Martin Gardner – Người gợi cảm hứng cho niềm say mê toán học

Martin Gardner giữ vị trí đặc biệt trong cộng đồng toán học. Chưa từng học qua một khoá học về toán tại trường đại học, Gardner đảm nhận chuyên mục Toán học vui của tạp chí Scientific American trong suốt 25 năm 1956 tới 1981. Chuyên mục của ông đã làm say mê nhiều thế hệ độc giả của tạp chí khoa học này, làm cho họ nhận ra vẻ đẹp của toán học và niềm vui khám phá bắt đầu từ việc tìm ra lời giải cho những câu đố nhỏ. Gardner qua đời ngày 22/5/2010 tại bệnh viện Norman, Oklahoma, Mỹ.
Martin Gardner sinh năm 1914 tại Tulsa, cha ông kinh doanh dầu mỏ. Thuở nhỏ, Gardner thích chơi bài, các trò ảo thuật và đọc những tác phẩm phiêu lưu mang tính chất ma thuật của nhà văn Braum. Niềm say mê những trò chơi trí tuệ đã giúp cho Gardner về sau này khi lựa chọn Toán học vui như một phần quan trọng của cuộc đời mình.

Gardner tốt nghiệp khoa triết tại trường Đại học Chicago năm 1936. Năm 1937 Gardner trở lại Oklahoma và trở thành phóng viên cho tờ báo Tulsa Tribune, sau khi làm một thời gian ngắn tại phòng truyền thông của Đại học Chicago. Vào năm 1942, ông tham gia hải quân. Trong một đêm canh gác, Gardner đã nghĩ ra tình tiết cho câu truyện ngắn đầu tiên “The Horse on the Escalator” đăng trên tạp chí Esquire. Sau khi chiến tranh kết thúc, Gardner trở thành nhà văn tự do. 7 năm sau, ông tìm thấy công việc ổn định tại tạp chí Humpty Dumpty, tạp chí dành cho trẻ nhỏ. Ông viết đều đặn hằng tháng những câu truyện ngắn và những bài thơ đưa ra những lời khuyên về đạo đức cho thiếu niên.

Sau đó, tổng biên tập Dennis Flanagan đã mời Gardner viết bài đều đặn cho mục Toán học vui. Khi được giao phụ trách chuyên mục Toán học vui của Scientific American, Martin chạy vội ra tiệm sách cũ ở New York tìm mua những cuốn sách về đố vui toán học. Những cuốn sách cũ này cộng với niềm say mê những trò ảo thuật, trí tò mò đã giúp Martin trụ vững ở tạp chí khoa học có uy tín của Mỹ và đều đặn đưa ra những câu đố làm bối rối độc giả. Không tham gia khóa học toán nào kể từ khi rời trung học, có lẽ chính điều này đã giúp Martin viết về toán học một cách sinh động, dễ hiểu với phần đông độc giả. Kết quả là Toán học vui đều đặn xuất hiện từ năm 1956 tới 1981 và đã trở thành một trong những chuyên mục được nhiều người đọc nhất của tạp chí, thu hút sự chú ý của những nhà toán học và cả những người yêu thích toán, dẫn dắt một thế hệ người đọc trẻ vào niềm say mê giải quyết các vấn đề.

Chuyên mục toán học cùng với những tri thức về văn hóa, khiếu hài hước đã biến Gardner người chưa từng theo học toán tại trường trung học, trở thành người thổi hồn cho chuyên mục Toán học vui và gợi niềm cảm hứng cho những thế hệ mới suy nghĩ về làm toán và làm khoa học. Gardner tin rằng giây phút con người kêu lên thích thú khi tìm ra câu trả lời cực kỳ quan trọng trong văn hóa của nhân loại. Ông cho rằng điều làm nên sự khác biệt giữa xã hội công nghiệp hiện đại với thời kỳ Hy Lạp cổ là khả năng giải các câu đố. Một màn hình tivi không thể được giải bởi một cá nhân mà hàng trăm người đã tham gia vào giải những câu đó để tạo nên chiếc tivi. Mỗi khi một câu hỏi được giải, niềm vui sướng lại đến. Một người giải được câu đó cũng có cái cảm giác sung sướng, thỏa mãn như các nhà khoa học khi khám phá ra những điều kỳ diệu.

Bên cạnh niềm say mê toán học, Gardner là cây bút nhiệt tình trong việc lên tiếng chống lại hiện tượng mạo danh khoa học. Trong số 70 cuốn sách, cuốn “Những trò lố bịch nhân danh khoa học” dành nhiều để nói về những lỗi khoa học và thủ đoạn. Năm 1976, Gardner tham gia vào nhóm của Carl Sagan, Isaac Asimov và nhiều người khác thành lập Ủy ban điều tra những hiện tượng huyền bí, siêu linh.

Gardner còn viết sách để giải thích các hiện tượng khoa học bao gồm cả cuốn “Thuyết tương đối cho mọi người”.  Năm 1960, ông xuất bản cuốn sách “Chú giải truyện Alice trong xứ sở thần tiên”, nói về thế giới trong cuốn sách “Alice trong xứ sở thần tiên” của Carroll. Gardner sử dụng những tri thức về vật lý, tâm lý, lịch sử và toán để làm sáng tỏ những câu chuyện kinh điển.

Trong cuốn sách “Đêm dài”, Gardner sắp xếp các chủ đề say mê của mình theo 7 thể loại: khoa học vật lý, khoa học xã hội, ngụy khoa học, toán học, nghệ thuật, triết học và tôn giáo. Ông thừa nhận, “tôi đưa cho độc giả cảm giác tôi hiểu biết sâu về nhiều lĩnh vực vì tôi bỏ nhiều công sức tìm kiếm, viết mạch lạc và luôn làm các hồ sơ tài liệu về những thứ làm tôi quan tâm”.

Là tác giả của rất nhiều cuốn sách về khoa học, bản thân Gardner tự nhận cách làm việc của ông không “khoa học”. Ông không có thời gian làm việc cố định, trong tuần ông có thể dành vài ngày đi chơi ở một vùng nào đó cùng với vợ rồi trở về nhà và làm việc vào cả ngày chủ nhật.

25 năm của cuộc đời mình để viết cho chuyên mục Toán học vui của Scientific American giúp ông nhận được nhiều giải thưởng của cộng đồng toán học. Tuy nhiên, Martin chưa bao giờ nhận mình là nhà toán học, ông chỉ xem mình là nhà báo viết về những điều ông say mê.

Ngọc Tú (Theo Scientific American,   Washington Post, New York Times)