Truyện cười toán học

Các mẫu chuyện vui về toán học được sưu tầm trên mạng.

1. Một nhà toán học và một nhà văn bị một bộ tộc da đỏ bắt. Tù trưởng của bộ lạc này là một người rất thông minh và cũng đã từng được học hành.
Sau khi bỏ đói ba ngày, tù trưởng cho lính dắt nhà toán học vào một căn phòng và bảo ông ta sắp được ăn. Nhà toán được đặt ngồi trên một chiếc ghế ở góc phòng, bụng khấp khởi mừng khi nhìn thấy một mâm sơn hào hải vị đặt ở góc phòng bên kia. Tù trưởng nói: “Mày phải ngồi yên trên ghế, cứ 1 phút mày lại được quyền kéo cái ghế 1 nửa quãng đường tới mâm cơm”.
Nhà toán học giãy nảy: “Tao sẽ không tham. Trò giễu cợt này, ai học toán mà chẳng biết, chẳng bao giờ đến được chỗ mâm cơm”.
Tù trưởng cũng không làm khó dễ gì nhà toán học, ông này cắp bụng đói về phòng nhốt mình.
Tới lượt nhà văn được đưa ra với điều kiện tương tự. Khi nghe tên tù trưởng giải thích luật chơi, mắt ông này sáng rực và ngồi ngay vào ghế.
Tù trưởng vờ ngạc nhiên hỏi: “Chẳng nhẽ mày không thấy là mày sẽ chẳng bao giờ đến tới chỗ mâm cơm hay sao?”
Nhà văn mỉm cười: “Tao không tới tận chỗ mâm cơm, nhưng tao có thể đến đủ gần để ăn được cơm”.

 

2. Một nhà vật lý đi qua hành lang thì thấy một nhà toán học đang lúi húi bò đi bò lại trên sàn. Nhà vật lý tò mò mới lên tiếng hỏi:

– Ông làm gì ở đây đấy?

– À, tôi đang tìm một cái kim, tôi vừa mới đánh rơi.

– Thế ông đánh rơi ở chỗ nào?

– Ở trong phòng tôi thôi.

Nhà vật lý ngạc nhiên quá mới hỏi:

– Đánh rơi ở trong phòng sao ông lại ra đây tìm.

Nhà toán học mới đáp:

– Ừ, nhưng trong phòng tối quá, tôi ra ngoài này tìm cho sáng.

3. Một ngày nọ, nhà toán học cảm thấy quá mệt mỏi với việc làm toán. Ông ta quyết định đi xin việc ở đội lính cứu hoả.

Đội trưởng đội cứu hoả ngắm nhà toán học và nói: “Anh trông có vẻ được. Tôi sẽ rất vui nhận anh vào làm việc nếu anh vượt qua được bài kiểm tra nhỏ này”.
Ông ta đưa nhà toán học tới nơi luyện tập của đội lính cứu hoả, nơi có đặt một chiếc thùng, một trụ cứu hoả và một vòi nước. Ông đặt câu hỏi:

– Nào! Bây giờ giả sử anh đang đi trên đường và nhìn thấy cái thùng đang cháy, anh sẽ xử lý thế nào?

Nhà toán học trả lời ngay không chút do dự:

–         Tôi sẽ lắp ngay ống nước vào trụ cứu hoả, bật nước và dập tắt ngọn lửa.

– Rất tốt. Bây giờ thì chỉ còn một câu hỏi nhỏ cho anh nữa thôi. Anh sẽ làm gì nếu đang đi dạo và thấy chiếc thùng không cháy.

Nhà toán học suy nghĩ một lát rồi đáp:

– Tôi sẽ châm lửa cho nó! Lính cứu hoả hét lên:

– Cái gì! Thật khủng khiếp! Tại sao anh có thể làm như vậy?

Nhà toán học thản nhiên:

– Có gì đâu. Làm như thế tôi sẽ đưa bài toán về bài toán vừa giải xong!

4. Có 2 nguời bạn đang đi chơi trên khinh khí cầu, học bị lạc hướng nên phải hạ thấp xuống để hỏi đường. Khi thấy một anh ở dưới, một người hỏi : ” chúng tôi đang ở đâu đấy?”. Anh chàng dưới đất trả lời: ” Các anh đang ở trên một cái KKC”. Người trên KKC hỏi tiếp: ” anh là dân toán à?” . ” Đúng rồi”.

Nguời bạn kia ngạc nhiên hỏi, sao anh biết người ta là dân toán. Anh bạn này trả lời:” thì đấy, họ trả lời bao giờ cũng rất chính xác, nhưng lại không giúp được gì cả!”.

5. Khi nhìn thấy một phương trình, nhà Cơ khí sẽ lập tức liên tưởng phương trình với thực tế, nhà Vật lý thì ngược lại, so sánh thực tế với phương trình này. Còn nhà Toán học thì … ngắm nhìn và nói: “rất đẹp”.

6. Một nhà toán học và một anh kỹ sư tham gia một buổi nói chuyện về hình học trong không gian 13 chiều.

Sau buổi nói chuyện, nhà toán học hỏi anh kỹ sư : “Anh cảm thấy thế nào ?”
Anh kỹ sư trả lời : “Tôi không thể hiểu nổi làm sao anh có thể cảm nhận được hình ảnh trong không gian 13 chiều !”

Nhà toán học trả lời : “Không khó lắm đâu. Tôi chỉ cần hình dung nó trong không gian N chiều bất kỳ rồi cho N = 13″

7. Tại Nhật Bản hàng năm đều diễn ra cuộc thi “Những thiết kế tối ưu”. Lọt vào vòng chung kết năm 2009 là 3 người giỏi nhất, một kĩ sư, một nhà vật lí và một nhà toán học. Họ được giao nhiệm vụ thiết kế hàng rào bao quanh một đàn cừu với số vật liệu càng ít càng tốt.

Kỹ sư nhanh chóng thiết kế một chiếc hàng rào chạy men theo đồng cỏ.
Nhà vật lí đưa ra một cách khác, ông ta thiết kế 1 hàng rào hình tròn bọc lấy đồng cỏ và tiết kiệm được 1/3 nguyên liệu.

Đến lượt nhà toán học, ông ta làm 1 cái hàng rào bé xíu bao quanh mình và nói với 2 người kia:

“Tôi định nghĩa phía mà các anh đang đứng thuộc bên trong cái hàng rào”.

8. Suy luận logic

Giáo sư môn logic học nhận ra mình bị mất kính. Ông bèn ngồi suy luận để xem đối tượng nào đã lấy kính của mình.

“Ai lấy cắp? Đương nhiên là kẻ cắp rồi. Và tên này có thể bị cận thị, có thể không. Có thể hắn đã có kính, có thể chưa có. Nhưng nếu chưa có làm sao hắn có thể trông thấy kính của mình? Điều này chứng tỏ hắn không bị cận thị. Mà không bị cận thị thì đâu cần tới kính. Từ những giả thuyết trên, có thể kết luận là không ai lấy kính của mình cả. Chắc chắn nó nằm ở đâu đây thôi. Nhưng mình đã nhìn khắp rồi, không thấy gì cả. Mà mình nhìn được như vậy có nghĩa là mình đang đeo kính. Ôi may quá!!!”

Nguồn: (sưu tầm)