Dạy Văn khó hơn dạy Toán

Dù Toán học cao siêu đến đâu thì việc dạy Toán vẫn dễ hơn dạy Văn. Chừng nào chưa đưa được tư duy Toán học vào việc dạy Văn, chừng đó Văn học vẫn là môn học rất mung lung, khó khăn với học sinh.

Người gửi: Nguyễn Đức Hoàng

Suốt nhiều năm qua, các thế hệ học sinh Việt Nam đã phải đánh vật với môn Văn trong chương trình của các cấp học phổ thông. Đó cũng là thực trạng đáng buồn và dường như mọi công sức mổ xẻ căn bệnh, tìm biện pháp cải thiện chưa mấy có kết quả. Tốt hơn hết, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra lối thoát.

Theo một giáo viên Toán từng làm một việc “động trời” là tổ chức cho một nhóm học sinh lớp 6 giải đề thi đại học mùa hè 2007, dù Toán học có cao siêu đến đâu thì việc dạy Toán trong nhà trường vẫn dễ hơn dạy Văn. Nguyên nhân vì Toán là môn học hết sức rõ ràng với các tiên đề, định lý, phương trình, đẳng thức… trong khi đó với văn học thì các khái niệm lại không thể rõ ràng như vậy.

Dẫu rằng như thế thì đã có người đã làm những phép thử như yêu cầu học sinh chuyên Toán phải làm Văn và ngược lại là giải Toán với học sinh chuyên Văn. Kết quả cho thấy, với học sinh chuyên Toán có thể làm Văn chưa thực sự hay nhưng bố cục bài Văn của họ là khá chặt chẽ cùng cách hành văn tương đối mạch lạc, súc tích. Trong khi đó, kết quả giải Toán của học sinh chuyên Văn thì có phần hạn chế hơn.

Chỉ riêng thực tế này thôi cho thấy một điều, chừng nào chưa đưa được tư duy Toán học vào việc dạy Văn thì chừng đó, Văn học vẫn là một môn học rất mung lung, khó khăn với học sinh.

Ấy vậy nhưng điều tưởng chừng như hết sức khó khăn đó lại có người đã làm được. Đó là một giáo viên hệ bổ túc văn hóa tại TP HCM mà học sinh của người thầy này đương nhiên là học lực ban đầu là không thể bì được với học sinh chính quy. Thay vì dạy Văn theo cách thức thông thường, nhà giáo này lại dạy học sinh của mình cách thức sử dụng e-mail để trao đổi thông tin và viết nhật ký trên blog cá nhân. Xem chừng cách dạy này đã làm cho những học sinh của hệ bổ túc văn hóa vốn có chất lượng thua kém phổ thông chính quy bị cuốn hút.

Không dừng lại ở đó, người thầy này còn đưa ra một khái niệm có thể là “mới tinh” với môi trường giáo dục văn học là “bản đồ tư duy” để giảng dạy với các tác phẩm văn học trong và ngoài chương trình phổ thông. Thực chất, đây không phải là khái niệm xa lạ gì với văn học thế giới và với không ít các tác phẩm văn học nước ngoài được dịch ra tiếng Việt, bên cạnh lời tựa để giới thiệu tóm tắt cùng những đánh giá, bình luận… người ta còn in kèm vào đó một sơ đồ về mối quan hệ giữa các nhân vật trong tác phẩm đó.

Vậy nhưng đáng tiếc, khái niệm “bản đồ tư duy” cho đến nay vẫn không hề có trong chương trình đào tạo cử nhân Văn học của cả hệ thống sư phạm lẫn khoa học xã hội nhân văn.

Xin đừng áp đặt

Điểm mặt cộng đồng những người làm báo, không ít cây bút sắc sảo đã thẳng thắn thừa nhận có kết quả khá tệ với môn Văn khi còn là học sinh phổ thông. Về cơ bản, các nhà báo đều có quan điểm chung là cách thức dạy và học môn Văn của môi trường giáo dục phổ thông đã và đang có quá nhiều vấn đề tồn tại.

Không ít các nhà báo, mà trong đó có cả những người là nhà văn cho biết, kết quả học tập môn Văn của con em họ cũng có vấn đề và các thầy cô giáo vẫn thường đặt câu hỏi là không hiểu sao các bậc cha mẹ như họ lại không là tấm gương cho con cái cho chính môn Văn. Đành là như vậy, và không ít các nhà văn, nhà báo cũng đành bó tay trước vấn nạn học văn không trôi của con em mình.

Trước thực trạng này, chính các nhà giáo đã bị yêu cầu phải lý giải nguyên nhân và theo nhiều ý kiến thì chương trình văn học phổ thông của chúng ta quá nặng tính tuyên truyền. Và một khi bị phục vụ mục tiêu tuyên truyền thì về cơ bản sẽ không phải là dạy để thế hệ học trò hình thành nhân cách và biết thể hiện được điều đó thành văn.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân mà có lẽ bản thân mỗi nhà giáo nên tự nghĩ về mình theo kiểu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Có một thực tế không mấy lạ lẫm là không ít giáo viên dạy văn khi giảng bài trên lớp lại công khai khen bài của học sinh này, học sinh kia là “rất người lớn”. Chính xác đó là một sự áp đặt mà dường như các nhà giáo đã quên mất rằng về cơ bản, một đứa trẻ không thể là người lớn để viết ra những dòng văn trái với suy nghĩ, tâm tư của chúng.

Dường như cách dạy văn, làm văn trong nhà trường là “rập khuôn” và đứng trước đầu bài là em hãy viết về bố mẹ của em thì có lẽ tuyệt đại đa số các bài làm sẽ là những lời lẽ viết về ai đó chứ không phải về người bố, người mẹ của chính các em.

Đương nhiên, cũng sẽ có những em vẫn cắn bút không biết viết gì và đành nộp giấy trắng. May thay, vẫn có những giáo viên đi sâu đi sát tìm hiểu nguyên nhân và biết được một sự thật là bố mẹ của các em chỉ là những người rất đỗi bình thường trong xã hội như bán hàng rong, chạy xe ôm…

Và thay vì bị giáng điểm kém, các học sinh này đã được ra hạn thêm cho bài văn cần làm với yêu cầu là hãy viết một cách chân thực như những gì mà chính các em cảm nhận về người bố, người mẹ của mình. Kết quả bất ngờ là chính những bài văn trễ hẹn đó lại rất đáng được không chỉ học sinh mà ngay cả nhiều giáo viên cũng phải nhìn lại cách dạy và cách học đã trở nên quá ư xơ cứng.

Những thực tế của môn Văn trong trường phổ thông đã và đang là căn bệnh trầm kha tồn tại suốt hàng chục năm qua. Có lẽ đó là vấn đề khá lớn cần phải có giải pháp và chắc chắn sẽ thất bại nếu chỉ lên quyết tâm theo cách thức hô khẩu hiệu.

Mong rằng sẽ phải có những hội thảo khoa học để cùng mổ xẻ, tìm giải pháp và chính các nhà văn cùng tổ chức nghề nghiệp của họ sẽ cùng xắn tay thực hiện như các nhà sử học đã vào cuộc với môn lịch sử trong nhà trường.

Nguyễn Đức Hoàng
Thành viên Ban chủ nhiệm
Quỹ Hỗ trợ Phát triển Khoa học Giả tưởng Việt Nam
trực thuộc Hội Trí thức Khoa học & Công nghệ Trẻ Việt Nam