Muốn trở thành cô giáo dạy Toán, trước hết cần nắm vững những vấn đề cơ bản như công thức, định luật, định lý. Về nhà, tôi chuyên cần làm bài tập, học toán cần đến sự linh hoạt, nhanh nhẹn, tư duy nhạy bén, vì thế, tôi hay rèn luyện tính cẩn thận, tốc độ suy nghĩ nhanh.
“Ước mơ có gần không khi chúng ta không biết đưa tay nắm lấy, liệu có đến đích không khi chúng ta đi lạc hướng, con người có ước mơ khi dám mơ những điều to lớn dù biết là xa nhưng vẫn cố gắng theo đuổi”. Đó là điều tôi thường suy nghĩ trong suốt hành trình thực hiện ước mơ.
Nơi tôi sống là một vùng đất cằn cỗi, nghèo khó, mặc dù bằng sự nỗ lực của mình, người dân nơi này đã biến nó thành những vùng đất xanh tươi. Nhưng cái nghèo vẫn còn đó, trong tư tưởng, tâm thức của dân làng. Từ lúc gà gáy đến lúc trăng lên, họ đầu tắt mặt tối bận rộn cả ngày, vì thế mọi hy vọng đều dồn lên vai lớp trẻ để thoát khỏi cái nghèo túng lâu nay vẫn dai dẳng bám theo họ.
Tôi, niềm hy vọng của cha mẹ, của mọi người, không làm tôi thấy bối rối hay mệt mỏi, ngược lại điều đó là nguồn động lực vô hạn giúp tôi trong cuộc sống. Gia đình hướng tôi theo con đường dạy học và thật may mắn vì đó cũng là ước mơ của tôi. Ước mơ có thể đạt được một cách nhanh chóng là khi nó phù hợp với bản thân mình và được gia đình ủng hộ.
Đôi lúc người ta xem trọng những môn tự nhiên và bắt con cái phải học thật giỏi những môn đó, họ gạt đi những khả năng về hội họa hay âm nhạc của con cái và cho đó là những thứ không đáng để theo đuổi. Khi con có nguyện vọng đi thi các môn năng khiếu thì cha mẹ lại lắc đầu không hài lòng, sự quan tâm của mọi người bây giờ thật sự là gánh nặng, nó quá nặng đối với tuổi trẻ để rồi tự nhiên sẽ mất đi khả năng vốn có của bản thân, thậm chí cả những kỳ vọng của cha mẹ cũng sẽ không còn. Với lẽ đó, tôi thường nói với gia đình mình rằng, đừng hy vọng quá nhiều và hãy để con tự tìm đến tương lai. Nhưng nói thế thôi, ai mà không mong con mình thành đạt, sống sung túc hơn.
Ước mơ của tôi, ước mơ trở thành giáo viên từ tấm bé thơ dại, tôi ngây thơ nhìn cô giáo dịu dàng, tận tình chỉ dạy. Tôi thấy cô hiền từ và được mọi người yêu quý, tôi cũng muốn được như thế và ước mơ đã bắt đầu từ đó. Nhưng mãi cho đến khi trở thành một thanh niên, biết suy nghĩ về định hướng cho tương lai của mình thì ước mơ đó trong tôi ngày càng thêm mãnh liệt. Tôi mới nhận ra rằng mình cần phải nỗ lực phấn đấu mới có thể đạt được ước mơ, tôi chú ý trau dồi kiến thức, bởi vì trước đó tôi còn quá bé bỏng trong vòng tay của người mẹ tần tảo.
Ngưỡng 16 chưa đủ lớn nhưng cũng đủ để nhận thức về tương lai. Lớp tôi không mấy ai chọn nghề nhà giáo, bởi vì nghề nhà giáo đòi hỏi phải rèn luyện tính kiên nhẫn, mài giũa bản thân một cách thận trọng để ít phải mắc sai lầm. Nhưng lứa tuổi thanh niên như chúng tôi còn nông nổi, muốn được tự do, muốn được làm những điều mình thích, không muốn ràng buộc vào một khuôn phép nào cả. Có học rồi mới biết mình chưa biết gì cả, tôi luôn trau dồi học hỏi thêm cho mình các kỹ năng cơ bản.
Mặc dù không xuất sắc nhưng tôi học cũng khá ổn. Đôi lúc chạnh lòng vì gia đình không được khá giả, không có điều kiện vật chất đầy đủ. Có hôm vì thời tiết, sức khỏe, tôi lại phải nghỉ học, những khi như vậy, tôi dường như suy sụp và muốn gục ngã, cũng từng nghĩ đến hai từ “nghỉ học”. Nhưng rồi, mẹ tôi lại động viên “Mơ ước đó tuy là quá xa vời với những người dân ở cùng quê nghèo khó như chúng ta, nhưng thôi hãy cứ ước vì ước mơ đâu phải ai cũng dễ tìm thấy được, cố gắng lên con”. Nghị lực trong tôi bỗng trở nên to lớn đến thế, lại có thêm năng lượng cho những chặng đường phía trước.
Mỗi khi lên lớp, tôi thường nghe bài giảng rất chăm chú, có đôi lúc bất giác tôi nhớ đến câu nói “Người thầy, người cô trồng hạt giống kiến thức, tưới bằng tình yêu thương, và kiên nhẫn chăm bón hạt giống trưởng thành để sản sinh ra những ước mơ cho mai sau”. Tôi thấy câu nói đó định nghĩa thật đúng đắn về nghề nhà giáo.
Mở đầu cho quá trình thực hiện ước mơ, tôi đặt ra mục tiêu học tập hợp lý, phù hợp với khả năng hiện có, đó là đạt được điểm tốt trong các môn toán, lý, hóa, văn, sử, địa, anh văn. Khi hoàn thành mục tiêu đó, tôi đặt mục tiêu tiếp theo là đạt được học lực giỏi, và nếu đạt được mục tiêu, trong hai năm tiếp theo tôi sẽ tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng kiến thức để có thể thi vào trường đại học Sư phạm như mong muốn. Nhưng nói thôi thì quả thật đơn giản, cái khó là làm thế nào trong thực tiễn. Có thể mục tiêu đó không đạt được vì nhiều lý do như: sự may mắn, điều kiện kinh tế… nhưng tôi không cho phép mình chịu thất bại với một lý do nào, không tuân thủ theo kế hoạch đã đặt ra.
Cách thương yêu học trò cũng là một vấn đề mà tôi quan tâm đến, vì khi đã trở thành một giáo viên tức là người cha, người mẹ thứ hai của học sinh. Tôi phải học cách kiềm chế cảm xúc, xử lý những tình huống bất ngờ và cả cách trị các học trò quậy phá. Thật khó khăn với những điều quá phức tạp, nhưng tôi không ngần ngại hay e sợ điều đó, thậm chí tôi còn nghĩ đó là một thử thách khá thú vị. Tôi thường ngồi trò chuyện tâm sự với thầy cô, nghe và cảm nhận từng suy nghĩ của họ về nghề mà họ đang làm. Có người chọn nghề nhà giáo như một sự ngẫu nhiên, có người lại vì ước mơ, nhưng thật kỳ lạ, dù như thế nào đi chăng nữa, họ cũng hết sức tâm huyết, tận tụy với nghề.
Vì tôi là con út, cha lại mất sớm, nghĩ con thiếu tình thương của người cha, mẹ chăm sóc thương yêu chúng tôi hơn cả bản thân mình. Mẹ tôi vừa là người cha, vừa là người mẹ, vừa là một cây cổ thụ to lớn che chở cho chúng tôi. Có những lúc tôi rơi nước mắt khi nhìn thấy đôi tay chai sạn, mái tóc bạc trước tuổi của mẹ, tôi biết mẹ đã sống vì chúng tôi rất nhiều. Động lực thúc đẩy lớn nhất của tôi là muốn mẹ có cuộc sống an nhàn lúc về già. Vì thế, cố gắng của tôi phải nhân đôi để hạnh phúc của mẹ được nhân lên gấp bội.
Rèn luyện, trang bị bao nhiêu cũng không đủ cho một chuyến hành trình dài của cuộc đời, cho nên chúng ta không bao giờ được ngừng hành động. Con đường đã chọn chắc chắn sẽ có muôn vàn lối rẽ khác nhau, nhưng phải biết đâu là đích đến. Giả dụ như khi chơi game online, nó có một sức hút kỳ lạ như thanh nam châm cứ muốn hút ta lại, vì thế ta nên đứng thật xa để lực hút đó không thể chạm vào ý thức của ta. Còn đối với những tệ nạn xã hội, khi bị lôi kéo hãy luôn tỉnh táo và quyết liệt, có như thế thì mới không bị sa ngã.
Có người từng nói với tôi “Mỗi người chỉ có một tương lai, không nên sống bằng hoài niệm và ký ức, bước đi đừng nên ngoảnh lại làm gì”. Tôi thấy suy nghĩ đó chỉ có một phần đúng, bởi quá khứ là để người ta suy ngẫm, nhìn nhận lại bản thân và có hướng phấn đấu. Ký ức của mỗi người một khác nhau, có thể là buồn vui, hạnh phúc hay đau khổ, đừng vì sự khác nhau đó mà có cách suy nghĩ về quá khứ khác nhau.
Nếu ngày xưa bán hoa dọc đường thì nay đã có tiệm bán hoa, vì vậy bạn nên cảm ơn quá khứ đã tạo ra cho bạn được cuộc sống như ngày hôm nay, để rồi đó là động lực để bạn vươn đến ước mơ là chủ của một cửa hàng hoa. Như tôi, ngày xưa học không tốt, bị bạn bè chê cười, tôi thấy mình thật sự bất tài và luôn tự hỏi “Vì sao mọi người xung quanh tôi làm được mà tôi lại không thể, biết đâu có lúc tôi còn làm tốt hơn các bạn thì sao”. Vì vậy mà tôi đã nỗ lực để học thật tốt, khi đạt được mục tiêu, tôi thấy vui và biết ơn những ngày tháng đã qua, và cả những người đã cho tôi nhận ra giá trị của bản thân mình.
Tôi thường đến thư viện đọc sách mỗi lúc rảnh rỗi, loại sách tôi thường chọn là sách rèn luyện kỹ năng, sách bổ sung ngoài chương trình học. Cách vài ngày mới chọn một cuốn truyện cười để thư giãn. Với tôi, sách vở là một tư liệu cần thiết cho việc học hỏi và trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Mặc dù điều kiện ở đây còn vất vả thiếu thốn, trang thiết bị chưa đầy đủ, nhưng đội ngũ giáo viên luôn tận tình khiến những cuốn sách khô khan trở nên sinh động hơn.
Muốn trở thành cô giáo dạy toán, trước hết cần nắm vững những vấn đề cơ bản như công thức, định luật, định lý. Về nhà, tôi chuyên cần làm bài tập, học toán cần đến sự linh hoạt, nhanh nhẹn, tư duy nhạy bén, vì thế, tôi hay rèn luyện tính cẩn thận, tốc độ suy nghĩ nhanh. Tôi nghĩ như thế có thể ước mơ của tôi sẽ gần tôi hơn một bước nữa.
Quản lý thời gian cũng là một việc không hề đơn giản. Vì đã lên cấp ba, việc học trên lớp, học thêm, tham gia các hoạt động ngoại khóa diễn ra thường xuyên, liên tục, làm tôi quay cuồng. Tôi cần một thời khóa biểu hợp lý, nhưng cũng có đôi lúc gặp chuyện đột xuất thì phải thay đổi hết lịch học, chúng tôi hay nói đùa là chạy sô. Đúng thật, học quá nhiều môn thì không tốt, cứ nhồi nhét thì không có hiệu quả. Tôi cố gắng tập trung, dành thật nhiều thời gian cho môn toán, mặc dù thế, tôi vẫn không xem nhẹ các môn còn lại. Tuy không là mục đích hướng tới nhưng đó cũng là những kiến thức hỗ trợ hữu ích cho tương lai.
Giờ tôi đang ngồi trên ghế nhà trường, mai sau dòng đời có đưa tôi đến đâu, tôi vẫn nhớ rằng, mình có một ước mơ, ước mơ trở thành một giáo viên dạy toán. Tôi sẽ không hối tiếc nếu như mình đã làm tất cả những gì có thể cho khát vọng đó trở thành hiện thực. Lời cuối cùng tôi chúc cho bạn đọc được may mắn, sớm chạm tay vào ước mơ.
Lê Thị Huyền – VNE
Comments are closed.