Với 6 huy chương đồng, xếp thứ 31 trong số 90 quốc gia và vùng lãnh thổ tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 52, đoàn Việt Nam năm nay có kết quả thấp nhất trong lịch sử 35 năm. Vì sao Olympic Toán học Việt Nam “tụt dốc” như vậy?
Báo động về tình trạng “tụt dốc” của Olympic Toán học Việt Nam không chỉ đến bây giờ nhiều nhà khoa học mới đưa ra ý kiến mà đã có rất nhiều hội thảo lớn bàn về vấn đề này từ nhiều năm trước và báo chí cũng đã đăng tải rất nhiều. Vừa qua, Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức hội thảo “Công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia tuyển chọn và tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực”. Tại đây, nhiều nhà khoa học, quản lý giáo viên tham gia vào bồi dưỡng, tuyển chọn đội ngũ học sinh dự thi Olympic đã chia sẻ nhiều vấn đề.
Về toán học, GS.TSKH Hà Huy Khoái (ảnh) (nguyên viện trưởng Viện Toán học VN, trưởng đoàn học sinh VN dự Olympic toán quốc tế 2011) đã có phân tích cụ thể, chỉ ra những vấn đề chưa đạt trong công tác bồi dưỡng đội tuyển quốc gia môn Toán tham dự Olympic quốc tế.
Kết quả thấp nhất trong lịch sử 35 năm dự thi Olympic Toán học quốc tế
Về chất lượng đội tuyển quốc gia toán học 10 năm trở lại đây, theo GS Hà Huy Khoái, kể từ khi tham gia Olympic Toán học quốc tế, đội tuyển VN luôn được xem là một trong những đội mạnh và thường đứng trong tốp 10 của bảng xếp hạng thành tích toàn đoàn. Tuy nhiên, trong những năm gần dây, tương quan giữa thành tích của đội tuyển VN với đội tuyển một số nước khác đã có nhiều thay đổi.
Cụ thể, năm 2000, VN nằm trong tốp 5 toán học thế giới, Hàn Quốc đứng vào tốp 4, Nhật Bản tốp 15, Thái Lan tốp 29 và Thổ Nhĩ Kỳ tốp 18.
Đến năm 2007, Toán học VN đạt tới đỉnh cao nhất của khi lọt vào tốp 3 khi Olympic Toán học Quốc tế lần thứ 47 được tổ chức tại VN.
Tuy nhiên xu hướng chung từ năm 2005, đội tuyển của VN đã rơi vào tốp 11- 15. Nếu xu hướng này không cải thiện, có lẽ trong tương lai gần, VN sẽ ở trong tốp 16 – 20.
Trong khi đó, Nhật Bản xếp sau VN từ năm 2000 – 2004 và kể từ năm 2005 (ngoại trừ năm 2007) luôn đứng trên VN và đứng vững ở tốp đầu. Hàn Quốc là đội thành tích cao và ổn định nhất của châu Á chỉ đứng sau Trung Quốc.
Thái Lan từ xếp hạng thứ 29 (năm 2000) thì đến nay đã lọt vào tốp 5, Thổ Nhĩ Kỳ từ xếp hạng thứ 18 (năm 2000) cũng đã vươn lên thứ 8.
Đặc biệt, năm 2011, với sáu huy chương đồng, xếp thứ 31 trong số 90 quốc gia và vùng lãnh thổ tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 52, đoàn VN năm nay có kết quả thấp nhất trong lịch sử 35 năm dự kỳ thi này.
Như vậy, cần thẳng thắn thừa nhận rằng, trong khi chất lượng đội tuyển của chúng ta không được nâng lên thì một số nước khác đã có tiến bộ đáng kể và dần dần đẩy đội tuyển VN ra khỏi tốp những đội tuyển mạnh của Olympic Toán học quốc tế.
Nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, một số thay đổi trong chính sách đối với học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đã làm giảm nhiệt tình của số đông học sinh trong việc tham gia các kỳ thi học sinh giỏi. Phụ huynh cũng đã hướng con em mình đến những mục tiêu dễ dàng hơn như học để đạt điểm cao trong các kỳ thi đại học, học ngoại ngữ để tìm cơ hội du học, hơn là cố gắng đi theo con đường học sinh giỏi đầy khó khăn. Các thầy giáo ở địa phương hiểu rõ hơn ai hết khó khăn của việc động viên học sinh giỏi tham gia các kỳ thi trong những năm gần dây.
Thời gian tuyển chọn quá ngắn
Là người theo sát và tham gia tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển quốc gia môn Toán tham dự Olympic quốc tế, GS Hà Huy Khoái đã chỉ rõ phương thức tuyển chọn đội tuyển Olympic hiện nay còn khá nhiều bất cập.
Trong các năm từ năm 2006 trở về trước, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán lớp 12 được tiến hành trong 2 ngày. Do đó, có điều kiện để xây dựng những đề thi khá phù hợp với xu hướng chung của các kỳ thi học sinh giỏi Toán của các nước trên thế giới và kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Gần dây, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán chỉ diễn ra trong 1 buổi chiều. Điều đó có thể tiết kiệm đáng kể chi phí nhưng tất nhiên hệ quả của nó là việc tuyển chọn chính xác những em học sinh giỏi để trao giải sẽ khó khăn hơn. Trong 1 buổi với 7 bài toán (hiện nay là 5 bài) thì khó có thể đưa ra những đề toán hay, đủ để chọn ra những học sinh giỏi đích thực. Trong khi chúng ta giảm bớt số ngày thi và thời gian làm bài mỗi ngày trong kỳ thi quốc gia thì xu hướng chung của nhiều nước là tăng số ngày thi và kéo dài thời giant hi gần với thời gian thi của các kỳ thi Olympic.
Một điểm khác biệt nữa là hầu như mỗi năm, VN có một đội tuyển Olympic hoàn toàn mới. Nguyên nhân là nhiều học sinh lớp 11 đã từng đi thi Olympic thậm chí đã từng đoạt huy chương vàng không vượt qua được kỳ thi quốc gia để vào “vòng hai”, vòng chọn đội tuyển. Điều này không quá khó hiểu vì yêu cầu của mỗi vòng thi khác nhau, một số điểm mạnh của những em đã từng đạt đỉnh cao trong Olympic quốc tế không được thể hiện trong kỳ thi quốc gia. Khi hướng tới một đối tượng rộng rãi và giới hạn cho 3 giờ trong 5 bài thi, khó có thể đưa ra những bài toán thực sự mang tính chất “Olympic”. Để khắc phục điều này, ở một số nước, học sinh đã từng đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế được vào thẳng vòng thi chọn đội tuyển, thậm chí được tuyển thẳng vào đội tuyển. Vì thế, ở nhiều nước, trong đội tuyển có 2 – 4 em đã từng có huy chương Olympic quốc tế.
Bồi dưỡng học sinh giỏi theo tính chất địa phương
Cũng giống như thể thao, để có thành tích cao, vận động viên cần được thi đấu, cọ xát nhiều. Ở nhiều nước, các học sinh giỏi được tham dự rất nhiều kỳ thi. Chưa kể các kỳ thi vùng miền trong một nước, có thể kể ra một số kỳ thi mang tính chất quốc tế như kỳ thi Olympic các nước vùng Ban kăng, các nước SNG, các nước vùng Ban Tích, các nước vùng châu Á – Thái Bình Dương, Kỳ thi Olympic Châu Phi… Trong khi đó, học sinh VN chỉ tham gia kỳ thi Olympic quốc tế. Vì thế kinh nghiệm, tâm lý thi cử của học sinh không tốt, chưa kể học sinh VN ít có cơ hội học hỏi thêm từ học sinh các nước khác.
Hiện nay việc bồi dưỡng học sinh giỏi vẫn được làm theo kiểu rất địa phương, tỉnh nào lo đội tuyển tỉnh đó. Trong tình hình không có nhiều thầy giáo có thể làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh, điều này đã gây nhiều khó khăn cho các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh ở vùng sâu, vùng xa.
GS Hà Huy Khoái cho rằng, nên chăng tổ chức những lớp tập huấn liên tỉnh để học sinh có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau, các thầy cô giáo giỏi có thể truyền thụ kiến thức của mình cho một số đông học sinh và cũng có thể giảm một phần kinh phí bồi dưỡng cho các đội tuyển của tỉnh.
Theo GS Hà Huy Khoái, hiện nay nhiều nước rất chú trọng việc bồi dưỡng đội tuyển. Dĩ nhiên, kinh phí cho việc bồi dưỡng đội tuyển luôn là vấn đề khó khăn. Chúng ta cũng nên tổ chức một ủy ban, trong đó có cả một bộ phận có nhiệm vụ tìm nguồn tài trợ. Ủy ban này có thể bao gồm một số cán bộ của Bộ GD-ĐT và một số từ các Hội khoa học.
Hồng Hạnh – dantri