Giành nhiều giải thưởng trong các kỳ thi toán khi còn đi học, nhưng Hoàng Văn Tuấn chọn con đường kinh doanh. Anh nói cách tìm lời giải cho từng bài toán đã giúp anh nhiều trong cuộc sống.
> Từ tiến sĩ toán học thành đại gia xúc xích
Hoàng Văn Tuấn. Ảnh: H.T. |
Hoàng Văn Tuấn hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần tri thức cộng đồng Việt – Vicko, đơn vị chủ quản của một trong những mạng xã hội về đào tạo hàng đầu ở Việt Nam – Hocduong.vn, công ty chuyên đào tạo về tiếng Anh, kỹ năng mềm, quản trị kinh doanh. Mới chỉ hai năm, công ty đã có vị trí vững chắc ở thị trường trong nước.
Từ cấp 2 đến cấp 3, anh đều học lớp chuyên toán và tham gia các kỳ thi toán quốc gia, lần nào anh cũng ‘ẵm’ giải nhì hoặc giải ba về cho trường. Lên đại học, anh chọn khoa toán – tin trường đại học Bách Khoa Hà Nội, và tiếp tục theo đuổi môn toán khi học thêm hai năm thạc sĩ.
Vừa học vừa làm tại công ty Tinh Vân (trưởng dự án dịch tự động Anh – Việt), anh vẫn miệt mài nghiên cứu các thuật toán làm thế nào số hóa từ điển, số hóa các luật về ngữ pháp.
Đây cũng là thời điểm khiến suy nghĩ và con đường đi của Hoàng Văn Tuấn có sự thay đổi. Ý tưởng kinh doanh khởi đầu của anh là thành lập một website cung cấp các dịch vụ online ở Việt Nam, với tham vọng tạo dựng chỗ đứng trong lĩnh vực kinh doanh “hot” nhất trên thương trường lúc ấy – thương mại điện tử.
Đến năm 2009, những ý tưởng ấy đã chín muồi, Hoàng Văn Tuấn quyết định thành lập doanh nghiệp của riêng mình – công ty cổ phần Tri thức Cộng đồng Việt – VICKO, nơi tạo ra sân chơi cho tất cả những bạn trẻ ham muốn kinh doanh có thể lập nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã ra đời.
Hoàng Văn Tuấn bắt đầu đọc sách về kinh doanh. Cuốn sách “Cha giàu, cha nghèo” đã thay đổi cuộc đời Tuấn nhiều nhất. “Khoảng 4-5 năm tôi mới kiểm chứng được một số điều mà tôi quan tâm được viết trong đó”, anh nói.
Bước vào con đường kinh doanh, anh bắt đầu suy nghĩ nhiều về tài chính, số tiền chi tiêu lúc là sinh viên đến khi ra trường, rồi khi trở thành chuyên gia.
“Hồi đi làm công ăn lương, số tiền chi tiêu hàng tháng của tôi thường vượt quá 20% so với tiền kiếm được, có khi làm chuyên gia trong vài ngày số tiền có thể lên đến 7-8 triệu, nhưng tôi vẫn tiêu quá số tiền mà mình kiếm được”, anh kể lại.
“Việc thành lập công ty là bước đi giúp chúng tôi thực hiện khát vọng làm việc gì đó giúp ích cho nhiều người trong xã hội, giúp cho bản thân làm chủ đồng tiền”, Tuấn cho hay.
“Còn lúc này, tôi bắt đồng tiền làm việc cho mình. Bởi khi là chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư, thay vì được người khác lo cuộc sống, tôi không chỉ lo cho cuộc sống của bản thân, mà còn lo cuộc sống cho người khác”, anh nói thêm.
Hiện nay trang Hocduong.vn đã trở thành một trong những mạng xã hội về đào tạo hàng đầu Việt Nam thu hút tới hơn 30.000 thành viên tham gia học tập trên Hocduong.vn và sinh hoạt, giao lưu tại gần 20 chi nhánh, văn phòng đại diện của Hocduong.vn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Giờ nghĩ lại, Hoàng Văn Tuấn không hề hối hận vì con đường anh chọn. Với anh, công việc nào giúp ích cho xã hội là mong muôn từ thuở nhỏ.
Theo Tuấn, người học toán hay học văn không quan trọng, quan trọng là người đó đúc kết được cái gì là cốt lõi từ những thành công khi học những môn đó, nếu coi học là việc thì sự thành công ở mức nào trên công việc bạn đã làm mới là quan trọng.
“Như trường hợp tôi, tôi có quá khứ ‘đẹp’, đó là thi toán giải quốc gia, tham gia xây dựng thành công dự án dịch tự động tại công ty Tinh Vân Media và đạt nhiều giấy khen, nên tôi có lý lịch đẹp khẳng định với các nhà kinh doanh”, anh cho biết.
Hoàng Văn Tuấn thừa nhận, vị trí của toán trong anh không nhiều như trước đây, nhất là khi chuyển sang lĩnh vực mới, các kiến thức toán không còn được áp dụng vào công việc thực tế.
Đồng thời, Tuấn không phủ nhận vai trò học toán, chính những kinh nghiệm toán học ngày ấy đã khiến anh luôn không bao giờ nản chí. “Mỗi khi gặp một vấn đề đầy thử thách, tôi như thấy mình của ngày xưa – đầy ham muốn chinh phục trước một bài toán khó khăn và không bao giờ bỏ cuộc”.
“Toán là môn học hứng thú và hấp dẫn”, anh nói.
Trong khi nhiều người nghĩ rằng, toán học để rèn luyện tư duy, nhưng Tuấn nghĩ để rèn tư duy thì việc gì cũng cần rèn, ngay cả làm thơ làm văn càng phải rèn luyện. Không chỉ toán học mới làm được điều này.
Hoàng Văn Tuấn cho rằng, các kiến thức như tích phân, sin, cos, tang, hàm mũ hay hàm số bậc nhất, hàm số bậc hai không áp dụng vào thực tế, lâu dần cũng quên. “Nhưng tôi thành công trên môn toán là khi tôi miệt mài, đam mê làm toán, đó là cái giúp ích cho tôi bây giờ – khi gặp vấn đề khó khăn không được nản chí luôn miệt mài đam mê tìm hướng giải quyết”, Tuấn nhận xét.
Hương Thu – EVN