Tiền bạc được huy động từ nhiều nguồn khác nhau cuối cùng chảy vào túi một số ít người. Trong khi đó, những học sinh đã vào đội tuyển có nghĩa là phải chấp nhận hi sinh rất nhiều thứ.
Kỳ 1: Giỏi cũng phải… chi tiền
Khoảng một tháng trước kỳ thi có thể xem là giai đoạn “luyện thi cấp tốc” của tất cả đội tuyển học sinh giỏi quốc gia trên cả nước. Nếu như các năm trước việc “rước thầy từ Hà Nội về” hay di chuyển cả đội tuyển lên Hà Nội luyện thi không phải tỉnh nào, đội tuyển nào cũng làm, thì năm nay rất nhiều đội tuyển đã lao vào cuộc chạy đua để “xin thầy trung ương chỉ giáo”. Và việc tập huấn trở thành một cuộc đua để giành giật thầy giỏi, thầy tham gia ra đề thi, thầy có thể định hướng đề thi, truyền kinh nghiệm để có giải…
Tiền thầy bỏ túi
Tr. – một giáo viên dẫn đội vật lý của Nam Định đang “đóng quân” tại khách sạn Sơn La, cho biết: “Chúng tôi mới mời được hai thầy, chi phí 1-1,5 triệu đồng/thầy/ca học. Thường phải điện thoại trước liên hệ hoặc lãnh đội phải tìm cách gặp thầy mình cần mời, sau đó mới đưa đội tuyển lên”. Tại khách sạn Sơn La thời điểm này còn có nhiều đoàn các tỉnh khác lên thuê chỗ, vừa làm nơi ở vừa là lớp học. Theo một giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) đã nhận lời đến dạy, đoàn Thái Nguyên lần lượt đưa tất cả các đội tuyển đi Hà Nội. Khách sạn Sơn La như một “lò luyện thi”, cả những tỉnh vùng miền núi phía Bắc cũng lặn lội đưa học sinh đến luyện.
Tại một khách sạn tư nhân khác ở 25 phố Doãn Kế Thiện, Hà Nội, đội tuyển toán của Phú Thọ và Vĩnh Phúc cùng thuê trọ để tiện mời thầy dạy tại chỗ. Tại đây, theo các học sinh, có 4-5 thầy được mời dạy trong 10 ngày. Đây là đợt lên Hà Nội lâu nhất. Trước đó, các bạn có lên vài đợt nhưng mỗi đợt chỉ hai ngày. Việc phải đi nhiều đợt là do không kết nối được với thầy trên Hà Nội.
Theo một số giáo viên của Trường chuyên Hùng Vương- Phú Thọ, giá thuê thầy phổ biến 2-3 triệu đồng/ca học (hai đến hai giờ rưỡi). Tiền trả cho thầy dạy tại Hà Nội ít hơn so với mời về tỉnh. Để tiết kiệm, trước khi đưa cả đội tuyển lên Hà Nội, một số đội tuyển của Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã được ghép với nhau (tại Phú Thọ hoặc tại Vĩnh Phúc) để cùng học, chi phí trả cho thầy 4 triệu đồng/ca, mỗi bên chịu 50%.
Bạn M., học sinh đội tuyển Hà Nam, cho biết: “Nếu thầy chỉ dạy một buổi, tiền cho thầy 5 triệu đồng/buổi, chưa kể tiền ăn, ở vì phải mời thầy về tỉnh. Còn thầy dạy hai buổi chi phí sẽ đỡ hơn, 7-8 triệu đồng/cả đợt. M. cho biết: “Đội tuyển địa còn phải trả 6 triệu đồng/buổi”.
Theo một giáo viên phụ trách đội tuyển ở Hải Phòng, “mời được thầy về tận nơi vẫn là phương án tốt nhất”. Để được như thế có khi phải cho xe lên Hà Nội đón. Do lịch của thầy đã kín nên có khi đón buổi sáng, chiều phải đưa thầy về để vài ngày sau lại đón. Hải Phòng có đội tuyển đã hẹn hò cẩn thận, đưa quân lên Hà Nội, nhưng thầy bận đột xuất, học sinh lại nằm khách sạn chờ được “xếp lịch”. Những đội không đón được thầy thì phải cho đội tuyển lên Hà Nội.
Theo học sinh và giáo viên ở nhiều tỉnh, mỗi môn chỉ có 5-7 thầy chuyên luyện “gà chọi”. Trong khi tỉnh nào cũng muốn đón thầy. Thế là có tỉnh cạnh tranh bằng mối quan hệ, thái độ phục vụ, có tỉnh nâng giá thuê thầy. Một giáo viên phụ trách đội tuyển ở Phú Thọ tâm sự: “Đội nào may thì có giáo viên có quan hệ tốt với các “thầy trung ương”. Cũng có thầy về đây kể: “Vì quý nên chỉ nhận 2 triệu đồng/buổi, trên Hà Nội có nơi đã trả thầy 3 triệu dạy tại chỗ”.
Ông Hoàng Văn Cường – hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hùng Vương – phân trần: “Nếu không cho phép thu của phụ huynh, chúng tôi không biết lấy tiền đâu ra. Hiện nay chúng tôi đang cố gắng kêu gọi các mạnh thường quân và xin thêm quỹ khuyến học của tỉnh”.
Bị biến thành “gà chọi”
M., thành viên đội tuyển Hà Nam, cho biết: “Từ một tháng nay chúng em không phải học chính khóa. Sáng từ 7g-10g30 và chiều 2g-4g, chúng em chỉ học tại đội tuyển. Rất mệt vì phải học suốt, lại lo lắng nữa. Dù thế, buổi tối vẫn phải đi học thêm bên ngoài để dự phòng phương án phải thi đại học nếu không có giải”.
Theo một số học sinh đội tuyển Phú Thọ, “nhà trường đã miễn học một số môn nhưng vẫn rất lo”. Có bạn than: “Giờ phải tập trung luyện thi học sinh giỏi, em lo không biết thi tốt nghiệp THPT có lấy được bằng trung bình không”. Lo lắng này không phải không có cơ sở khi học sinh đội tuyển phải dồn gần như tối đa thời gian cho kỳ thi của những “chú gà chọi”. Tại Hải Phòng, các học sinh trong đội tuyển văn cũng cho biết “đã được miễn học các môn phụ”. Thời điểm này, theo giáo viên phụ trách đội tuyển: “Các em chủ yếu chỉ học môn chuyên để đi thi”.
Gặp những “chú gà chọi” trong các “lớp học” ở nhà trọ, khách sạn tại Hà Nội, chúng tôi chứng kiến các bạn đang phải chịu một áp lực quá lớn, một áp lực về thành tích, áp lực phải chiến thắng sau khi đã đầu tư quá nhiều tiền bạc, công sức, thời gian. Các bạn phải ngồi chen chúc trên giường khách sạn để học và học. Phòng không có bàn, giấy vở để trên đùi mà viết hoặc nằm bò ra giường, phòng thiếu khí, thiếu sáng. Nhưng các bạn không thể đòi hỏi hơn khi phần lớn chi phí đã dùng vào việc trả cho thầy.
Với quy định phải thi thực hành (môn vật lý, hóa học, sinh học) và thi nói (ngoại ngữ), nhiều đội tuyển phải quen với việc “đột xuất lên đường” bất cứ lúc nào khi thầy, cô thuê được phòng thí nghiệm, bố trí được thầy truyền kinh nghiệm thi thực hành, thi nói.
Một thực tế mà nhiều học sinh đội tuyển quốc gia cũng phần nào nhận thấy là nếu đoạt giải, con đường của các em rộng mở, nhưng không có giải, các em sẽ là những học sinh phổ thông tốt nghiệp với sự thiếu hụt nghiêm trọng những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết. Bởi vì đơn giản các bạn là những “chú gà” được luyện riêng cho một trường đấu.
Mời “người của bộ” tập huấn
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, bộ phận ra đề thi, ngoài thành viên là người của Bộ GD-ĐT còn có các chuyên gia ở trường đại học, giáo viên phổ thông… Không biết từ nguồn nào mà nhiều đội tuyển đều cho rằng nhóm ra đề tập trung ở các trường: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), Viện Khoa học giáo dục. Và không phải ngẫu nhiên mà danh sách các thầy giáo đang “đắt sô” trong việc luyện “gà chọi” hiện nay đều ở những trường, viện kể trên. Không những thế, trao đổi với chúng tôi, đại diện một số trường chuyên trần tình: “Các năm trước thấy tỉnh bạn mời, chúng tôi cũng mời các chuyên gia của Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT). Khi đó, Vụ Giáo dục trung học lo khâu ra đề thi. Nhưng từ khi kỳ thi chuyển giao cho Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) thì thôi không mời chuyên viên vụ nữa”. Giải thích về chuyện “mời người của bộ tập huấn” một số lãnh đội cho biết: “Vì hi vọng có thể được định hướng ra đề thi”. Năm nay, khi trao đổi về hướng mời thầy “trung ương” tập huấn, một số lãnh đội vẫn úp mở việc “mời người của bộ nhưng đang chờ trả lời để xếp lịch”. |
V.HÀ – N.HÀ – Đ.NGỌC – TTO