Sam Calavitta – nhà toán học – thầy giáo dạy toán “giỏi nhất thế giới”

Sam Calavitta, nguyên là kỹ sư, võ sư – cha của 9 đứa con vừa được nhận giải thưởng “nhà giáo dạy toán xuất sắc” của Hoa Kỳ. Bí quyết của ông là “làm cho người học thích học vì muốn tự mình khám phá”.
Ông xem toán học như một món ăn ngon, mời mọi người nếm thử, để thích thú muốn ăn nữa. Mỗi học sinh trung học, nếu muốn học thử, xin mời! Ông đặt cho mỗi em một cái tên: Bướm, Battman, Vô địch… và buổi học bắt đầu. Các câu hỏi vui xuất hiện trên màn hình, qua vi tính. Kiến thức toán được giảng dạy thông qua những bài toán nhỏ thiết thực và những câu đố. Học sinh hân hoan vỗ tay sau mỗi buổi học.
Đối với học sinh chuẩn bị thi vào Đại học Anahiem, bang California, ông là “nhà giáo dạy toán giỏi nhất thế giới”. Đây không phải là nhận định suông mà thực tế là như vậy: kết quả kỳ thi tuyển năm qua để vào Advanced Placement (AD: một chương trình cho phép học sinh trung học ưu tiên vào đại học theo nguyện vọng) cho thấy có 81 người đạt kết quả xuất sắc, điểm trung bình 4,79/5. Có 69 người đạt điểm tối đa 5. Ngày 19-2 vừa qua, Sam Calavitta đã nhận được Giải Siemens của Advanced Placement (tạm dịch “Xếp loại tiên tiến”) thưởng cho 50 thầy giáo vì “mẫu mực về giảng dạy và hết lòng vì học sinh”. Từ ngày ông tham gia giảng dạy, sinh viên của ông thi đậu 95%.
Cal (tên vui sinh viên đặt cho ông) rất thân mật với sinh viên. Ông tự cho mình là một “huấn luyện viên thể thao” về toán. Kẻ thù của ông là sự “bi quan, phiền muộn”. Ông dạy học theo kiểu “đặt vấn đề rồi cùng nhau tìm cách giải quyết, và giảng giải lại từ đầu”. Tóm lại để cho người học động não thực sự, người dạy chỉ nên đóng vai trò là người gợi ý, và tổng kết bài học.
Là cha của 9 đứa con, nguyên là kỹ sư về hàng không-vũ trụ, là võ sư cao cấp, lại thêm vận động viên ba môn (bơi, xe đạp, chạy), triết lý thể thao được ông áp dụng vào việc dạy toán, nghĩa là: tiếp thu cái mới, thực hành cái mới cho thành thạo, nhưng bao giờ cũng phải trở về với cái cơ bản. Theo ông: “Chỗ yếu của những thầy dạy toán là lúc nào cũng muốn nhét vào đầu học sinh những cái mà chúng chưa chủ động tiếp thu, để rồi sau đó chúng cũng quên. Tôi nói cho sinh viên biết rằng, cái gì mà tôi dạy, các em không thể quên được, vì cái đó là của các em”.
Cuộc đời của Cal không phải bằng phẳng. Đầu tiên ông làm phân tích viên ở một xí nghiệp hàng không vũ trụ, trong lĩnh vực viễn thông qua vệ tinh, sau đó làm huấn luyện viên dạy võ thuật ở trường phổ thông, rồi về làm công nhân ở một trại chăn nuôi ở Montana, và cuối cùng là ông được tuyển dụng vào dạy học ở Trường Fairmont.
Ông cũng có mở lớp dạy tư và lớp bồi dưỡng cho học sinh kém vào thứ bảy, gồm 60 học sinh. Cùng với vợ là Monica, ông tổ chức những trại hè để dạy võ cho học sinh, qua đó rèn luyện phẩm chất của thanh niên. Ông nói rằng không phải em nào học ông đều trở thành giỏi toán, nhưng điều ông cần là: các em tự tin rằng mình có khả năng học toán, và có đủ kiên nhẫn để tự mình giải quyết những điều chưa làm được.
Cal có “máu” làm nghề giáo do cha, mẹ, ông nội di truyền lại. Theo ông, không có thầy dốt, trò dốt, mà chỉ có thầy chưa biết cách dạy, trò chưa biết cách học. Học tập, muốn đạt được kết quả tốt, phải là một đòi hỏi, một niềm vui, trên tư thế tự chủ, tự tin. Khi không tự giác học tập, thì không thể học tốt được.
Phan Thanh Quang
(Theo tạp chí Courrier international)

Comments are closed.