Đam mê toán học, mong muốn đưa nghiên cứu toán ứng dụng vào thực tế, nhưng vì “bị thời cuộc từ chối”, ông rẽ sang ngả khác và trở thành nhà sản xuất kinh doanh xúc xích nổi tiếng.
Tiến sĩ Mai Huy Tân, 70 tuổi, chủ tịch công ty Thực phẩm Đức Việt, chia sẻ với VnExpress về cuộc đời làm toán và kinh doanh.
Thầy giỏi, trò chăm, là nhất
Đầu những năm 60 các lớp chuyên toán chưa ra đời, cậu học trò Mai Huy Tân đang học ở trường phổ thông 3A Hà Nội (nay là trường THPT Việt Đức) và bạn bè thường tìm Tạp chí toán học và tuổi trẻ để tham khảo. Mãi sau này, giáo sư Tạ Quang Bửu, khi đó là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, mới thành lập các lớp phổ thông chuyên toán.
Thích học toán, Mai Huy Tân nhanh chóng nằm trong đội ngũ học sinh giỏi của trường. Từ đây, ông được tham gia các lớp chuyên đề về toán với sự dạy dỗ của các giáo viên giỏi như thầy Lê Văn Thiêm, cô Hoàng Xuân Sính.
“Chính các thầy cô là những người đã khơi dậy và giúp tôi có tình yêu đặc biệt với môn toán”, ông cho hay.
Năm 1966, ông trở thành sinh viên năm thứ nhất khoa toán, trường đại học Tổng hợp. “Lúc bấy giờ Mỹ ném bom miền bắc, các trường đại học đều sơ tán lên Thái Nguyên. Chúng tôi không biết đèn điện là gì. Ăn sáng là một thứ xa xỉ mà sinh viên ít khi dám mơ tới. Thầy và trò học toán cao cấp dưới mái tranh tre nứa lá”, tiến sĩ Tân hồi tưởng.
“Giờ đây, tôi vẫn ghi nhớ công ơn các thầy Lê Văn Thiêm, Hoàng Tuỵ, Phan Đức Chính, Hoàng Hữu Đường và các thầy khác. Họ đã dạy chúng tôi nên người. Tôi luôn cho rằng tiền bạc, cơ sở vật chất là quan trọng. Nhưng tôi nhận ra, đó không phải yếu tố quyết định hàng đầu đối với chất lượng giáo dục, mà là thầy và trò. Thầy phải giỏi, yêu nghề và hết lòng vì học sinh. Trò phải chăm chỉ, say mê khoa học. Đó mới là những yếu tố quan trọng nhất và quyết định nhất”, ông nhận xét.
Sau tốt nghiệp cử nhân vào năm 1970, Mai Huy Tân làm việc tại phòng toán kinh tế của Bộ Điện và Than (giờ là Bộ Công thương). Mới ra trường, ông không ngại khó để theo chân những bậc đàn anh xuống thực tế làm các đề tài nghiên cứu toán ứng dụng như: xây dựng các hàm sản xuất trong điều độ tại mỏ than Cọc Sáu, sơ đồ Pert trong đại tu lò hơi nhà máy điện Yên Phụ.
Tháng 9/1971, ông vào quân ngũ và tham gia mặt trận Quảng Trị 1972. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, khoác áo lính, lương 5 đồng, ông vẫn say sưa nghiên cứu khoa học với các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng trong hợp lý hóa chi phí sửa chữa chi phí sửa chữa xe máy.
Từ tiến sĩ thành thợ dịch
Rời quân ngũ, vị tiến sĩ quay trở về cơ quan cũ. Ông tiếp tục cùng đồng nghiệp dành thời gian cho khoa học như tham gia các seminar khoa học ở các viện nghiên cứu, liên tiếp đề xuất các nghiên cứu ứng dụng như: ứng dụng toán học trong cân bằng năng lượng, xây dựng các hàm sản xuất phục vụ cân đối dây chuyền khoan – nổ – xúc – tải ở các mỏ than lộ thiên.
Để nâng cao trình độ, Mai Huy Tân quyết định làm nghiên cứu sinh ở trường đại học Tổng hợp Martin Luther, thành phố Halle, Cộng hòa dân chủ Đức từ năm 1982 tới năm 1986. Ông là người nước ngoài đầu tiên của khoa đạt điểm xuất sắc (Summa cum laude) khi bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài “Các phép toán tối ưu ứng dụng trong lập kế hoạch sản xuất xí nghiệp công nghiệp”. Bốn người đạt giải trước đó đều là sinh viên người Đức.
Giáo sư Lassmann, người hướng dẫn ông, đã đề nghị với Đại sứ quán Việt Nam cho ông làm tiếp tiến sĩ khoa học. Tiếc là lời đề nghị này không được đáp ứng và ông trở về nước. Lúc này phòng Toán máy tính Bộ Điện & Than đã không còn sau những lần thay đổi tổ chức. Tiến sĩ Mai Huy Tân xin về Phòng Toán kinh tế thuộc Uỷ ban phân vùng kinh tế Nhà nước để có điều kiện tiếp tục các hoạt động nghiên cứu ứng dụng toán kinh tế, nhưng nguyện vọng này không được chấp nhận.
Bộ Năng lượng phân về ông làm việc tại Trung tâm thông tin khoa học kỹ thuật, với nhiệm vụ chính là dịch thuật và chọn lọc thông tin.
“Như vậy từ anh tiến sĩ toán tôi trở thành thành thợ dịch. Tôi nghĩ với công việc này, chỉ cần sinh viên mới ra trường học ngoại ngữ làm được”, ông Tân nhớ lại.
Dù vậy, ông vẫn tâm huyết với nghiên cứu khoa học bằng việc chủ động đề xuất với Bộ đề tài khoa học “Ứng dụng các phương pháp toán kinh tế để xây dựng và lượng hóa mối tương quan giữa giá điện, giá than với giá các sản phẩm chủ chốt khác của nền kinh tế quốc dân, làm cơ sở xây dựng chính sách giá năng lượng”. Đề tài được nghiên cứu hơn một năm, nhưng rồi kết quả cũng bỏ đấy, vì không có khả năng ứng dụng. Sau đó ông viết nhiều đề tài nhưng đều không được ứng dụng
Máu sĩ diện giúp thay đổi đường đời
Năm 1988 là một thời điểm rất khắc nghiệt của giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới. Tại cơ quan tiến sĩ Tân công tác, Bộ có quyết định tinh giảm nhân lực một nửa, mỗi cơ quan tự lo lương cho nửa số nhân viên còn lại.
“Với tính sĩ diện của người làm khoa học, tâm đắc câu nói hay tự cứu mình trước khi trời cứu, tôi tự nguyên xung phong vào số phải tự lo lương bằng hoạt động khác, tất nhiên là phi toán học”, tiến sĩ Tân nói.
Từ đây, ông tự đứng lên để kiếm tiền nuôi bản thân. Lúc nào trong đầu ông cũng có câu hỏi: “Bây giờ làm gì đây? Nếu làm đơn thuần nghiên cứu thì không sinh ra tiền?”
Phong trào xuất khẩu lao động đang diễn ra nhiều ở Việt Nam, với khả năng ngoại ngữ là tiếng Đức, “tôi nghĩ ngay đến chuyện viết sách cho người Việt học tiếng Đức, giúp họ khả năng giao tiếp tốt hơn”. Thật bất ngờ khi cuốn sách bán hết và mang lại nguồn lợi lớn cho cơ quan. Ông rút ra bài học đầu tiên về kinh doanh: Hãy sản xuất ra những thứ mà thị trường cần.
Tiếp đó, nhận thấy nhiều doanh nghiệp nhà nước đang muốn tìm hiểu nền kinh tế thị trường, ông và đồng nghiệp xuất bản tiếp cuốn sách đầu tiên về marketing. Sách được độc giả đón nhận nồng nhiệt, mang lại doanh thu lớn.
Sau này, ông cùng các bạn người Đức lập ra trung tâm giao lưu Việt – Đức. Chính trong quá trình làm việc với người Đức, ông học hỏi được rất nhiều điều trong kinh nghiệm quản lý. Đây là bước ngoặt để ông thành công trong nghề mới: kinh doanh.
Công ty Thực phẩm Đức Việt ra đời. Lúc đó không có tiền, ông và gia đình quyết định bán căn nhà ở phố Huế. Chỉ trong 3 năm công ty đã có lợi nhuận.
Ban đầu, công ty liên doanh Đức Việt với một nhà máy chế biến xúc xích ở tỉnh Hưng Yên. Năm 2008, chuyển thành Công ty cổ phần thực phẩm Đức Việt chuyên sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch, trong đó có các loại xúc xích Đức với thương hiệu “Thực phẩm Đức Việt” nhiều năm được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao, được trao Cúp Tự hào thương hiệu Việt và Danh hiệu Sao Vàng Đất Việt.
“Tôi nhận ra khoa học là khoa học, cuộc sống đòi hỏi gì thì mình phấn đấu vì điều đó bằng chính nỗ lực của bản thân. Năm 1988 cũng là thời kỳ tôi chấm dứt 22 năm nghiên cứu khoa học thuần túy với toán học. Như vậy cuộc sống chuyển biến, từ người làm toán, đến 50 tuổi, không có điều kiện làm khoa học, tôi đã bắt tay vào làm công việc khác và đã thành công”, tiến sĩ Mai Huy Tân chia sẻ.
Người sáng lập công ty thực phẩm Đức Việt tự nhận là mình sinh ra không hợp thời – say mê toán học, có tấm bằng tiến sĩ nước ngoài nhưng lại không có môi trường ứng dụng.
“Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm kinh doanh. Nhưng khi đã làm cái gì đó phải cố gắng và quyết tâm bằng được. Đây cũng là phẩm chất một doanh nhân cần có”, ông Tân nói.
Ông không phủ nhận vai trò của toán học đã giúp đỡ ông về tư duy có hệ thống, kết hợp với tư duy trừu tượng. Người học Toán làm gì cũng có thể thành công, nhất là chính trị lại rất thành công như ông Hồ Đức Việt, Tô Huy Rứa, ông Tân nhận xét.
Mới đây, dịp kỷ niệm 50 năm khoa toán cơ tin học, đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (khoa toán đại học Tổng hợp trước đây), giáo sư Phạm Kỳ Anh – chủ nhiệm khoa – có đề nghị tiến sĩ Tân phát biểu. Nhưng ông từ chối vì bỏ nghề toán khá lâu.
“Giáo sư Phạm Kỳ Anh nói rằng, chính đặc điểm đó của tôi là lý do ông muốn mời tôi phát biểu với hàm ý người học toán, có tư duy toán học, có thể thành công không những trong lĩnh vực toán học, mà còn cả trong những lĩnh vực khác, ví dụ kinh tế hoặc kinh doanh”.
Còn giáo sư Phan Văn Hạp (nguyên chủ nhiệm khoa toán đại học Tổng hợp Hà Nội) nói đùa rằng: khoa ta có hai Đức Việt nổi danh, anh Hồ Đức Việt trên chính giới và anh Tân Đức Việt trong kinh doanh.
Nói về niềm đam mê toán học bây giờ, tiến sĩ Mai Huy Tân thừa nhận ở cái tuổi 70, nói điều này có thể bị cho là lãng mạn quá, nhưng ông vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho toán. Đặc biệt, ông rất khâm phục và ngưỡng mộ giáo sư Ngô Bảo Châu. Ông cho rằng anh Châu có nhiều yếu tố thuận lợi, như được học ở trường ưu tú của Pháp, có người hướng dẫn tốt – những yếu tố không phải ai cũng may mắn gặp. Tuy nhiên điều quan trọng nhất đưa đến thành công của Châu chính là nỗ lực của bản thân anh, ông nhận xét.
“Dù thế nào cũng đừng bao giờ nản chí”, tiến sĩ toán học chuyển thành doanh nhân nói. “Bạn hãy yêu toán. Học giỏi toán thì bạn sẽ thành công trong cuộc sống”.
Hương Thu – VNE