Giới khoa học thế giới ngưỡng mộ, tôn kính ông, bởi ông là “cha đẻ của tối ưu toàn cục”. Trong nước ông được nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh cho “những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà” – đó là GS Hoàng Tụy.
GS Hoàng Tụy được coi là “cha đẻ của tối ưu toàn cục” với những thuật ngữ mà bất cứ ai trên thế giới muốn đi vào chuyên ngành này đều phải học như Tuy’s cut (lát cắt Tụy), Tuy-type algorithm (thuật toán kiểu Tụy), Tuy’s inconsistency condition (điều kiện không tương thích Tụy)…
Tháng 9/2011, ông được tổ chức quốc tế Tối ưu toàn cục trao tặng giải thưởng “Constantin Caratheodory Prize”. Tiêu chuẩn công trình nhận giải thưởng này bao gồm tính xuất sắc, độc đáo, ý nghĩa, chiều sâu và ảnh hưởng của cống hiến khoa học. Như vậy, ông là người đầu tiên trên thế giới được nhận giải thưởng này. Một lần nữa thế giới lại vinh danh ông. Trước đây đã có những hội thảo quốc tế chúc mừng ông nhân dịp ông 70 tuổi (Thụy Điển, 1997) và 80 tuổi (Pháp, 2007).
Năm nay, GS Hoàng Tụy đã bước sang tuổi 84 nhưng suốt quãng thời gian hơn 60 năm qua ông đã cống hiến hết mình cho khoa học và cho nền giáo dục nước nhà. Ông cùng với GS Lê Văn Thiêm đề xuất xây dựng Viện Toán và Viện Toán đã trở thành cái nôi đào tạo nhiều nhà toán học nổi tiếng của Việt Nam và trên thế giới.
“Khi được nhận giải thưởng này tôi cảm thấy bình thường thôi vì lâu nay mọi người làm về tối ưu toàn cục đều biết rõ những đóng góp cơ bản của tôi trong lĩnh vực này. Giải thưởng này chỉ là một lần nữa chính thức khẳng định những đóng góp ấy và xác định vị trí hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực “Tối ưu toàn cục” trên thế giới” – ông khiêm tốn khi nói về thành quả nghiên cứu khoa học của mình.
Cải cách giáo dục – mệnh lệnh cuộc sống
Cải cách giáo dục – đó là điều GS Hoàng Tụy tâm huyết, đau đáu và kiên quyết theo đuổi hàng chục năm qua mặc dù có rất nhiều trở ngại, thậm chí là thất bại. Nhiều lúc ông đã nản lòng nhưng rồi ông nhìn thực tế, ông không chịu được lại tiếp tục đấu tranh và kiến nghị.
“Phải cải tổ cơ cấu hệ thống giáo dục, trong đó cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề. Bởi hiện nay trong khi số lượng và năng lực thực tế của sinh viên do các trường đào tạo ra quá thấp so với yêu cầu của các doanh nghiệp thì hàng năm vẫn có hàng chục vạn HS, SV ra trường không tìm được việc làm thích hợp. Mặc cho khẩu hiệu “nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”, và một số biện pháp đổi mới quản lý giáo dục, chất lượng đào tạo vẫn giẫm chân tại chỗ từ hàng chục năm qua. Cơ cấu đào tạo khiến cho trong nước thiếu công nhân lành nghề, thiếu kỹ thuật viên trung cấp giỏi, nhưng thừa kỹ sư, cán bộ quản lý tồi” – GS Tụy bức xúc.
Trong bản kiến nghị năm 2009, GS Hoàng Tụy và một nhóm tri thức đã kiến nghị về cải tổ cơ cấu hệ thống giáo dục. Cụ thể, sau THCS phần lớn học sinh sẽ vào trung học hướng nghiệp, chỉ một tỷ lệ nhỏ vào THPT. Mỗi loại trường này đều cung cấp cho học sinh một vốn văn hóa phổ quát dù để sau này tiếp tục học lên cao hơn, đồng thời trung học hướng nghiệp được học kỹ về một số ngành nghề được lựa chọn. Còn THPT thì không phân ban cứng nhắc mà tạo điều kiện cho học sinh được học theo năng khiếu sở thích, nhờ đó nâng cao chất lượng đầu vào đại học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đại học. Như vậy, sau 12 năm học, HS trung học hướng nghiệp nếu ra đời thì đã có nghề để kiếm sống tốt, rồi sau đó học tiếp nữa khi có điều kiện, còn học sinh THPT sẽ có nhiều lựa chọn và cơ hội để có thể tiếp tục học ở đại học mà không bị cản trở bởi cánh cửa hẹp của đại học như hiện nay.
Đổi mới tư duy cách học và thi
Theo GS Hoàng Tụy, thay đổi căn bản nhất hiện nay là cách học và thi. Ông cho rằng: “Học thì cứ miệt mài, nhồi nhét nhiều thứ vô bổ, nhưng lại bỏ qua nhiều điều cần thiết trong đời sống hiện đại. Thi vẫn mãi một kiểu thi cổ lỗ, biến thành khổ dịch cho học sinh nhưng có thể là cơ hội kinh doanh, làm tiền của một số người. Không phải học mà thi mới là chính, học chỉ để đi thi, để có bằng, thậm chí không học mà có bằng thì càng tốt. Đã có rất nhiều hội nghị bàn thảo về cải tiến phương pháp giảng dạy, nhưng cho đến nay chủ yếu vấn chỉ là dạy trên lớp, thầy đọc, trò ghi và bám sát sách giáo khoa. Ngoài việc bức thiết phải đổi mới hoàn toàn tư duy về học và thi, việc quan trọng hơn về lâu dài là phải nghiên cứu giải phóng nhà trường khỏi tình trạng giáo điều, kinh kệ bằng một giải pháp tương tụ như thế tục hóa giáo dục ở phương Tây”.
Đối với giáo dục đại học, GS Hoàng Tụy đề nghị cần cải cách mạnh mẽ đại học theo hướng hiện đại hóa, quốc tế hóa.
Buồn và hy vọng
Điều GS Hoàng Tụy cho là then chốt nhất trong cải cách giáo dục đó là chính sách đối với đội ngũ giáo chức. Theo ông, không có khâu quản lý nào thể hiện rõ hơn quyết tâm chấn hưng giáo dục bằng chính sách đối với thầy giáo.
“Chúng ta vẫn chưa tôn sư trọng đạo, thầy giáo đồng lương không đảm bảo một mức sống tối thiểu bình thường, chưa nói là tử tế, khiến họ phải tự bươn chải để kiếm sống mà làm nghề, trong một môi trường đòi hỏi họ phải toàn tâm, toàn ý mới làm tốt được nhiệm vụ” – GS Hoàng Tụy nói.
GS Tụy nhấn mạnh: “Cải cách giáo dục là việc lớn, không thể làm tùy tiện, vội vã nhưng nếu lấy cớ đó mà phải đợi cho nghiên cứu thật thấu triệt mọi khía cạnh triết lý giáo dục, mọi kinh nghiệm thành bại của thế giới, rồi mới chịu làm thì đó chính là sự bảo thủ trì trệ kéo dài vô thời hạn tình trạng khủng hoảng của giáo dục từ nhiều năm nay”.
“Cha đẻ của tối ưu toàn cục” nhiều năm qua lúc nào cũng buồn, ông buồn lắm vì mọi góp ý, kiến nghị của ông và nhiều bậc thức giả trong nước, ngoài nước, dường như chẳng mang lại kết quả gì đáng kể. Nhưng ông vẫn tin, tin đến thời điểm nào đó những ý kiến đúng đắn và tâm huyết về cải cách giáo dục sẽ phải được lắng nghe và thực hiện. Chỉ mong sao thời điểm đó không phải quá dài và còn kịp cho đất nước tiến lên đuổi kịp thiên hạ.
Thu Hà – dantri