Friedrich Gauss – Vua toán học

Gauss sinh ra trong một gia đình người sửa ống nước kiêm nghề làm vườn vào mùa xuân năm 1777. Người ta còn kể mãi một câu chuyện về thời thơ ấu của ông như sau: Cha của Gauss thường nhận thầu khoán công việc để cải thiện đời sống. Ông hay thanh toán tiền nong vào chiều thứ bảy. Lần ấy, ông vừa đọc xong bảng thanh toán thì từ phía giường trẻ có tiếng của Gauss gọi:

-Cha ơi, cha tính sai rồi, phải thế này mới đúng…

Mọi người không tin, nhưng khi kiểm tra lại thì quả là Gauss đã tính đúng. Khi ấy, Gauss mới tròn 3 tuổi. Có thể nói, Gauss đã học tính trước khi học nói.

Những ngày đầu đến trường, Gauss không có gì đặc biệt so với các trò khác. Nhưng tình hình thay đổi hẳn khi nhà trường bắt đầu dạy môn số học. Một lần, thầy giáo ra cho lớp bài toán tính tổng tất cả các số nguyên từ 1 – 100. Khi thầy vừa đọc và phân tích đầu bài thì Gauss đã lên tiếng:

Thưa thầy, em giải xong rồi!

Thầy giáo không hề để ý đến Gauss, dạo quanh các bàn và nói chế nhạo:

Carl, chắc em sai rồi đấy, không thể giải quá nhanh một bài toán khó như vậy đâu!

Thầy tha lỗi cho em, em giải rất đúng ạ! Em nhận thấy ở dãy số này có các tổng hai số của từng cặp số đứng cách đều phía đầu và phía cuối của dãy số đều bằng nhau: 100 + 1 = 99 + 2 = 98 + 3 =… 50 = 51 = 101. Có 50 tổng như vậy nên kết quả sẽ là 1 = 2 = 3= … = 101 * 50 = 5050.

Thầy giáo hết sức ngạc nhiên khi thấy Gauss giải bài toán một cách chính xác tuyệt đối, mà cách giải lại vô cùng độc đáo. Từ đó,Gauss được mọi người biết đến như một thiên tài toán học.

Ngay trong những năm đầu tiên ở trường Đại học Tổng hợp Gottinghen, Gauss đã đưa ra cách dựng đa giác đều 17 cạnh bằng thước kẻ và compa. Đây là một phát hiện rất quan trọng, nên về sau người ta đã theo di chúc của ông mà khắc trên mộ ông đa giác đều 17 cạnh nội tiếp trong một đường tròn.

Sau này, nhờ có nghệ thuật tính toán mà Gauss đã phát hiện một hành tinh mới. Vào đầu thế kỷ XIX, một nhà thiên văn học người Italia đã phát hiện ra hành tinh mới gọi là Xexera. Ông quan sát được nó không lâu, sau đó nó dịch lại gần mặt trời và bị lẫn vào những tia sáng mặt trời. Những thí nghiệm của các nhà thiên văn đều không đạt kết quả nữa, họ không nhìn thấy được nó ở chỗ mà theo dự đoán nó phải hành trình đến. Các kính viễn vọng đều bất lực. Nhưng Gauss, với những số liệu quan sát ban đầu, ông đã tính được quỹ đạo của hành tinh mới đó và chỉ ra vị trí của nó với độ chính xác cao. Nhờ thế, các nhà thiên văn đã tìm thấy Xexera. Về sau, theo cách này, người ta đã tìm ra nhiều hành tinh mới khác. Sau công trình thiên văn kiệt xuất đó, Gauss được xem như một nhà toán học vĩ đại của thế giới và được tôn là “Ông hoàng toán học”.

Tờ tiền 10 DM năm 1993

C. F. Gauss thọ 78 tuổi, và cả cuộc đời ông là những cống hiến vĩ đại cho ngành toán học của nhân loại. Cho đến tận ngày nay, câu chuyện về khả năng tính toán thiên bẩm của Gauss vẫn còn được kể như là những huyền thoại.

(Sưu tầm)