Vài suy nghĩ về tuyên dương trong giáo dục và Olympic Toán

Chủ đích của giáo dục là tạo điều kiện cho mọi trò đều nên người và thành đạt, chứ không phải tạo ra những trò giỏi và trò kém. Có thể định nghĩa … một cách triết lý: “Dạy trẻ là giúp trẻ thành người tự do”.

Chất keo nhân bản
Phạm trù này gồm nhiều khía cạnh: tự do không lệ thuộc ai, tự do trong tất cả các lựa chọn, có tri thức để tự lập, biết suy nghĩ để thành người tử tế, có đạo đức, có luân lý và là người hạnh phúc.

 

Trào lưu giáo dục đó được xem là trào lưu giàu nhân bản.

 

Muốn thế, trường học, trong giới hạn của khả thi phải dùng phương pháp lấy trò làm cơ sở, tôn trọng học trò, dùng giáo dục linh hoạt tùy theo đặc thù của học trò, không chấm điểm xếp hạng, không tạo áp lực…

Trường học không phải là một sân bóng đá, phải có đội thắng và đội thua. Trường học cũng không phải là một “lò rèn” những chú lính chì.

Về y khoa, bất cứ một bác sĩ  thần kinh nào cũng sẽ nói rằng não của trẻ rất uyển chuyển- plasticité neuronale – ta “nhào nặn” thế nào cũng được. Khả năng tiếp thu của các cháu rất lớn, nếu dạy chuyên thì các cháu sẽ chuyên. Nhưng có thể các cháu chỉ chuyên Toán, chuyên Vật lý hay chuyên Tin học… mà không chú trọng đến những môn còn lại. Như vậy sau trường chuyên, các cháu sẽ ra thế nào? Trách nhiệm đó là trách nhiệm của người đi dạy.

 

Ở châu Âu, chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp của các lực sĩ sau thời Olympic vàng son, lớn tuổi hơn với thời gian dễ rơi vào tình trạng nghiện rượu hay ma túy rồi  sống cuối đời thảm thương.

 

Đối với các em học sinh thì không đến nỗi như thế. Sau khi đi thi Olympic về, có thể  các em được thử thách và rèn luyện, được trao huy chương, có bằng, thấy tự hào và thích thú. Nhưng rất có thể các em chưa cảm nhận rõ ý nghĩa sâu xa của việc học và chưa có thói quen học tập không vị lợi, không vì danh hiệu này danh hiệu nọ, mà vì sự hứng thú, vì yêu thích khám phá những tri thức mới mẻ.

 

Dạy theo trường chuyên có thể ta sẽ tạo ra một số học sinh chỉ học và làm việc với mục tiêu được tuyển chọn đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thi Olympic và sẽ giành được giải, được tuyên dương. Như vậy có thể vô tình tạo ra một thế hệ chuộng khen thưởng hình thức chứ không hẳn vì yêu khoa học, thích tìm tòi hiểu biết và thấm nhuần những giá trị nhân bản (“có thể” thôi vì chưa kiểm chứng).

 

Mà tính nhân bản lại là một “chất keo” rất cần cho một xã hội an lành trong đó mọi người tử tế với nhau chứ không phải đua chen, người này phải loại người kia để chiếm hạng cao.

 

Tổ chức trường chuyên lại tốn kém, mà chỉ đào tạo một thiểu số, đào tạo “đặc biệt” để đi thi Olympic.

 

Cuộc thi chơi

 

Theo cách xếp hạng của GS Nguyễn Văn Tuấn, Việt Nam đứng thứ 22, Bỉ thứ 29 và Phần Lan – một trong những nước có nền giáo dục trung học tốt nhất thế giới, hạng 39 (có thể xem trên http://nguyenvantuan.net/science/4-science/1321-thu-xep-hang-olympic-toan-cho-viet-nam). Ở Bỉ và Phần Lan không có trường chuyên.

 

Olympic Toán là một cuộc thi chơi, nếu mọi người cùng đồng ý với nhau như thế thì mọi viêc sẽ tốt đẹp, như cuộc thi “đố vui” trên TV. Đứng hạng cao trong một cuộc thi chơi không có nghĩa là trình độ giáo dục của quốc gia ấy cao. Có một vài người giỏi, nhưng một cây không che hết cánh rừng – l’arbre ne cache pas la forêt!

 

Một Đặng Thái Sơn không có nghĩa là cả nước giỏi nhạc cổ điển. Ta hãnh diện vì Đặng Thái Sơn, nhưng tôi sẽ hãnh diện hơn nữa nếu cả nước biết, dù một tí thôi, xướng âm.

Tôi vốn tha thiết đến giáo dục cho quảng đại quần chúng và ít chú ý đến 2 hay 3% trong đồ thị hình cái chuông (courbe de Gauss) phần những người xuất chúng hay những người tệ nhất. Vả lại, các cháu được tuyên dương ở các Olympic Toán chưa hẳn là xuất chúng. Đi đường dài mới biết ngựa hay …

 

 

                                                                       Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                              Liège Bỉ

 

LTS Dân trí – Vốn là nhà nghiên cứu về xã hội học trong giáo dục và y tế, qua bài viết ngắn trên đây,  tác giả đã trình bày rõ quan điểm nhân bản của mình về giáo dục. Đây cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu của giáo dục trong thời đại ngày nay vì tính nhân bản được coi là “chất keo” rất cần thiết cho mọi người chung sống với nhau trong một xã hội tiến bộ và yên bình.

 

Từ quan điểm đó, tác giả cho rằng không nên tổ chức trường chuyên vừa tốn kém vừa không đạt được mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh. Thậm chí còn làm cho học sinh học lệch, muốn học giỏi để được chọn vào đội tuyển và đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế. Giáo dục theo cách đó dễ tạo ra một lớp trẻ “háo danh” ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mà thiếu sự đam mê học tập một cách tự nhiên, tự tìm thấy sự hứng thú và say sưa học tập vì ham hiểu biết, muốn tìm tòi khám phá cái mới…chứ không vì những danh hiệu hình thức nào hết.

 

Cũng vì vậy, không nên đánh giá quá cao về các kết quả đạt được ở các kỳ thi Olympic quốc tế. Chúng ta chưa thể yên tâm tự hào về nền giáo dục của nước nhà vì được xếp thứ 22 trong kỳ thi Olympic Toán,  trong khi Phần Lan có nền giáo dục phổ thông đứng hàng đầu thế giới chi xếp thứ 39!

(dantri.vn)