Đường chạy của cầu thủ

Cả lối đá nhanh, dữ dội và hiệu quả của Manchester United lẫn lối đá như múa balê, thanh thản mà khủng khiếp của Barcelona đều dựa trên cùng một cơ sở kỹ thuật, một nền tảng toán học do hệ thống kiểm soát di chuyển (trackingsystem) cung cấp.

 

Đường chạy của các cầu thủ Đức trong Giải Bundesliga hiện nay đều được hệ thống kiểm soát bằng các tham số – Ảnh: Reuters

 

Bạn sẽ không ngạc nhiên nếu biết đây là những công nghệ tiên tiến mà ngành an ninh vẫn sử dụng để săn lùng đối tượng, còn Công ty Thụy Điển Traca khi triển khai kỹ thuật này đã sử dụng công nghệ xử lý hình ảnh chuyên dùng để đưa tên lửa đến đích. Bóng đá được những công nghệ tiên tiến nhất phục vụ.

Những đồ hình trên sân bóng

Từ cuối thế kỷ trước, bóng đá Anh đã quan tâm đến dòng dữ liệu khổng lồ trong bóng đá. Các câu lạc bộ lớn như Manchester United hay Chelsea đã có đến bốn chuyên gia sử dụng các phân tích dữ liệu để xác định liều lượng trong tập luyện, đánh giá đối thủ và xác định phương pháp tiếp cận, tiến hành trận đấu. Các câu lạc bộ Tây Ban Nha nhanh chóng tiến theo định hướng này. Câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất: làm thế nào ghi được bàn thắng? Phải tạo nên nhiễu loạn trong hàng ngũ đối thủ. Chuyên gia tin học Lames phát biểu: ”Cầu thủ phải làm một điều gì đó mà đối phương không tính đến”. Điều khiến đối thủ bất ngờ có thể được lập trình từ trước và cũng có thể hoàn toàn tự phát. Trong lý thuyết và kỹ thuật mà các nhà tin học tạo ra, vẫn có chỗ cho những yếu tố ngẫu nhiên. Đấy chính là bóng đá.

Trong số các câu lạc bộ tiên phong, Barcelona sớm tạo ra một bản sắc cho riêng mình. Họ sáng tạo một thứ hình học riêng để chiến thắng. Hình học ấy được tạo ra bởi đường chạy của các cầu thủ, vì đường đi của trái bóng như một yếu tố kết nối các cầu thủ đó. Trên cơ sở phong phú các đồ hình cứ như hằng số, Barcelona biết cách tạo nên những biến đổi mà đối thủ khó lường, thường bắt đầu từ những Xavi, Messi hay Iniesta bằng động thái tăng tốc hay đổi hướng chạy. Sáng tạo đồ hình này là việc của Guardiola, phá đồ hình này là việc của đối thủ, như Ferguson cảm thấy quá khó khăn, như Mourinho nhiều khi cảm thấy đã gần đến đích. Điểm chung: dường như tất cả đã được chuẩn bị trước, cầu thủ chạy theo các sơ đồ đã định sẵn trên máy tính và học thuộc trong luyện tập, vấn đề là ai nhạy cảm, tỉnh táo hơn trong các khâu đột phá.

Để có những đồ hình ấy, điều quyết định là hệ thống định vị động, có thể theo dõi cả 22 cầu thủ trên sân và quả bóng tại bất cứ thời điểm nào trong suốt trận đấu. Đấy là nhiệm vụ của trackingsystem mà hiện nay thường dùng hai camera HD, cho phép đeo bám mỗi đối tượng và máy tính ghi lại vị trí của từng đối tượng ấy với tần suất 25 lần trong mỗi giây. Từ vị trí cầu thủ ghi lại như vậy, có thể suy ra tốc độ vận động, hướng vận động cũng như mọi tham số cơ học khác.

Để làm được điều ấy, phải đánh dấu cầu thủ trước mỗi trận đấu và phải sử dụng các phần mềm thích hợp. Ngoài ra còn phải có các nhà chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ “theo dõi” ấy: hai người định vị cầu thủ hai đội, một người định vị quả bóng, còn người thứ tư đóng vai trò giám sát, can thiệp vào những điểm bất thường khi cần thiết. Trong sân vận động hiện nay có một phòng riêng ở khán đài phục vụ cho mục đích này.

“Bước nhảy lượng tử” của bóng đá Đức

Suốt 10 năm trở lại đây, bóng đá Đức vô cùng nỗ lực trong những bám đuổi, do họ nhận thức được sự thụt lùi của bản thân mình. Họ kiên trì trong nền tảng tổ chức, giữ vững những giá trị truyền thống, nhưng cũng sẵn sàng thay đổi trong triết lý bóng đá và nhất là trong những ứng dụng kỹ thuật mới. Mùa bóng 2011-2012, Liên đoàn Bóng đá chuyên nghiệp Đức (DFL) quyết định thực hiện một “bước nhảy lượng tử” trong triển khai các hệ thống kiểm soát di chuyển trong bóng đá. Đã làm sau thì phải có điểm mới.

Điểm mới ấy của Bundesliga là tính hệ thống và sự nhất quán. Ngay lập tức, tất cả 36 CLB Đức ở chuyên nghiệp hạng nhất và hạng hai đều phải triển khai hệ thống này một cách đồng bộ. Thứ hai, theo dõi toàn diện tất cả các tham số của vận động viên, từ các tham số kỹ chiến thuật (đánh đầu, đọ sức tay đôi,vị trí trên sân, các đường chuyền, cú sút, thời gian có bóng và kiểm soát bóng…) đến các tham số thể lực (quãng đường đã chạy tính theo từng hiệp đấu, tốc độ trung bình, số lần chạy nước rút, thời gian nghỉ sau mỗi lần chạy nước rút, số lần chạy tích cực, số lần chạy chậm…).

Các kết quả này có thể biểu diễn dưới dạng các ảnh nhiệt, các bảng số, các đồ thị… HLV sử dụng kết quả để đánh giá trận đấu, phân tích tình huống cho cả đội và từng đối thủ, chuẩn bị gặp đối thủ tiếp theo, luyện tập nói chung, đề ra đối pháp và luyện tập chiến thuật cho từng đối tượng cụ thể. Muốn gây nhiễu, bất ngờ cho đối thủ thì phải biết đồ hình trong lối chơi của họ và tìm ra điểm tác động cũng như cách tác động.

Ông Hieronymus, giám đốc phụ trách tiếp thị các trận đấu của DFL, hào hứng tuyên bố: “Tất cả chúng ta đều có khả năng đọc các trận đấu bằng số như Barcelona, Manchester United hay Arsenal… Đây là sự phát triển logic như kết quả của những năm gần đây”. Hơn thế nữa, DFL còn tổ chức một trung tâm phân tích trận đấu để giúp thêm từng CLB có nhu cầu. Nếu bạn ngồi ở trung tâm này có thể biết vị trí và tốc độ hiện thời của bất cứ cầu thủ nào trên sân, cộng cả lại thì là 396 cầu thủ trên 18 sân bóng. Đấy quả là một đặc trưng độc nhất vô nhị.

Số tiền các CLB phải trả cho việc lắp đặt cả phần cứng lẫn phần mềm là 90.000 euro, cộng thêm tiền xử lý số liệu cho mỗi trận là 3.000 euro. Những phần riêng của ngân hàng dữ liệu liên quan đến việc phân tích các trận đấu cũng sẽ được bán cho giới truyền thông, và phần này sẽ được trả lại một phần cho các đội bóng theo nguyên tắc cùng sinh lợi và cùng hưởng lợi. Và người ta hi vọng việc bàn luận về các trận đấu cũng sẽ chính xác hơn, giàu tính chuyên môn hơn, đóng góp thiết thực hơn cho sự phát triển bóng đá. Con số này có lẽ không phải là quá lớn với các ông chủ của bóng đá Việt Nam.

Bây giờ mỗi trận đấu, mỗi cầu thủ đều trở nên “trong suốt”, hơn nữa “trong suốt” một cách định lượng, nghĩa là được đo, được đánh giá bằng từng con số cụ thể. Từ con số đó, đi lên như thế nào là việc của từng đội bóng, từng huấn luyện viên, từng cầu thủ. Nhưng từ những con số đó cũng toát nên những xu hướng chung trong bóng đá mà tất cả đều phải lưu tâm, như xu hướng tăng cường thể lực cho cầu thủ.

VŨ CÔNG LẬP – tuoitre