“Sự phát triển của ngành Toán học Việt Nam so với thế giới còn rất thấp! Nguyên nhân của thực trạng này một phần là do chúng ta chưa thu hút được đội ngũ tài năng trẻ say mê với nghề”- GS. TSKH Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học VN chia sẻ với Tamnhin.net khá lâu sau sự kiện GS.Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields- được coi như giải “Nobel Toán học”…
Mức phát triển của ngành Toán học ở nước ta còn rất thấp…
Toán học có vai trò đặc biệt quan trọng đến các lĩnh vực khoa học công nghệ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay. So với các nước trên thế giới, ngành Toán học Việt Nam còn phát triển chậm, đứng ở vị trí khá khiêm tốn.
Số lượng những người làm Toán học chỉ bằng một trường ĐH trung bình ở các nước đang phát triển. Nếu nói ngành toán học đi xuống thì không hẳn vì nhìn về số lượng công bố quốc tế cũng không phải là ít. Tuy nhiên, mức phát triển của ngành Toán học còn rất thấp, gần như là 0%.
Toán học Việt Nam mới bắt đầu được hơn 50 năm. Thế nhưng, không biết từ bao giờ bạn bè thế giới khá khâm phục đối với toán học Việt Nam. Người làm toán khâm phục một thì người không làm toán khâm phục mười. Ai đó có điều kiện nói chuyện với bạn bè quốc tế có thể kiểm chứng điều đó dễ dàng.
Trên thực tế toán học Việt Nam còn quá yếu. Một cách tiếp cận cho thấy nó chỉ đứng ở vị trí 54 trên thế giới. Con số này có thể không chính xác nếu xét từ góc độ khác, nhưng chắc chắn từ góc độ này, toán học của ta chỉ ở khoảng vị trí 45 – 55. Do yếu như vậy mà khả năng ứng dụng của nó còn rất hạn chế so với yêu cầu của xã hội là lẽ đương nhiên.
Mà không chỉ ứng dụng. Ngay yêu cầu đủ thầy dạy cho các trường đại học vẫn còn lâu mới đạt (nếu theo thông lệ quốc tế là thầy dạy toán ở đại học thì phải có bằng tiến sĩ!).
Như vậy cần phải đẩy mạnh phát triển toán học ở nước ta. Đầu tư phát triển toán học không phải là một thứ để tiêu khiển, mà thực sự là một đầu tư thông minh, khả thi mà hiệu quả cao. Có thể xem đây là một ý tưởng táo bạo, một nhiệm vụ tối quan trọng.
GS. TSKH Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam
Sự thiếu hụt về mặt đội ngũ
Hạn chế của ngành Toán học Việt Nam hiện nay là không thu hút được những người trẻ có lòng nhiệt tình, đam mê với ngành Toán nói riêng và khoa học cơ bản nói chung.
Nhiều cán bộ đã đi học ở các nước Đông Âu đã và đang đến tuổi về hưu. Còn thế hệ trẻ hiện nay, nhiều người không đi theo ngành Toán hoặc nếu có theo thì họ đang ở các nước khác làm việc, nghiên cứu như Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhiều người khác. Dưới sức ép của gia đình, nhiều bạn trẻ đã tự nguyện xin không gia nhập đội tuyển thi học sinh giỏi Toán để tập trung học tập vào một ngành nghề nào đó, để tương lai mang lại thu nhập thiết thực. Điều này đã tạo ra sự thiếu hụt về mặt đội ngũ và đang là khó khăn, thách thức lớn đối với ngành Toán.
Hạn chế này xuất phát từ chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc hiện nay. Trong khi môi trường làm việc tại các Viện nghiên cứu của chúng ta còn yếu kém nên mỗi khi có học sinh muốn theo đuổi sự nghiệp Toán học, Viện Toán học Việt Nam đều cố gắng tạo điều kiện tốt nhất là gửi các học sinh sang nước ngoài học tập. Bởi vì khi ra nước ngoài, học sinh như được “bơi ra biển lớn”. Ở đó, học sinh được học tập, nghiên cứu và thể hiện tài năng hết mình.
Làm gì để vực dậy nền Toán học nói riêng và khoa học nói chung là bài toán mà nhiều nhà khoa học, nghiên cứu đang băn khoăn, trăn trở.
Ở nhiều nước trên thế giới đã nhìn nhận Toán học là một ngành khoa học cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội. Vì vậy, họ đầu tư rất nhiều tiền của để phát triển ngành này.
Muốn cải thiện những hạn chế còn tồn tại đối với ngành Toán học, không phải một lúc tức thời chúng ta có thể thay đổi tất cả hệ thống, mà hãy chú ý từng công đoạn như nâng lương bổng cho cán bộ đào tạo, khoa học để họ không phải lo đi làm thêm ở bên ngoài mà chỉ chuyên tâm vào công tác nghiên cứu. Ngoài ra, môi trường làm việc của các cơ quan, Viện nghiên cứu, tổ chức cần được minh bạch, dân chủ, tôn trọng tự do nghiên cứu của các nhà khoa học hơn.
Việc Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận Huy chương Fields-giải thưởng Toán học cao quý của thế giới đã nói lên rõ là con người, trí tuệ Việt Nam không hề thua kém gì so với các nước trên thế giới. Nếu Chính phủ quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo, bồi dưỡng và phát huy nhân tài, đầu tư nhiều hơn cho khoa học thì ngành Toán học Việt Nam sẽ ngang tầm với một số nước ở châu Á và trên thế giới.
Hơn một năm qua, Ban soạn thảo “Chương trình Quốc gia Phát triển Toán học Việt Nam đến năm 2020” – được thành lập theo quyết định của chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT – đã cố gắng làm việc để tìm ra một số giải pháp phát triển toán học nước ta, không cần nhiều kinh phí, nhưng vẫn đạt được mục tiêu là tạo ra những động lực mạnh để toán học nước ta phát triển, đến năm 2020 có thể xếp vào hàng thứ 40 trên thế giới. Trên cơ sở đó nhanh chóng đưa toán học nước ta đứng vào hàng tiên phong của toán học thế giới.
Theo đó, trong 11 năm (2010-2020) chúng ta cần khoảng 970 tỷ đồng Việt Nam, tức là gần 60 triệu USD, bình quân khoảng 5 triệu USD một năm. Rõ ràng đây là một con số rất lớn (nhất là với người làm toán). Thế nhưng tính kĩ ra, nó chưa bằng 6 km đường cao tốc! Và nếu thành công, Toán học Việt Nam sẽ đóng vai trò một con đường cao tốc trong hệ thống đường cao tốc phát triển khoa học và công nghệ của nước ta.
Yến Chi