Toán-Tin học – ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội Đồng
2011 Đỗ Kim Tuấn THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam Đồng
  Lê Hữu Phước THPT Chuyên Lê Quý Đôn – Đà Nẵng Đồng
  Nguyễn Văn Quý THPT Chuyên Bắc Ninh Đồng
  Nguyễn Thành Khang THPT Chuyên Hùng Vương – Phú Thọ Đồng
  Võ Văn Huy THPT Lê Hồng Phong – Phú Yên Đồng
  Nguyễn Văn Thế THPT Chuyên Lê Hồng Phong – Nam Định Đồng

 

  • Nguyễn Hường – VNN