Xếp vào hàng thứ 54 trên thế giới, Toán học Việt Nam hiện bị tụt hậu khá xa so với một số nước trong khu vực vốn kém hoặc không hơn ta như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan. Một “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến năm 2020” đã được thông qua trong đó đặt mục tiêu quan trọng nhất: Đưa thứ hạng Toán học của Việt Nam lên thứ 40 so với thế giới.
Giải pháp cử giảng viên đi đào tạo và thực tập tại nước ngoài, giảm giờ dạy đối với giảng viên để tập trung vào nghiên cứu, có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng, xây dựng lộ trình đào tạo năng khiếu đặc biệt, xuyên suốt từ bậc THPT đến bậc tiến sĩ được đánh giá là hợp lý và nhận được sự tán đồng của nhiều nhà Toán học.
Toán học Việt Nam đang ở đâu?
Được xây dựng cơ bản từ năm 1954, bắt đầu đi lên từ con số 0 nhưng đến nay, Toán học Việt Nam đã được xếp vào loại khá trong các nước đang phát triển. Nhưng các nhà Toán học cũng thừanhận Toán học của nước ta hiện bị tụt hậu khá xa so với một số nước trong khu vực. Đây là hệ lụy của việc cách đây 10 năm, khi xác định các hướng khoa học công nghệ trọng điểm, Toán học đã không còn được đánh giá đúng mức.
Mặt khác, tác động của kinh tế thị trường cũng đã khiến số học sinh, sinh viên giỏi theo ngành Toán học đã giảm sút nghiêm trọng. GS Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam trăn trở: Hiện nay đầu vào các trường đại học của ngành sư phạm và cử nhân Toán có chênh lệch rất lớn, điều này đang ảnh hưởng lớn tới chất lượng chung của nền Toán học.
Hiện nay trên cả nước chỉ có 10 cơ sở đào tạo tiến sĩ về Toán là Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM, Đại học Sư phạm Tp.HCM, Viện Công nghệ Thông tin – Viện KH&CN Việt Nam, Đại học Huế, Đại học Vinh, Đại học Đà Lạt và Đại học Thái Nguyên.
Giải pháp nào để Toán học khỏi “tụt hậu”
“Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến năm 2020” đã được thông qua trong đó đặt mục tiêu quan trọng nhất:
GS Hoàng Tuỵ đề nghị, mục tiêu quan trọng nhất của nền Toán học Việt Nam trong thời gian tới không phải là đứng thứ bao nhiêu trên thế giới, mà phải giữ vững đội ngũ nhà Toán học có trình độ cao như hiện nay. Đặc biệt, cần có chế độ, chính sách đối với sinh viên theo ngành Toán học để họ kế thừa và phát triển được thành quả nghiên cứu trước đó. Nếu không, trong vài năm nữa, Việt Nam sẽ chẳng có nhà Toán học nào có tầm. |
Đưa thứ hạng Toán học của Việt Nam lên thứ 40 (hiện nay đang ở bậc 54) so với thế giới.
Để đạt mục tiêu này, một giải pháp được xem là trọng yếu: Sẽ đầu tư 500 tỷ đồng để lập Viện Nghiên cứu và đào tạo cấp cao về Toán. Theo đó, để nâng cao chất lượng đào tạo Toán học, bản dự thảo này đưa ra ý kiến chỉ có người có học vị tiến sĩ về Toán mới được giảng bài cho SV. Đặc biệt, “Viện nghiên cứu và đào tạo cấp cao về Toán” ra đời sẽ chỉ có biên chế từ 3-5 người, đảm bảo phần điều hành, quản lý. Còn toàn bộ các giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu sinh đều được mời từ bên ngoài và hoạt động theo cơ chế “biệt phái” từ 3 tháng đến 5 năm.
Tăng cường cử giảng viên đi đào tạo và thực tập tại nước ngoài, giảm giờ dạy đối với giảng viên để tập trung vào nghiên cứu… xây dựng lộ trình đào tạo năng khiếu đặc biệt, xuyên suốt từ bậc THPT đến bậc tiến sĩ. Hoàn thiện hệ thống các lớp chuyên Toán, khôi phục lại hệ thống thi học sinh giỏi Toán toàn quốc ở các lớp cuối cấp. Cho phép những học sinh xuất sắc được đặc cách học vượt lớp, vào thẳng đại học để học Toán. Đối với bậc đại học, tạo những học bổng hấp dẫn cho sinh viên, nghiên cứu sinh và cử đi đào tạo ở các trung tâm toán học lớn trên thế giới. GS Lê Tuấn Hoa cho rằng: Với thực tế của chúng ta hiện nay thì đây là cách làm có tính khả thi cao, tiết kiệm, hiệu quả nhất. Vì chúng ta tập trung được lực lượng đầu tàu vốn ít ỏi, để từ đó tạo nên một đột phá, có sức giải quyết được một số vấn đề lớn.
Đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết được đưa ra để vực dậy nền Toán học Việt Nam. Tựu chung đều đề cập đến việc đẩy mạnh nghiên cứu Toán học, gắn khoa Toán với Viện nghiên cứu trong các trường đại học để giảng viên nhận được đề tài nghiên cứu.
Theo số liệu thống kê của Viện Toán học Việt Nam, hiện nay trên cả nước chỉ có 30/322 trường có đào tạo cử nhân hoặc sư phạm Toán. Trong số đó cũng chỉ có 15 trường đại học là có khoa Toán riêng và số tiến sĩ ở 15 trường này chiếm gần 50% giảng viên, số giảng viên có học hàm GS, PGS lại thấp hơn nhiều.
GS. Hoàng Xuân Sính cho biết: Giờ đây lớp trẻ không thích học Toán, ngay cả sinh viên đoạt giải quốc tế về Toán khi đi du học nước ngoài toàn chọn ngành kinh tế. Khi tôi hỏi những sinh viên đó thì trả lời rằng chả tội gì đi làm Toán vì Toán “nghèo”.
Bắc Hà – gdtd.vn