GS Hoàng Tụy đã trao đổi với Tia Sáng về ý kiến nói trên.
Cũng cần chú ý là chỉ vào khoảng vài chục năm nay mới có lệ thống kê số công bố trên các tạp chí thuộc loại ISI (được kể là đạt chuẩn mực quốc tế), và việc này đến nay cũng còn nhiều vấn đề tranh cãi. Một số người mới chỉ theo dõi các công bố quốc tế thời gian gần đây rồi nhận định toán học Việt Nam kém các nước Đông Nam Á là quá vội vã và liều lĩnh.
Mặt khác, trình độ một nền toán học không phải chỉ thể hiện ở mặt số lượng các công bố (nếu kể về số lượng thì Hungary, Ba Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, v.v. còn thua nhiều nước nhưng kể về đóng góp thật sự vào khoa học toán học thì đó là những nền toán học lớn cả). Về mặt đóng góp thật sự cho khoa học toán học, thể hiện ở những công trình được biết rộng rãi trên quốc tế thì dứt khoát Việt Nam hơn hẳn. Ở thời kỳ đó, Việt Nam DCCH đã có một số chuyên gia tầm cỡ quốc tế, nhưng tôi không biết một chuyên gia nào như vậy ở các nước Đông Nam Á, trừ Singapore.
Sau này, Việt Nam tiến chậm, các nước ở Đông Nam Á tiến nhanh hơn, nhất là mấy thập kỷ liền, nền toán học Việt Nam hầu như bị bỏ rơi, trong khi đó Liên Xô sụp đổ, lúc này các tạp chí hàng đầu của Liên Xô xuống cấp, nhiều nhà toán học Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô thôi làm nghiên cứu, phần vì điều kiện kinh tế khó khăn, phần vì kém tiếng Anh nên số công bố quốc tế thời kỳ này thua kém dần một vài nước Đông Nam Á, đặc biệt Singapore. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ này thì Việt Nam chỉ thua kém về trình độ trung bình thể hiện ở số nhà toán học trung bình, nhưng về số nhà toán học tầm cỡ quốc tế thì vẫn còn hơn tuyệt đối. Một nhà toán học lớn của Mỹ, Peter Hilton, năm 1980 sau khi thăm Hà Nội đã viết bài báo đánh giá khá cao toán học Việt Nam khi ấy ở một trình độ khác hẳn các nước trong khu vực; một nhà toán học hàng đầu của Hàn Quốc, S.Park, khi sang thăm Việt Nam cách đây mười lăm năm cũng tuyên bố rõ trong khu vực này ông ta chỉ thấy Việt Nam có một nền toán học đáng nể. Có thể họ đánh giá toán học Việt Nam quá cao, nhưng những người này hoàn toàn không phải vì cảm tình riêng với Việt Nam.
Nhận định của tôi trên đây thống nhất với nhận định những nhà toán học lớn như Laurent Schwartz, Alexandre Grothendieck, Pierre Cartier, hay nhà vật lý Henri Van Regemorter.
Viện Toán học, từ hơn 15 năm nay, đã được Viện Hàn lâm Thế giới thứ ba công nhận là một trong số ít institute of excellence ở các nước thế giới thứ ba. Cho đến giờ, theo tôi biết cả Đông Nam Á cũng chưa có thêm viện toán nào được coi là institute of excellence. Nhân đây tôi cũng muốn nói rằng thật sự Viện Toán là viện khoa học thành công nhất ở Việt Nam. Pierrre Darriulat hay Neal Koblitz cũng đều nhận định như vậy.
Vừa rồi nhà toán học Lê Dũng Tráng khi trả lời nhà báo cũng có nói đại ý: cách đây hơn 30 năm anh ấy đã chờ đợi Việt Nam sẽ có một người như Ngô Bảo Châu, thế mà đến bây giờ mới có. Đúng như chúng tôi đã cảnh báo từ 25 năm nay, chúng ta đã không quan tâm đến sự phát triển của ngành toán học – một lĩnh vực khoa học có thế mạnh của người Việt Nam.