Viện trưởng từng về quê chăn bò và kỷ lục xây trụ sở mới
“Quyết định thành lập Viện Toán học là cực kỳ dũng cảm. Năm 1970, chiến tranh ở Việt Nam diễn ra rất ác liệt, đang rất cần nhân lực tài giỏi phục vụ chiến tranh, thế nhưng những người lãnh đạo bấy giờ dám để những người giỏi vào ngành toán trong thời điểm có nhiều việc phải làm” – GS. Hà Huy Khoái, nguyên viện trưởng, người gắn bó cả cuộc đời với viện, nhớ lại.
“Nếu đầu óc những người bấy giờ đòi hỏi người làm nghiên cứu toán phải “ra ngô, ra khoai” ngay thì rất khó. Tầm nhìn của nhà lãnh đạo như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc ấy chính là sự đầu tư rất lớn cho toán học Việt Nam”.
Viện trưởng lâu đời nhất, GS Hoàng Tụy thì vẫn chưa quên tiền thân của viện là một phòng nghiên cứu toán học, với một nhóm 5, 6 sinh viên giỏi được đưa đi đào tạo ở Ủy ban khoa học. Sau này, phòng toán học tăng lên hơn chục người.
“Tôi nghĩ, trên thế giới chưa có viện toán nào hoạt động khó khăn như viện Toán thời ấy. Anh Lê Văn Thiêm, Viện trưởng đầu tiên, thần tượng của chúng tôi thời trẻ, là nhà toán học đầu tiên của chúng ta, đã có lúc phải về quê chăn bò, do có những chính sách đối xử với khoa học không được đúng đắn, khi có quan niệm, khoa học phải đi vào thực tế. Tuy vậy, nhìn chung con người lúc đó rất trong sáng, người như anh Thiêm không lấy chuyện đó làm buồn, vẫn tin tưởng rồi đất nước sẽ phát triển”.
Mãi tới năm 1981, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm, thấy điều kiện làm việc thảm hại nên về bàn với Bộ trưởng Bộ Xây dựng thời ấy là ông Đồng Sĩ Nguyên xây cơ sở mới cho Viện Tính toán và điều khiển, trong đó có Viện Toán học. Ông Đồng Sĩ Nguyên sau này cho biết chưa bao giờ thấy Thủ tướng giao một công việc cụ thể như vậy nên ông rất tích cực làm, chỉ trong một năm, một thời gian rất kỷ lục, Viện toán đã có cơ sở làm việc mới, chính là ở trên khu đất của Viện Toán học ngày nay.
Nhìn lại nền toán học Việt Nam trong 40 năm, theo đánh giá của thế hệ sau, người được coi là nổi bật nhất, đại diện cho nền toán học là GS. Hoàng Tụy. GS. Hoàng Tụy là tác giả của gần 150 công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín về nhiều lĩnh vực.
Cho tới nay, có ba nhà toán học được viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba công nhận là Viện sĩ: GS Hà Huy Khoái, GS Ngô Việt Trung và GS Lê Dũng Tráng (lúc đó vẫn còn làm việc ở Việt Nam). Gần đây nhất, viện này đã công nhận nhà toán học Phùng Hồ Hải (thuộc Viện Toán học) là thành viên trẻ của mình. Yêu cầu được công nhận là tuổi dưới 40, có thành tích xuất sắc. Thông thường, chỉ có khoảng 8 người ở 4 vùng được công nhận điều này.
GS. Hoàng Tụy cho biết: Sau 20 năm kể từ ngày thành lập, Viện Toán học đã trở thành một viện nghiên cứu tương đối đàng hoàng, là một trong những trung tâm toán học xuất sắc trong vùng Đông Nam Á thời bấy giờ.
Từ sau năm 1975 đến hết 1990, kinh tế bị kiệt quệ, khoa học nói chung bị trì trệ thì viện lại nổi lên. Tuy nhiên, 15 năm trước đây, có những lúc đã rơi vào khủng hoảng vì thiếu đội ngũ kế cận.
Công trình khoa học quốc tế chiếm 57%
Một may mắn nữa là trong giai đoạn ấy, viện có rất nhiều người xin được học bổng nước ngoài từ các nước Đức, Pháp, Nhật. Viện gần như là cơ sở nghiên cứu khoa học đầu tiên đi tìm được học bổng bên ngoài, không thuộc nhà nước.
Trong gần 10 năm trở lại đây, theo GS. Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học, chỉ với số lượng cán bộ là 70 người, viện đã có số lượng công trình khoa học quốc tế chiếm tới 57% tổng các số công trình toán học cả nước từ trước đến nay.
Nếu tính riêng các bài báo chất lượng cao, viện có 2/3 tổng số công trình cả nước đăng trong các tạp chí thuộc danh mục ISI (danh mục các tạp chí khoa học có chất lượng của Mỹ). So với thời kỳ trước năm 2000, số lượng bài báo trong danh mục ISI đã tăng gấp đôi.
Đóng góp lớn nhất của Viện Toán cho đất nước trong 40 năm qua, theo đánh giá của các GS Hà Huy Khoái “là nâng cao kiến thức chung về toán cho cả xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục.” Còn theo GS Ngô Việt Trung, là “giữ cho trình độ khoa học của đất nước ở một tầm nhất định, đào tạo ra những người làm toán, các giảng viên toán cho các trường đại học”.
Trong những năm 1970, không thể không nhắc tới những trí thức Việt kiều trở về đóng góp cho khoa học nước nhà, trong đó có Toán học. GS Lê Dũng Tráng thời ấy đã về nước ngay sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ. Sự phát triển toán học trong nước lúc ấy đã bị bỏ xa so với thế giới nên sự trở về của những người như GS Tráng rất có ý nghĩa.
Sau những nỗ lực bắc những nhịp cầu thông với thế giới của GS Tráng, lần lượt, đã có thêm nhiều nhà Toán học nổi tiếng thế giới tìm đến Việt Nam, giảng bài cho sinh viên ở cả những vùng đã đi sơ tán, thông qua lời giới thiệu: “Ở Việt Nam, hiện đang có một nhóm làm Toán đi theo xu hướng hiện đại”. Toán học Việt Nam nhờ đó đã không còn bị cô lập so với thế giới, nhất là các nước Mỹ, Nhật và ở Châu Âu.
Tại Mỹ năm 1974 , trong một hội thảo Toán học quốc tế (tổ chức 4 năm một lần và Việt Nam khi đó chưa có đại diện sang dự), TS Lê Dũng Tráng (từ Pháp sang với tư cách cá nhân) đã tự hào ghi tên Việt Nam lên một tấm bảng nhỏ, đặt giữa những tấm biển khác, sánh vai cùng các nước có nền Toán học phát triển.
Toán học Việt Nam đi về đâu?
“Khi hơn một nửa số người giỏi về toán đang ở nước ngoài”, GS Khoái nói. “Nếu không có chính sách thu hút họ về mà để họ vĩnh viễn làm việc ở nước ngoài thì đó là một tai họa”.
Tuy nhiên, thu hút họ về không chỉ là vấn đề tiền mà còn là không khí làm việc, người làm toán cũng cần có sự tự do tuyệt đối như Ngô Bảo Châu đã nói. Tuy nhiên, muốn thu hút họ về thì trước tiên phải đối xử khác với người làm việc ở trong nước. Nếu ưu tiên cho họ về mức lương mà người trong nước vẫn bị đối xử về lương kém hơn thì họ cũng không muốn.
Đó là chưa kể, môi trường nghiên cứu ở Việt Nam vẫn thua ở các nước phát triển ở một điểm, chẳng hạn như ở Mỹ, các hãng lớn ủng hộ khoa học rất nhiều tiền nghiên cứu mà không đòi hỏi ngay một cái gì đó. Sở dĩ họ đầu tư mà không cần thu lợi ngay trước mắt là bởi họ hiểu về lâu dài, họ sẽ có nguồn nhân lực tốt.
GS Ngô Việt Trung cho biết: Định hướng lớn nhất ở viện hiện nay là thu hút giới trẻ vào làm việc. Mỗi năm Viện giúp một hai em đi nghiên cứu ở nước ngoài và hy vọng các em trở về, tuy nhiên, sau đó có về hay không thì không ai dám chắc.
Đội ngũ người làm toán giỏi đã già mất rồi, chẳng hạn ngành toán tối ưu của GS Tụy, giờ người trẻ nhất ở đây đã gần 50 tuổi! Những ngành như xác xuất thống kê, toán ứng dụng không có người kế cận, chỉ có những người sắp đến tuổi về hưu.
Theo GS Trung, lực lượng người làm toán ở VN hiện nay chỉ bằng một khoa toán của một trường ĐH cỡ trung bình ở châu Âu. Nếu tính số lượng số công trình được công bố thì còn ít hơn. Hằng năm, viện công bố khoảng 70 công trình nghiên cứu.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, mức lương của một nhà toán học chỉ khoảng trên dưới 35 triệu/năm, trong khi đó, mức lương trung bình của một nhà toán học tại Mỹ là 100 ngàn đô la/năm.
Nhà toán học trẻ Phùng Hồ Hải có thể nói là một trong những người hiếm hoi quyết định trở về Việt Nam và nhận mức lương khiêm tốn, mặc dù anh có thể tìm kiếm một công việc tốt, thu nhập cao và ổn định tại nước ngoài.
“Sự chọn lựa này hoàn toàn là ý thích cá nhân. Giảng dạy toán cho giảng viên và sinh viên, học sinh trong nước thú vị hơn giảng cho SV nước ngoài” – anh giải thích.
Theo anh, về nước làm việc, không thể nói là bị hoàn toàn cô lập với các hoạt động nghiên cứu ở nước ngoài.
Trong máy tính của anh là một kho sách về toán tải miễn phí từ trên mạng. Anh vẫn có liên hệ với các trường ĐH nơi mình từng làm việc để tìm được những công bố mới nhất. Nhưng quả thật , có bị hạn chế vì chỉ có thể trao đổi qua e-mail mà không gặp gỡ trực tiếp được.
Ở nước ngoài, các nhà toán học được tập trung vào công việc của mình nhiều hơn, trong khi ở Việt Nam, các nhà toán học phải đi làm thêm mới đủ sống.
Theo GS Phùng Hồ Hải, muốn phát triển ngành toán thì phải quan tâm từ thế hệ HS nhỏ tuổi.
Ở Việt Nam, học sinh vẫn là những “thợ giải bài tập”. Đó là bởi thông thường các bài toán cao cấp được thay đổi để trở thành bài toán sơ cấp, HS giải bài toán ấy dựa trên sự thông minh chứ không dựa trên kiến thức cao hơn để giải, ngược lại hoàn toàn với các nước phát triển.
Những nước có nền toán học phát triển mạnh đào tạo được đội ngũ kế cận rất tốt. Chẳng hạn như Hà Lan, đất nước chỉ có 10 triệu dân nhưng có lực lượng toán học mạnh hơn VN rất nhiều lần, họ không có thành tích gì nổi bật trong các kỳ thi Olympic toán quốc tế, nhưng họ chính là người ra nhiều đề hay nhất cho các kỳ thi này.
“Ở Việt Nam, hãy bắt đầu từ việc nhỏ, đó là cần phải kết nối những nhà làm toán, nghiên cứu về toán với HS phổ thông, tạo cho họ sự đam mê vì hiện HS Việt Nam chỉ học để đi thi cho tốt chứ không phải học để biết”, Phùng Hồ Hải nhấn mạnh.
(Theo Vietnamnet)
Comments are closed.