Đề môn địa khối C
PHẦN CHUNG
Câu I
1.
a) Ảnh hưởng của Biển Đông đến khí hậu nước ta:
Nhờ có Biển Đông, khí hậu nước ta mang tính hải dương và điều hoà hơn.
– Biển Đông là nguồn dự trữ ẩm, làm cho độ ẩm tương đối của không khí thường trên 80%.
– Biển Đông đã mang lại cho nước ta một lượng mưa lớn, làm giảm tính chất khắc nghiệt của thời tiết nước ta, làm cho mùa đông bớt lạnh khô, mùa hè bớt nóng bức.
– Các luồng gió từ biển thổi vào làm giảm độ lục địa ở các vùng phía tây đất nước.
– Biển Đông làm biến tính các khối khí đi qua biển vào nước ta, làm chúng tăng độ ẩm và có khả năng gây mưa.
b) Thiên nhiên nhiệt đới gió mùa biểu hiện qua địa hình nước ta:
a) Địa hình: Do địa hình chủ yếu là đồi núi độ dốc lớn, chịu tác động của nền nhiệt độ cao, lượng mưa lớn với 2 mùa khô ẩm khác biệt, mưa mùa tập trung nên quá trình xâm thực, rửa trôi ở miền núi và bồi tụ nhanh ở đồng bằng hạ lưu diễn ra mạnh. Quá trình xâm thực – bồi tụ là quá trình chính trong sự hình thành và biến đổi địa hình Việt Nam hiện tại
– Vùng đồi núi bị xâm thực, bào mòn, rửa trôi mạnh .
+ Địa hình bị cắt xẻ, nhiều nơi trơ sỏi đá. Nhiều hiện tượng đất trượt, đá lở.
( Nhất là ở những sườn dốc, mất lớp phủ thực vật tạo ra nhiều hẻm vực, khe sâu )
+ Có nhiều địa hình cacxtơ với các hang động ngầm, suối cạn, thung khô.
+ Địa hình bị chia cắt thành các đồi thấp xen thung lũng rộng.
– Bồi tụ nhanh ở đồng bằng hạ lưu sông.
Nhanh nhất là rìa phía đông nam đồng bằng châu thổ sông Hồng và phía tây nam đồng bằng châu thổ sông Cửu Long.
2.
a) Phân tích cơ cấu lao động nước ta:
* Cơ cấu lao động theo các ngành kinh tế
Đang có sự chuyển dịch lao động từ kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp sang các khu vực kinh tế công nghiệp – xây dựng, dịch vụ nhưng còn chậm.
* Cơ cấu lao động theo thành phần kinh tế
Đang có sự thay đổi nhưng còn rất chậm. Gần đây nhìn chung:
+ Khu vực ngoài Nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng tăng.
+ Khu vực Nhà nước đang ngày càng giảm.
* Cơ cấu lao động theo thành thị và nông thôn
– Tỉ lệ lao động nông thôn giảm, tỉ lệ lao động thành thị tăng lên.
– Chủ yếu lao động nước ta ở nông thôn (năm 2005 là 75%)
b) Tỉ lệ dân thành thị nước ta ngày càng tăng cùng qúa trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Câu II
a) Điều kiện phát triển chăn nuôi nước ta:
– Thuận lợi:
+ Cơ sở thức ăn được đảm bảo khá tốt.
• Các đồng cỏ tự nhiên.
• Hoa màu lương thực.
• Phụ phẩm của ngành thủy sản.
• Thức ăn chế biến công nghiệp.
+ Các dịch vụ về giống, thú y đã có nhiều tiến bộ và phát triển rộng khắp.
+ Lao động đông, có truyền thống.
+ Thị trường ngày càng mở rộng ….
– Khó khăn:
Chất lượng giống.
Dịch bệnh hại gia súc, gia cầm còn nhiều.
Hiệu quả chăn nuôi chưa cao và chưa ổn định.
b) Ven các thành phố phát triển chăn nuôi bò sữa do nhu cầu thị trường tiêu thụ.
a) Duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế vì:
* Về điều kiện tự nhiên:
– Vị trí địa lí
+ Là vùng đất hẹp dọc ven biển, kéo dài từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, bao bọc Tây Nguyên ở phía Tây.
+ Có vùng biển rộng lớn với các cảng nước sâu, kín gió; có sân bay quốc tế Đà Nẵng; có các tuyến đường bộ chạy theo hướng đông – tây tạo điều kiện giao lưu với Tây Nguyên, và xa hơn tới Cam-pu-chia và Thái Lan.
– Tự nhiên
+ Các nhánh núi ăn ngang ra biển chia nhỏ phần duyên hải thành các đồng bằng nhỏ hẹp, tạo nên hàng loạt các bán đảo, các vũng vịnh và nhiều bãi biển đẹp.
+ Có đồng bằng Tuy Hoà (Phú Yên) màu mỡ, các vùng đồi gò thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò, dê, cừu.
+ Khí hậu ít chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc.
+ Vùng biển nhiều bãi cá, tôm, đặc biệt có ngư trường Trường Sa – Hoàng Sa là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước nên có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản.
+ Khoáng sản: nhiều loại vật liệu xây dựng, nhất là cát làm thuỷ tinh (Khánh Hoà), vàng Bồng Miêu (Quảng Nam), dầu khí ở thềm lục địa Cực Nam Trung Bộ…
+ Diện tích rừng năm 2005 là 1,77 triệu ha, bằng 14% diện tích rừng cả nước. Độ che phủ rừng 38,9%, trong đó có 97% là rừng gỗ, có nhiều loại gỗ, chim và thú quý.
* Về điều kiện kinh tế – xã hội
– Dân số năm 2006 là 8,9 triệu người, chiếm 10,5% dân số cả nước.
– Có một chuỗi đô thị tương đối lớn như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết.
– Có di sản văn hoá thế giới là phố cổ Hội An, di tích Mĩ Sơn.
– Đang thu hút nhiều đầu tư nước ngoài.
b) Hai quần đảo xa bờ của Nam Trung Bộ : Hoàng Sa, Trường Sa.
c) Tên các đảo đông dân có diện tích vào loại lớn nhất nước ta : Cái Bầu, Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Phú Quốc. (TS chỉ cần nêu 3 đảo)
Câu III
- Vẽ biểu đồ kết hợp cột và đường (đồ thị).
Trong đó :
– 2 trục tung, một trục thể hiện diện tích, một trục thể hiện năng suất lúa.
– Trục hoành thể hiện năm.
– Cột chồng thể hiện diện tích lúa.
– Đường đồ thị thể hiện năng suất.
Yêu cầu:
+ Chia thời gian đúng theo khoảng cách từ bảng số liệu.
+ Cột cách trục một khoảng nhỏ. (cả cột đầu và cột cuối)
+ Đường đồ thị xuất phát từ giữa cột.
+ Có chú giải.
a) Nhận xét:
– Diện tích lúa:
+ Tổng diện tích có xu hướng giảm từ năm 2000 đến 2007 (dẫn chứng) Từ 2007 đến 2008 tăng nhẹ (dẫn chứng)
+ Diện tích lúa mùa xu hướng giảm (dẫn chứng). Tỉ lệ lúa mùa trong tổng diện tích cũng giảm từ 30,8% năm 2000 xuống 27% năm 2008.
– Năng suất liên tục tăng (dẫn chứng)
b) Giải thích:
– Xu hướng giảm diện tích trồng lúa nói chung, và lúa mùa do xu hướng đa dạng hóa phát triển nông nghiệp, và một phần đất trồng lúa phải chuyển đổi mục đích sử dụng …
– Gần đây diện tích tăng do thị trường lúa được giá đã điều tiết sản xuất.
– Năng suất tăng do:
+ Đường lối, chính sách phát triển.
+ Kĩ thuật canh tác có tiến bộ.
+ Áp dụng nhiều giống mới năng suất cao ….
PHẦN RIÊNG
Câu IVa (Dành cho chương trình chuẩn)
- Chuyển biến tích cực trong ngoại thương nước ta:
a) Tổng giá trị xuất nhập khẩu tăng nhanh. Năm 1990 tổng giá trị xuất nhập khẩu nước ta mới đạt 5,2 tỉ USD thì năm 2005 đã tăng lên 69,2 tỉ USD, tăng 13,3 lần trong 15 năm.
b) Quy mô xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng, nhưng xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu. Cụ thể từ 1990 đến 2005:
– Xuất khẩu tăng từ 2,4 tỉ USD lên 32,4 tỉ USD, tăng 13,5 lần.
– Nhập khẩu tăng từ 2,8 tỉ USD lên 36,8 tỉ USD, tăng 13,1 lần.
c) Cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu có sự thay đổi :
– Xuất khẩu tăng tỉ trọng của nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản, hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, giảm tỉ trọng của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.
– Nhập khẩu tăng tỉ trọng của nhóm hàng nguyên liệu, tư liệu sản xuất (máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu) giảm tỉ trọng của nhóm hàng tiêu dùng.
– Thị trường xuất nhập khẩu ngày càng được mở rộng theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá. Tháng 1/2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO và hiện có quan hệ buôn bán với hầu hết các nước và các vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh các thị trường truyền thống trước đây, đã hình thành các thị trường trọng điểm như châu Á – Thái Bình Dương, Tây Âu, Bắc Mĩ, các bạn hàng lớn nhất hiện nay của nước ta là Hoa Kì, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Ôxtrâylia.
d) Cơ chế chính sách đổi mới: mở rộng quyền tự chủ cho các ngành, các doanh nghiệp và các địa phương, xoá bỏ cơ chế tập trung bao cấp và chuyển sang hạch toán kinh doanh, tăng cường sự quản lí thống nhất của Nhà nước bằng pháp luật.
- Trong những năm qua nước ta luôn trong tình trạng nhập siêu chỉ có năm 1992 cán cân ngoại thương nước ta xuất siêu nhẹ (Xuất khẩu 2,5 tỉ USD đạt 50,4% so với nhập khẩu 2,6 tỉ USD đạt 49,6%)
– Trước và sau 1992 tình trạng nhập siêu thể hiện rõ, nhưng bản chất tình trạng nhập siêu hiện nay khác xa với nhập siêu thời kì trước Đổi mới. Trước đây chúng ta nhập siêu chủ yếu do kinh tế chậm phát triển, sản xuất còn yếu kém. Hiện nay nhập siêu chủ yếu do nhập khẩu máy móc và thiết bị phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nhập khẩu nguyên liệu để phát triển sản xuất …
Câu IVb (Dành cho chương trình nâng cao)
1. Thuận lợi để phát triển kinh tế biển:
– Nguồn lợi sinh vật. Rất phong phú, nhiều thành phần loài, nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Ví dụ :
+ Các loài cá, tôm, cua, mực …
+ Các loại đặc sản như đồi mồi, vích, hải sâm, bào ngư, sò huyết, tổ yến …
– Tiềm năng khoáng sản.
+ Muối biển : khả năng khai thác 900 nghìn tấn muối/năm.
+ Ôxit titan.
+ Dầu mỏ, khí đốt trên vùng thềm lục địa.
– Điều kiện phát triển giao thông vận tải biển.
+ Nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông.
+ Có nhiều vụng biển kín thuận lợi cho xây dựng các cảng nước sâu.
+ Nhiều cửa sông thuận lợi cho việc xây dựng cảng.
– Điều kiện phát triển du lịch biển đảo.
Nhiều bãi tắm rộng, phong cảnh đẹp, khí hậu tốt, thuận lợi cho phát triển du lịch và an dưỡng, du lịch thể thao dưới nước …
2. Vai trò hệ thống đảo, quần đảo:
Sự phát triển kinh tế – xã hội ở các huyện đảo có ý nghĩa chiến lược hết sức to lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của nước ta hiện tại cũng như trong tương lai, bởi vì:
a) Khẳng định tính thống nhất, toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam.
b) Các huyện đảo nhiều tiềm năng, tập trung đông ngư dân, có thể phát triển nhiều hoạt động kinh tế như khai thác, nuôi trồng thủy sản, khai thác dầu khí, phát triển giao thông và du lịch.
c) Các đảo, quần đảo có ý nghĩa quan trọng, là :
– Là những căn cứ bảo vệ trật tự, an ninh trên các vùng biển và bờ biển của nước ta. Hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền.
– Các đảo là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền. là căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển, hải đảo và thềm lục địa.
– Cơ sở để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo. Chủ quyền của nước ta đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo được khẳng định qua việc khẳng định chủ quyền của nước ta với các đảo và quần đảo.
d) Sự phát triển kinh tế – xã hội ở các huyện đảo, tăng cường cơ sở hạ tầng cũng như nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân vùng biển sẽ dần xóa bỏ sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa hải đảo và đất liền, tạo nên sự phát triển thịnh vượng chung của cả nước.
VŨ QUỐC LỊCH ( GV trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam)