Norbert Wiener: từ thần đồng đến nhà khoa học vĩ đại

www-history.mcs.st-andrews.ac.uk/BigPictures/Wiener_Norbert_2.jpeg

Norbert Wiener sinh ngày 26-11-1894 tại Columbia, Missouri, Hoa Kỳ. Ông là nhà toán học nổi tiếng trên cả phương diện toán học thuần túy và toán học ứng dụng, được coi là cha đẻ của ngành Điều khiển học, là người tiên phong nghiên cứu về quá trình ngẫu nhiên và quá trình ồn (noise).
Cha của ông là Leo Wiener, một giáo sư ngôn ngữ người Nga Do Thái là người sớm nhận ra khả năng thiên bẩm của con trai và đã hướng cho ông một nền tảng tốt về giáo dục. Mẹ ông là một người Đức Do Thái, ông đã từng nói về mẹ của mình như là “một người phụ nữ nhỏ bé, khỏe mạnh, mạnh mẽ và sôi nổi”.

Ông được cha mẹ giáo dục tại nhà cho đến năm 1903 (một phương pháp giáo dục quen thuộc của người Do Thái cho con trẻ nhằm khơi gợi phát hiện năng khiếu của chúng). Ông trở thành một thần đồng nổi tiếng chính là do sự hướng dẫn của người cha vốn là một giảng viên ngôn ngữ những lại là một người học rộng và có hẳn cho mình một thư viện riêng. Leo cũng là một người có khả năng về Toán học và ông truyền đạt một số kiến thức về Toán cho con trai của mình ngay từ thủa ấu thơ.

Tôt nghiệp trường trung học Ayer năm 1906, lúc chỉ mới 11 tuổi, Wiener đậu vào đại học Tufts và lấy bằng cử nhân Toán khi 14 tuổi (1909), rồi tiếp tục làm nghiên sinh về Động vật học tại Harvard. Năm 1910 ông chuyển sang Đại học Cornell học Triết học. Một năm sau ông quay lại Harvard trong khi vẫn tiếp tục học về Triết. Ở Harvard ông bị ảnh hưởng nhiều từ Edward Vermilye Huntington, vốn có nhiều mối quan tâm toán học tự nền tảng bằng các tiền đề đến những bài toán ứng dụng trong kĩ thuật. Ông được nhận bằng Ph.D năm 1912 tức là khi chỉ 18 tuổi, cho luận văn về Logic Toán dưới sự hướng dẫn của Karl Schmidt.

Năm 1914 ông sang châu Âu, và nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các nhà Toán học danh tiếng Bertrand Russell, G. H. Hardy (Cambridge University), David Hilbert, Edmund Landau (University of Göttingen). Năm 1915-16, ông giảng dạy Triết học tại Harvard, rồi làm cho công ty General Electric rồi tham gia viết Encyclopedia Americana. Khi Chiến tranh Thế giới I bùng nổ, Oswald Veblen mời ông làm việc về đạn đạo học tại Aberdeen Proving Ground, Maryland. Wiener sinh hoạt và làm việc với các nhà toán học khác và chính điều này đã làm cho sự quam tâm đến Toán học của ông trở nên mạnh mẽ, sâu sắc hơn.

Chiến tranh kết thúc, ông được William Fogg Osgood mời sang MIT như một phụ giảng về Toán học. Ở đây ông quan tâm đến lý thuyết xác suất và bắt đầu nghiên cứu về chuyển động Brown. Wiener tham gia vào Đại hội Toán học Thế giới năm 1920 tại Strasbourg khi cùng làm việc với Fréchet. Ông cũng trở lại châu Âu một cách thường xuyên vào những năm tiếp theo đó để tham viếng các nhà Toán học Anh, Pháp và Đức. Đặc biệt trong đó có Paul Lévy và tại Đại học Göttingen nơi ông tìm ra những liên hệ quan trọng giữa những kết quả của ông với cơ học lượng tử. Điều này dẫn tới một sự cộng tác của ông với Max Born.

Năm 1926, Wiener lập với gia đình với Margaret Engemann, rồi sang Châu Âu trong chương trình học bổng Guggenheim. Ông gặp gỡ Hardy tại Đại học Cambridge rồi trở về Göttingen cũng là nơi đoàn tụ với vợ ông khi bà thôi công việc giảng dạy ngôn ngữ tại Juniata College, Pennsylvania.Vào những năm 1931-32 Wiener có những tiến triển trong công việc nghiên cứu Toán của mình khi ông chủ yếu ở Anh Quốc và thường xuyên gặp gỡ Hardy tại Cambridge. Ông có các khóa giảng về tích phân Fourier và Cambridge cũng tạo điều kiện cho ông có thể gặp gỡ nhiều nhà Toán học khác, trong đó có Blaschke, Menger, Frank, Hahn, Artin và Gödel. Wiener đưa ra nhiều ý tưởng quan trọng trong các công trình của mình về biến đổi Fourier, chuyển động Brown, bài toán Dirichlet và định lý Tauber, lý thuyết thế (potential theory)…

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông dành thời gian quan tâm đến lý thuyết truyền thông và Điều khiển học, lý thuyết lượng tử. Sau chiến tranh ông qua MIT cùng với Warren Sturgis McCulloch và Walter Pitts trở thành những người tiên phong cho khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo.

Wiener là người tạo nền tảng cho điều khiển học, công nghệ người máy, điều khiển máy tính và tự động hóa. Ông cũng chia sẽ các lý thuyết mà ông tìm ra với những nhà nghiên cứu khác bao gồm cả các nhà khoa học Xô-viết thậm chí ngay cả khi Chiến tranh Lạnh đang lan tỏa trên toàn cầu. Wiener là một người ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng tự động hóa để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống tại các nước kém phát triển. Ý tưởng của ông có ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ, nơi mà chính phủ nước này thường xuyên được ông cố vấn trong thập kỉ 1950s.

Wiener từng chối từ lời mời tham gia dự án Manhattan (dự án phát triển bom nguyên tử trong Chiến tranh Thế giới thứ II). Sau khi chiến tranh kết thúc ông ngày càng trở nên quan tâm hơn đến những gì trước kia ông thấy như sự can thiệp của chính trị vào khoa học, sự quân sự hóa khoa học. Ông viết bài báo “Một nhà khoa học nổ loạn” (A Scientist Rebels) trên tờ Nguyệt san Atlantic tháng 1-1947 để kêu gọi các nhà khoa học xem xét ý nghĩa đạo đức trong công việc nghiên cứu của họ. Ông đã chối từ bất kì nguồn tài trợ nào của chính phủ hướng các nghiên cứu của ông về các dự án quân sự. Lập trường của ông về vũ khí hạt nhân khi Chiến tranh Lạnh xảy ra hoàn toàn tương phản với John von Neumann. Hai ông đều là người Do Thái, đều là các thần đồng, đều cùng có ảnh hưởng lớn lao đến sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong thế kỷ XX nhưng lại hoàn toàn đối lập nhau trong lập trường về sự tham gia của khoa học vào quân sự, vũ khí hạt nhân.

www-history.mcs.st-andrews.ac.uk/BigPictures/Wiener_Norbert_3.jpeg

Wiener có viết hai cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của mình đó là các cuốn “Thần đồn tuổi thơ” (Ex-Prodigy: My Childhood and Youth), “Tôi là nhà Toán học” (I am a Mathematician) trong đó chứa đựng nhiều thông tin thú vị về đời tư của ông và con đường mà ông đã trở thành một nhà khoa học lớn như thế nào. Wiener nhận giải thưởng Bôcher năm 1933 và Huân chương Quốc gia về Khoa học của Hoa Kỳ năm 1963.

Norbert Wiener từ giã cõi đời năm 1964 tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển nhưng tên tuổi và những cống hiến của ông cho nền khoa học kỹ thuật của nhân loại của ông vẫn còn đó. Tên của ông được đặt cho một miệng núi lửa ở nửa bị che khuất với Trái Đất trên Mặt Trăng. Tại Đại học Maryland người ta thành lập trung tâm Norbert Wiener về Giải tích Điều hòa và ứng dụng. Giải thưởng Norbert Wiener cho Toán ứng dụng được thiếp lập bởi Hội Toán học Mỹ (AMS) và Hội Toán học Công nghiệp và ứng dụng (SIAM) từ năm 1967.

Tham khảo (mathvn.org)

1. Các mô hình xác suất và ứng dụng. Nguyễn Duy Tiến. NXB ĐHQG Hà Nội 2001
2. http://en.wikipedia.org/wiki/Norbert_Wiener
3. http://www-history.mcs.st-andrews.ac.uk/Biographies/Wiener_Norbert.html