Người Pháp thống lĩnh Toán học

Sau sự kiện GS Ngô Bảo Châu và GS Cédric Vallani nhận giải thưởng Fields, trên tờ Le Monde (Pháp), nhà báo Nicolas Delesalle đã đưa ra nhiều luận điểm về môn khoa học trừu tượng toán học. Sau đây là bài viết của ông.

Mô tả ảnh.
Hai nhà toán học được giải Fields, Wendelin Werner (năm 2006) và Cédric Villani (năm 2010) trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại điện Elysée ngày 7 tháng 9 năm 2010.

“Chúng ta là những tay cừ khôi”

Với việc nhận thêm một, rồi hai và nhiều hơn nữa giải thưởng Fields, những nhà toán học Pháp đã khẳng định vị trí thống lĩnh thế giới trong lĩnh vực khoa học tự nhiên này. Sự thành công này được xem như một chính sách có tính chiến lược, hoạt động rất hiệu quả từ những năm 80 của thế kỉ trước, giờ đây đang ngày càng bị đe dọa bởi những tính toán cụ thể.

Giả sử có chuyện người ngoài hành tinh xuống trái đất để nhìn nhận mối liên quan giữa toán học và con người thì chắc hẳn họ sẽ không ngần ngại tới thẳng nước Pháp.

Điều đó hoàn toàn không làm tổn hại hay xúc phạm đến các quốc gia khác, cũng không phải là quá tự cao tự đại, đó là một thực tế.

Có thể ở một góc độ nào đó hay theo một ai đó, chúng ta là những kẻ ngốc, song với toán học, chúng ta là những tay cừ khôi. Mọi người sẽ gọi xứ sở này thế nào khi biết đó là nơi khoa học về sự trừu tượng đã được nghiên cứu kĩ lưỡng từ 3 thế kỉ trước, là thiên đường của lí luận, nơi mà trẻ em bắt đầu vẽ các hình hình học ngay từ mẫu giáo? Chúng ta là đất nước Hình Lục lăng (L’Hexagone).

Trong lễ khai mạc Đại hội Quốc tế về Toán học tổ chức tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 19 tháng 8 vừa qua bên cạnh giải thưởng Gauss, giải thưởng dành cho những nhà khoa học có các công trình nghiên cứu dẫn đến nhiều ứng dụng, nước Pháp một lần nữa lại chiến thắng vẻ vang với 2 trong số 4 giải Fields.

Từ năm 1936 đến nay nước Pháp đã đạt 11 huy chương Fields trong tổng số 52 huy chương được trao, chỉ sau Mĩ với 13 lần được giải

Năm 2002, giáo sư Laurent Lafforgue và năm 2006, giáo sư Wendelin Werner – một người Pháp gốc Đức, từng nhận giải thưởng này. Giải Fields được xem như giải Nobel dành riêng cho toán học. Giải được tổ chức 4 năm một lần, cho những nhà toán học dưới 40 tuổi có công trình xuất sắc cho toán học thế giới. Từ năm 1936 đến nay nước Pháp đã đạt 11 huy chương Fields trong tổng số 52 huy chương được trao, chỉ sau Mĩ với 13 lần được giải. Đặc biệt từ năm 1990,có 22 huy chương Fields thì Pháp chiếm 6 trong khi Mĩ chỉ được 2. Với niềm đam mê toán học, nước Anh cũng nhận được 5 và nước Đức nhận 3 huy chương. Một điều ấn tuợng khác nữa là trong số hơn 200 khách được mời đến diễn thuyết tại Ấn Độ vừa rồi, Pháp có tới 26 người.

Thành tựu cao có phải do di truyền?

Liệu có phải do yếu tố di truyền mà chúng ta có những thành tích tốt hơn những nước láng giềng khi chinh phục môn khoa học bậc cao này?

Cần phải xem xét thấu đáo giả thiết này bởi những lí do rất cụ thể. Khi vào trường Trung học, các học sinh của chúng ta không thật sự xuất sắc. Thành tích rất khiêm tốn của chúng ta trong những kì thi Olympic toán quốc tế gần đây cũng là minh chứng.

Và những tấm huy chương giải Fields của Pháp có một phần nào do di truyền từ nòi giống Gaulois không? Giáo sư Cédric Vallani (Trường ĐHSP Lyon, giám đốc Viện Poincaré) là người gốc Italia; Giáo sư Ngô Bảo Châu (Trường ĐHSP Paris 11) đã giải những phương trình đầu tiên của mình ở Việt Nam.

Nếu sự thành công của người Pháp không phải thừa hưởng từ yếu tố di truyền tuyệt vời thì có lẽ nào những thành tựu ấy lại liên quan đến nhân tố lịch sử? Dù gì đi nữa, chúng ta vẫn là con cháu của Descartes.

Ông Jean – Pierre Bourguignon, giám đốc trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, nơi thu hút rất nhiều sinh viên xuất sắc toán nói: “Thực tế thì nước Pháp luôn là trung tâm của các lĩnh vực khoa học trừu tượng. Thụy Sĩ hay Hà Lan được xem như những đất nước của các kĩ sư. Thế nhưng ở Pháp ,nhiều người lại tự hào vì không hiểu biết nhiều về toán học”.

Bí mật “ba giai đoạn”

Bí mật của quá trình đào tạo nên những nhà toán học ở Pháp được ví như ba giai đoạn để phóng tên lửa vào không trung.

Giai đoạn thứ nhất là các lớp dự bị. Bị chỉ trích là một sự hoang đường, song thực tế hình thức này đã đem lại những thành công cho các trường đại học. Ngoài ra, nó còn đóng một vai trò hết sức quan trọng mà theo như giáo sư Cédric Villani thì chúng ta đã học được rất nhiều và học một cách chuyên sâu từ những lớp dự bị này. Anh nói: “Tôi luôn có kim chỉ nam trước những vấn đề hóc búa, rằng chúng ta cần phải làm việc, điều đó quả thực rất đáng khích lệ”.

Những tác động tích cực thể hiện sự quí trọng chất xám sẽ giúp học sinh của chúng ta phác thảo một cách thô sơ các máy móc, sau đó sẽ đưa họ tới một bãi phóng rộng lớn, hướng tới giai đoạn 2 trong quá trình chinh phục không trung.

Trong số 11 huy chương mà Pháp nhận được thì có tới 10 huy chương dành cho trường Sư phạm

Học tập tại Trường Bách khoa (Polytechnique) và nhất là Trường Sư phạm (École normale supérieure) sẽ cho phép chúng ta đến gần với vinh quang như Villani. Trong số 11 huy chương mà Pháp nhận được thì có tới 10 huy chương dành cho trường Sư phạm. Chưa có cơ sở giáo dục nào trên thế giới lập được kì tích đáng nể như vậy. Ông Bernard Heffer,chủ tịch Hội Toán học Pháp giải thích: “Những người ưu tú nhất đều ở ngôi trường này. Họ thành lập các nhóm nghiên cứu theo một khuôn khổ nhất định, tạo nên mạng lưới các nhà khoa học có trình độ cao nhất. Thành quả của sức mạnh từ sự kết hợp chặt chẽ đó chính là những giải thưởng lớn như giải Fields”.

Từ thế hệ này sang thế hệ khác, những người giỏi toán luôn đuợc khuyến khích và tương trợ. Cùng phối hợp làm việc với giáo sư Laurent Lafforgue (giải Fields năm 2002), giáo sư Ngô Bảo Châu đã chứng minh được bổ đề cơ bản, dựa vào đó để chứng minh một định lí quan trọng hơn.

Cédric Villani cũng đạt thành công hôm nay khi anh làm việc với giáo sư Pierre – Louis Lions (giải Fields năm 1994) trong quá trình nghiên cứu về hoạt động của các hạt khí và công nghệ plasma.

Hãy tạo sự đột phá ở giai đoạn 3. Viện Khoa học và tương tác của Pháp (CNRS) và hàng chục phòng thí nghiệm của Viện đang hoạt động trong các đơn vị liên doanh và các trường đại học. Việc này đảm bảo tính ổn định cũng như đầy đủ các công cụ hỗ trợ tốt nhất.

Theo Cédric Villani, đó là một cơ cấu ngoại lệ, dù là khá cồng kềnh song nó lại hoạt động hiệu quả và có khả năng cung cấp đầy đủ các phương tiện hỗ trợ khi cần.

Những phương tiện này là khá bình thưòng so với những gì mà Sinh học hay Vật lí đòi hỏi. Một viên phấn, một cái bảng, một thư viện chi phí sẽ rẻ hơn một cái máy đo gia tốc các hạt. Những nhà toán học cần nhiều máy kiểu như vậy để thúc đẩy công việc nghiên cứu và để ổn định hơn.

Bởi vậy,CNRS là không thể thay thế, ngay cả khi một số nhà khoa học đã rời Pháp, đến Mĩ để có những khoản thù lao tốt hơn, như trường hợp Ngô Bảo Châu, hiện đang là giáo sư của Đại học Chicago. Điều tương tự liệu có xảy đến với Cédric Villani khi anh khẳng định rằng anh thích cuộc sống ở Pháp.

Nước Pháp liệu có còn ở đỉnh cao trong tương lai nữa không?

Chúng ta đang dần phá hủy nền tảng đã làm nên thành công của chính mình”.
Bertrand Monthubert

Chẳng có gì là chắc chắn cả. Những thành công này gắn với một chính sách có từ những năm 80 khi nền kinh tế được phục hồi bằng những kích thích tài chính mạnh mẽ. Để đạt được huy chương, trước hết, phải tạo ra được công ăn việc làm. Nhưng thời cuộc đã thay đổi.

Ông Bertrand Monthubert, phụ trách những vấn đề khoa học lo lắng: “Ngày nay, các trường đại học đơn phương tự quyết việc bổ dụng.Hay toán học đã giảm uy tín mà ngày càng ít sinh viên nghiên cứu lĩnh vực này. Chúng ta đang dần phá hủy nền tảng đã làm nên thành công của chính mình”.

Thực tế, sự mất niềm tin đối với khoa học đang là vấn đề toàn cầu, tất nhiên không loại trừ Pháp. Ở trường Đại học Bách khoa, nơi đã đào tạo rất nhiều nhà toán học xuất sắc trong suốt 50 năm qua, rất ít người Pháp tiếp tục nghiên cứu toán học.

Ông Jean – Pierre Bourguignon bổ sung: “Nhìn một cách toàn diện thì con số đã giảm một nửa trong vòng 10 năm. Ngày càng ít thế hệ kế cận quyết định theo đuổi khoa học khi người ta biết rằng phải mất tới 10 năm để nghiên cứu từ khi bảo vệ luận án trước khi được hưởng mức tiền là 1700 hay 1800 euro một tháng. Đó là điều cần phải nghĩ đến”.

Khi không thấy hấp dẫn thì người ta sẽ không muốn quan tâm đến. Những chương trình mới trong các trường trung học không kích thích được óc sáng tạo hay đẩy niềm đam mê của học sinh tới đỉnh điểm. Bernard Helffer đầy nuối tiếc khi nói rằng giờ đây niềm say mê và khả năng chứng minh sự vật dường như đang dần biến mất khỏi con người chúng ta.

Chủ tịch Viện Khoa học và tương tác Guy Métivier và các đồng sự của ông đã không đầu hàng trước thực tế đáng ngại đó.

Ngoại trừ những nhà toán học Nhật Bản, toán học Pháp luôn được đánh giá là trừu tượng nhất thế giới. Giờ đây, toán học phải phục vụ xã hội và gắn với cuộc sống con người
Cédric Villani

Theo ông, các nhà toán học Pháp vẫn rất tâm huyết. Không thể nào để cho hồ nước bị cạn khô khi bạn biết làm thế nào để thích nghi:”Toán học của thế kỉ 21 sẽ không giống như toán học của thế kỉ 20. Chúng ta cần phải tìm ra những đối tượng nghiên cứu mới liên quan đến các ngành khác, đáp ứng yêu cầu, gắn kết toán học với thế giới thực, đồng thời vẫn tiếp tục nghiên cứu toán học thuần túy”.

Cédric Villani với những nghiên cứu rất thiết thực cho lĩnh vực hạt nhân một lần nữa bày tỏ:

“Ngoại trừ những nhà toán học Nhật Bản, toán học Pháp luôn được đánh giá là trừu tượng nhất thế giới. Giờ đây, toán học phải phục vụ xã hội và gắn với cuộc sống con người”.

• Lê Huyền (Theo Le Monde) – vietnanet.vn