CẦN TIẾP CẬN THEO LOGIC TOÁN HỌC VỀ VẤN ĐỀ THỜI GIAN TRONG PHAP LUẬT

Không bàn đến khái niệm, thời gian luôn có ý nghĩa gắn liền các sự kiện, biến cố, thân phận … trong đời sống xã hội.

Về mặt pháp luật, yếu tố thời gian hết sức quan trọng. Thời gian luôn luôn có mặt trong từng điều luật của cả hệ thống pháp luật. Chính vì vậy, tất cả các bộ luật đều có các chương, điều quy định về thời hạn thời hiệu, thời điểm …

Điều đáng nói là hiện nay những người thực thi và áp dụng pháp luật đang nhận thức về thời gian trong pháp luật không nhất quán với nhau bởi ngôn ngữ trong từng điều luật.

Chẳng hạn, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 126 Luật Nhà ở, khoản 1, Điều 121 Luật Đất đai (đã được sửa đổi bổ sung năm 2009), được hướng dẫn tại khoản 1, Điều 65 và điểm a, khoản 2, Điều 66, Nghị định số71/2010/NĐ-CP (NĐ 71) thì người có quốc tịch Việt Nam định cư tại nước ngoài nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất ổn định, lâu dài tại Việt Nam không hạn chế số lượng.

Cụm từ “từ ba tháng trở lên” trong các điều luật nói trên có phòng công chứng đang hiểu là phải trên ba tháng (theo ngôn ngữ toán học là: > 3 tháng). Nhưng, phòng công chứng khác lại hiểu là đủ hoặc lớn hơn 3 tháng (≥ 3 tháng). Từ đó, phòng công chứng này từ chối nhưng phòng công chứng khác lại đồng ý công chứng hợp đồng mua bán nhà đối với người có quốc tịch Việt Nam định cư tại nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam đúng 3 tháng. Hợp đồng ký rồi đã đóng thuế sang tên trước bạ nhưng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không biết nên hiểu điều luật trên là > 3 tháng hay ≥ 3 tháng để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua. Nhiều hồ sơ mua bán nhà đang phải ách tắc nhiều tháng ở đây.

Chưa hết, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất lại còn phân vân thời gian tạm trú không quá 90 ngày ghi trên Giấy miễn thị thực của người Việt nam định cư ở nước ngoài có được hiểu là 03 tháng không? Dù rằng điều này không liên quan đến điều kiện “được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên” bởi theo quy định tại điều 67 Nghị định71/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 06 năm 2010 của chính phủ thì Giấy tờ chứng minh điều kiện cư trú tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài căn cứ vào dấu chứng nhận tạm trú đóng vào hộ chiếu với thời hạn được tạm trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên.

Trong pháp luật, thời gian là yếu tố hết sức quan trọng nhiều khi ảnh hưởng đến sinh mạng của một con người. Bộ luật Hình sự quy định về thời gian và cách hiểu khá chính xác. Ví dụ những cụm từ: Dưới ( < ) , trên( > ), từ đủ ( = ) 13, 14, 16, 18 tuổi.

Luật hôn nhân gia đình năm 2000 quy định về độ tuổi đăng ký kết hôn:“Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên” được hiểu nam đã bước sang tuổi hai mươi, nữ đã bước sang tuổi mười tám mà kết hôn là không vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn”. “Mười tám tuổi” ở đây phải được hiểu là khoảng (dãy) tập hợp của các giá trị tương đương với 365 ngày ở năm 18 tuổi. Với logic như vậy, thì không phải chờ đến 10 năm sau Bộ luật Hình sự năm 1999 mới được xoá bỏ từ “trên” tại điểm d khoản 2 Điều 140. Bởi chính từ “trên” đã không xác định được giá trị của điều luật ở con số 50 triệu trong dãy số 1 triệu ≤ X < 200 triệu. (Nếu xem điều luật như một hàm số thì sẽ vô nghĩa khi x = 50 triệu)

Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng ……………………………

…………………………………………………………………………………………………

2………………………………………………………………………………………………

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

Theo Hệ đo lường quốc tế (SI), thì thời gian được tính bằng giây (s). Việc nhận thức về thời gian khác nhau của những người thực thi pháp luật như đã đề cập ở trên tạo một sai số kinh khủng. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ trong việc điều chỉnh pháp luật, đời sống xã hội và quyền lợi của người dân.

Có lẽ không chỉ nhà làm luật mà những người thực thi pháp luật nên cố gắng tiếp cận yếu tố thời gian trong pháp luật theo logic của toán học một cách chính xác hơn..

Ths.Ls. Nguyễn Văn Phước – Văn phòng Luật sư Huế