Trong loạt bài: NHÂN TÀI TOÁN HỌC NGÀY ẤY, BÂY GIỜ
Giới toán học ở Việt Nam không ai không biết tên ông – Vũ Đình Hòa, thành viên của đoàn học sinh Việt Nam đầu tiên thi Olympic Toán quốc tế 1974, thầy dạy Ngô Bảo Châu từ năm lớp 7 tới khi vào đại học.
Tháng 8-2010, giới toán học Việt Nam đón nhận hai sự kiện lớn: GS Ngô Bảo Châu được trao huy chương Fields cao quý và gần như đồng thời, Thủ tướng phê duyệt chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học với tổng kinh phí 651 tỉ đồng.
Giờ đây, khi những niềm vui sướng, tự hào, phấn chấn đã có phần lắng xuống, bắt đầu nảy sinh những câu hỏi liên quan, đòi hỏi xã hội và những nhà làm chính sách phải cân nhắc: Toán hay không toán? Toán lý thuyết hay toán ứng dụng? Tại thời điểm này, đầu tư phát triển toán học là sự xa xỉ hay thể hiện tầm nhìn dài hạn của quốc gia? Thực trạng ngành toán Việt Nam và những trở ngại cần vượt qua để tạo môi trường cho sự phát triển?
Ý kiến của người trong cuộc – một thời là các nhân tài toán học của Việt Nam – sẽ là một nguồn giá trị để chúng ta hiểu thêm vấn đề.
Hỏi ông có thấy tiếc vì đã đi vào ngành toán không, ông trả lời: “Chẳng tiếc nuối gì cả. Tôi đam mê toán và không phải người tham vọng. Với tôi, hạnh phúc lớn nhất là chúng ta được sinh ra trên đời và có một đam mê nào đó, vậy thôi!”.
Hụt một lần du học
Tháng 7-1974, khi tham dự kỳ thi Olympic Toán, thể lực của Hòa rất kém. Anh bị viêm xoang và suy nhược thần kinh nặng, nhất là sau khi nhận được tin người anh hy sinh.Trong đội tuyển, Hòa được đánh giá là gương mặt xuất sắc nhất. Tuy thế, bệnh tật đã hại anh: Hòa bị ốm, phải vào bệnh viện trước ngày thi và chỉ đoạt huy chương bạc. Mặc dù vậy, đoàn vẫn gây tiếng vang lớn tại cuộc thi. Báo chí trong nước đưa tin rất dày đặc và càng dày đặc bao nhiêu thì việc các anh tiếp tục với hoạt động nghiên cứu khoa học về sau đó càng bị coi như sự “biến mất lặng lẽ” bấy nhiêu.
Tất nhiên là cậu học trò Hòa không biến mất. Nhưng sự nghiệp của một nhà khoa học không thể có những hoạt động rầm rộ, được công chúng để mắt theo dõi như một diễn viên hay ca sĩ được. Sự nghiệp riêng của ông có phần lận đận với những lần du học hụt, một lần bị cho ra khỏi biên chế và vô số lần va chạm theo cách này cách khác với hệ thống hành chính (những thứ mà các nhà toán học rất sợ).
Trên đường từ CHDC Đức về nước, đoàn của Hòa ghé qua Liên Xô. “Chúng tôi nghe mấy bác ở đại sứ quán nói là Đại học Lomonosov muốn giữ cả năm đứa lại, tặng cho năm suất học bổng nhưng Hòa nghe nói rằng “nhà mình trả lời là cả đoàn phải về nước theo sự sắp đặt của Chính phủ”.
Đối với ông Vũ Đình Hòa, làm toán không còn là sự nghiệp mà chỉ là để giải trí. Ảnh: Đ.TRANG
Một năm sau, nhờ thành tích quốc tế đã đạt, cả đoàn được đặc cách vào thẳng đại học, đi nước ngoài. Vũ Đình Hòa được đi Đức, học ngành toán ở Đại học Tổng hợp Ernst-Moritz-Arndt. Học giỏi xuất sắc, ông được làm chuyển tiếp sinh, rồi tiến sĩ. Bảo vệ xong, ông nhận được giấy đề nghị làm tiến sĩ khoa học (TSKH) của phía Đức nhưng theo quy định, ông phải quay lại Việt Nam làm một số thủ tục giấy tờ. Ngày cuối cùng của năm 1984, ông về nước.
Đến đây thì câu chuyện cười đầu tiên đối với một nhà khoa học “Tây học” bắt đầu. Ông Hòa kể một cách hài hước: “Phải nói là hồi ấy Việt Nam lắm tiêu cực, còn tôi thì… cái dở nhất là không biết hút thuốc lá. Tôi nộp giấy tờ ở Bộ Đại học mà mãi không được nhận. Mất mấy tháng trời. Tôi bèn hỏi mẹ một đứa bạn, vốn làm nghề hành chính: “Không hiểu sao mãi mà cháu không nộp giấy tờ được”. Cô ấy kêu lên: “Giời ơi là giời, ở đây nói chuyện phải có thuốc lá cơ!”. Tôi hiểu ra, đi mua cả một bao thuốc lá mang đến. Thực ra các ông ấy cũng không hút hết đâu, chỉ cần 1-2 điếu thôi nhưng về nguyên tắc là cứ phải có thuốc lá, “Sông Cầu là đầu câu chuyện” mà!”.
Cuối cùng khâu giấy tờ cũng xong nhưng ông Hòa không sang Đức được. Hơn thế nữa, mãi nửa năm sau, ông mới được phân công đi làm ở Phân viện Tính toán và Điều khiển, Viện Khoa học Việt Nam.
Chật vật chuyện biên chế
Thế hệ của ông Hòa là những người Việt Nam đầu tiên được tiếp xúc với máy vi tính và dân toán như ông thì càng có khả năng để trở thành những chuyên gia, doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Ít nhất cũng là lập trình viên (Tập đoàn FPT được thành lập vào thời gian này, năm 1989). Nếu nhảy sang CNTT, có thể bây giờ ông đã là một triệu phú, một doanh nhân thành đạt. Nhưng ông Hòa mê toán chứ không ham kinh doanh. Ông từ bỏ cơ hội làm việc cho FPT, sang Đức học tiếp. Những năm ấy là thời kỳ nước Đức thống nhất, du học sinh Việt Nam bơ vơ, ông Hòa phải tự lo tiền ăn học bằng nhiều nghề: bán bảo hiểm, viết chương trình máy tính, phiên dịch… Đầu năm 1997, ông trở về nước với tấm bằng TSKH. Về nước mới biết mình đã bị cắt biên chế từ năm 1990.
“Người ta cắt biên chế mà không báo gì cả trong khi bài tôi gửi về vẫn được đăng trên tạp chí của viện” – ông Hòa kể lại. “Các ông ở phòng Tổ chức chỉ giải thích: “Cậu không có tên trong viện vì viện cũ là Viện Tính toán và Điều khiển, giờ đổi tên là Viện CNTT rồi”. Thế là tôi không được hưởng tí lương nào suốt bảy năm trời. Lại phải xin vào, thi công chức, tính chế độ mới hoàn toàn, coi như người mới đi làm”.
Người làm khoa học vốn thích sự rõ ràng, chính xác nhưng môi trường dành cho họ lại phức tạp, lẫn lộn, khó đánh giá. Suốt năm năm ở viện, ông không được dự lấy một seminar (hội thảo) nào (vì có tổ chức đâu). Thiếu sự trao đổi, thiếu môi trường thông tin, chuyên môn cùn mòn dần. Lương thấp, nếu muốn có thu nhập thêm thì phải có dự án, mà muốn tham gia dự án lại phải có quan hệ… Cuối cùng, ông chia tay cơ quan, chuyển sang ĐH Sư phạm.
Vẫn mê toán
Bây giờ thì ông vui vẻ với công việc của một giảng viên đại học, người dẫn đầu những đội tuyển học sinh Việt Nam đi thi Olympic Toán quốc tế. Sự hài lòng tất nhiên cũng chỉ là tương đối: So với thời của ông, chất lượng đầu vào của ngành toán, CNTT hiện nay rất thấp, điểm thi ĐH lấy gần sát điểm sàn. Nhiều sinh viên trong giờ học chỉ ngủ. Thầy Hòa thương, không nỡ quát mắng các em nhưng thấy ở số đông sinh viên ngày nay niềm đam mê sao mà ít vậy. Thật chẳng giống ông – người được ví là “nhìn ra vẻ đẹp của toán học như nhà tạo mẫu thấy các chân dài trên sàn diễn”, người có thể cắm cúi làm toán không ngẩng lên, không hề biết xung quanh ồn ã chuyện gì. Ông đã yêu toán như thế từ khi còn nhỏ, gia đình rất nghèo, tám anh chị em, các chị đều phải bỏ học đi làm sớm.
Ngoài thời gian làm ở trường, ông Hòa được mời làm giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Tài năng Công nghệ trẻ FPT. Cuộc sống vật chất của ông khá ổn nhưng bây giờ “lúc nào không có việc gì thì lại làm toán, như là một hình thức giải trí”. Ông không lấy nghiên cứu toán học làm sự nghiệp nữa nhưng chuyện này cũng là bình thường trong giới khoa học ở Việt Nam lâu nay: “Từ hồi ở viện, mình đã thấy nếu chỉ làm toán không thì rất khó sống, phải có nghề gì đó”.
Chính phủ đang triển khai kế hoạch đầu tư 651 tỉ đồng phát triển ngành toán ở Việt Nam. Khoản đầu tư khiến nhiều người chú ý. Bạn bè hỏi ông Hòa: “Vừa rồi có tổ chức tập huấn cho giáo viên bộ môn toán-tin ở các trường năng khiếu, sao danh sách không có tên cậu? Không thấy tên bất cứ người nào tiếng tăm cả, toàn các ông lạ hoắc”. Ông chỉ cười, bảo: “Có lẽ quan trọng là phải có cách làm học sinh thích học toán, tôn trọng, vinh danh các em, miễn thi ĐH, thi tốt nghiệp v.v… Như thế tốt hơn. Nói chung kích cầu thì đúng nhưng vấn đề là cách thức thực hiện thế nào cho hiệu quả. Cuối cùng thì vấn đề đọng lại ở hai từ cơ chế”.
ĐOAN TRANG – báo pháp luật