Cả nước có khoảng 400 ĐH, song chỉ có khoảng 150 người đủ trình độ giảng dạy toán học theo tiêu chuẩn quốc tế.
Giáo sư Ngô Việt Trung |
Đó là những bất cập trong việc đào tạo và giảng dạy toán học nói riêng và khoa học cơ bản nói chung, được giáo sư Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán chỉ ra khi trao đổi với Đất Việt.
Cho rằng ngành toán học của Việt Nam phát triển chậm và đang có xu thế tụt hậu, giáo sư Trung cho biết: Đội ngũ cán bộ giảng dạy toán đang thiếu trầm trọng. Hiện, cả nước có khoảng 400 ĐH, nhưng những người có đủ trình độ giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế chỉ khoảng 150 người. Lực lượng đó chưa thể đáp ứng nhu cầu giảng dạy, chứ chưa nói tới việc nghiên cứu và ứng dụng trong kinh tế, an ninh, quốc phòng…
– Thưa giáo sư, đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, khi Việt Nam luôn không thiếu học sinh có năng khiếu về toán, đạt nhiều thành tích tại các kỳ thi quốc gia cũng như quốc tế?
– Tôi cho rằng thực trạng này xuất phát từ cách bồi dưỡng năng khiếu như hiện nay của chúng ta rất phí phạm. Chúng ta mới chỉ quan tâm, rèn cho các em thi đạt thành tích ở các kỳ thi quốc gia, quốc tế mà không quan tâm đến việc tiếp tục hỗ trợ học sinh có năng khiếu theo đuổi các ngành khoa học cơ bản… Hậu quả là những người giỏi toán trước đây đều chuyển sang làm các ngành khác. Ngay cả những thày giỏi để luyện toán cũng ít dần, hầu hết thuộc lứa tuổi 50-60 và không có người kế cận. Thực tế, nhiều học sinh sinh viên bây giờ ngại hoặc sợ học toán.
Theo giáo sư Ngô Việt Trung, Chương trình trọng điểm phát triển toán học đến năm 2020 (hiện đang được soạn thảo), đặt mục tiêu đưa Việt Nam sau 20-30 năm trở thành một trong 20 nước có thành tích toán học cao nhất thế giới. Dự kiến kinh phí đầu tư cho Chương trình trọng điểm phát triển toán học khoảng 80 tỷ đồng một năm. |
– Điều gì đã khiến học sinh sinh viên ngại và ít chọn ngành toán thưa giáo sư?– Tôi nghĩ, họ không thích học toán vì theo ngành này, họ không nhìn thấy tương lai, hoặc tương lai không rõ ràng. Ngành toán chỉ có hai con đường: làm giáo viên hoặc nghiên cứu viên. Nhưng thu nhập của giáo viên còn thấp, không đủ nuôi sống gia đình, trong khi chọn con đường làm nghiên cứu viên thì lương cũng chỉ 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Trong lúc xã hội phân hóa rất lớn, cùng một khả năng, cùng trình độ như nhau, ra ngoài làm có thể đạt thu nhập 5-6 triệu đồng một tháng. Theo tôi, đó là nguyên nhân cơ bản nhất.
– Theo giáo sư, đâu là việc cần làm ngay để để khắc phục tình trạng trên?
– Việc cần thực hiện ngay là đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ trẻ. Trong vòng 10 năm tới, phải xây dựng được đội ngũ giảng viên toán học có trình độ cao cho các trường đại học và cán bộ nghiên cứu toán học nhằm đảm bảo cho khoa học và giáo dục Việt Nam phát triển một cách bền vững và theo kịp trình độ quốc tế.
Theo tôi, không nên bỏ hẳn trường chuyên lớp chọn, mà nên xây dựng lớp chuyên từ cấp 3 để phát hiện tài năng, năng khiếu để bồi dưỡng thành người tài. Việc bỏ kỳ thi học sinh giỏi các cấp cũng khiến việc phát hiện nhân tài khó khăn hơn… Ngoài ra, nên khôi phục chính sách ưu tiên tuyển vào đại học đối với các em đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
– Được biết, ngành toán học Việt Nam đang tiến hành soạn thảo Chương trình trọng điểm phát triển toán học đến năm 2020. Chương trình này đặt ra những mục tiêu gì?
– Đề xuất đầu tiên là thành lập một Viện nghiên cứu và đào tạo toán cao cấp để thu hút lực lượng cán bộ người Việt Nam từ nước ngoài về đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ. Đó cũng là nơi đội ngũ cán bộ trẻ làm toán trong nước có thể yên tâm phát triển cho đến khi trưởng thành về chuyên môn, làm cán bộ nòng cốt cho các trường đại học…
Mô hình này cần có quy chế đặc biệt về tài chính để những người làm việc ở Viện được hưởng mức lương tương đối cao để có thể an tâm làm khoa học. Viện Toán học hiện nay khó có thể đảm nhiệm vai trò trên vì trực thuộc Viện KH&CN Việt Nam, khó có thể áp dụng cơ chế đặc biệt… Ngoài ra, vấn đề đào tạo năng khiếu các cấp, kế cả cho học sinh phổ thông… cũng sẽ được đề cập trong Chương trình trọng điểm.
Xin cảm ơn giáo sư!
Theo www.baodatviet.vn