Chàng dũng sĩ sẽ không bao giờ đuổi kịp con rùa nếu xuất phát sau nó. Khi được hỏi về câu chuyện tưởng như đùa này, nhà toán học Hi Lạp Zénon đã làm mọi người phải ngỡ ngàng bởi lời giải thích đầy tính trừu tượng nhưng không thể bắt bẻ được như sau: sau một khoảng thời gian, chàng dũng sĩ di chuyển được một quãng bằng nửa khoảng cách ban đầu thì con rùa cũng đã nhích lên được một chút.
HLV Wenger |
Sau một khoảng thời gian nữa, chàng dũng sĩ tiếp tục di chuyển được một nửa khoảng cách, con rùa vẫn không hề đứng yên… Cứ như vậy cho đến tận cùng, khoảng cách giữa chàng dũng sĩ và con rùa được chia nửa nhiều lần nhưng không bao giờ chạm tới 0 và chàng dũng sĩ sẽ không thể nào bắt kịp con rùa…
Câu chuyện này được Zénon đưa ra để làm ví dụ cho tính vô hạn trong số học, vốn chỉ được xem như thứ giải trí, nhưng có vẻ như ở đâu đó trong tâm trí cổ động viên Arsenal đã xuất hiện một nỗi lo sợ sâu xa về sự vô hạn của hành trình bắt kịp các đại gia khác như Chelsea, Manchester United…
Đội bóng của ông Wenger đã hơn sáu năm trắng tay, lý do thì ai cũng có thể chỉ rõ: ông Wenger đã xây dựng đội bóng của mình theo cách mà không HLV hàng đầu nào dám làm là chỉ tập trung vào việc đào tạo cầu thủ trẻ. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu thành tích của Arsenal tăng dần sau nhiều năm, đằng này mùa giải nào họ cũng nằm trong tốp 4 của Premier League, tiến khá sâu ở Champions League, nhưng đó lại là tất cả.
Đến giờ, người ta đã thừa nhận giữa Arsenal và Chelsea, M.U luôn tồn tại khoảng cách của sự đầu tư. Sáu năm trời là dư thừa cho sự trưởng thành, các ngôi sao trẻ của Arsenal ngày ấy đáng lý đã phải được tập hợp thành một đội ngũ hùng mạnh hiện tại. Nhưng với chính sách dè sẻn của đội bóng, phân nửa trong số họ đã ra đi, bù đắp vào đó vẫn là những cầu thủ trẻ, những niềm hi vọng cho tương lai rằng sau 2-3 năm họ sẽ trưởng thành và Arsenal trở nên cực mạnh, cách đây sáu năm người ta cũng từng nghĩ như vậy. Có lẽ nếu vẫn duy trì con đường của mình, hành trình của Arsenal cũng chẳng khác gì cuộc đua của chàng dũng sĩ, luôn tiến về phía trước nhưng mãi mãi không thoát ra được cái vô hạn của khoảng cách.
Thành công của Arsenal trong thời đại này chẳng khác gì một nghịch lý.
PHAN HUY ĐĂNG – TTO