Tôi không tin vào Toán học

Hai trí tuệ lớn của thế kỷ 20 đã biểu lộ phản ứng bằng những phát biểu mỉa mai, có mang hơi hám chế diễu này: Albert Einstein – “ tôi không tin vào toán học” . Và, Stephen Hawking “Triết học đã chết”. Đó là những suy tư ở tầm hệ thống, chỉ có ở tư duy của những trí tuệ lớn.

Vào đầu thế kỷ 20, hình thành mạnh mẽ một Trường pháiToán học hình thức, biến Toán học trở thành một hệ thống ký hiệu và việc làm toán chỉ còn là thuộc lòng những thao tác kỷ thuật, những thủ tục tuân theo một chuỗi suy diễn lôgic hình thức, mà không cân quan tâm đến ý nghĩa của những ký hiệu đó là gì. Cho nên ta phải hiểu, Toán học mà Einstein ám chỉ, chính là thứ Toán học hình thức đó. Thứ Toán học không gắn liền với vận động Vật chất cụ thể, Vì vậy, ông không trao niềm tin của mình vào thứ Toán học như vậy được. Phản ứng đó của Einstein mang hơi thở Triết học nhân văn thật là sâu sắc .

Cái “chết” mà Hawking nghĩ về Triết học hiện đại, không phải là cái chết theo nghĩa sinh học, cái chết tiêu vong. mà là cái chết “lâm sàng”. Cái chết do tạm thời mất Cảm xúc. Với một tầm nhìn bao quát, ông cảm nhận sự thiếu đồng hành Triết học và Vật lý học, là một điều đáng lo lắng. Dường như trong một cảm giác bất an, Hawking đã thốt lên:“Triết học đã chết ?”. Ông cho rằng, Triết học đã vô cảm trước một chấn động lớn của Tư duy, một cuộc cách mạng Khoa học làm đảo lộn nhận thức của nhân loại về Thế giới, về bản chất của Vật chất, cùng với những thuộc tính phi truyền thống của nó, mà Vật lý học khám phá từ những năm đầu của thế kỷ 20. Những khám phá đã mở đường cho Khoa học công nghệ đẩy nền văn minh nhân loại lên những đinh cao chưa từng thấy. Thế mà, Triết học vẫn chưa thoát ra khỏi trói buột của Tư duy cổ điển để có mặt kịp thời trong một thời điểm lịch sử tư tưởng có tính bước ngoặc như vây.

Phải chăng, trong chiều sâu suy nghĩ của các Triết gia vẫn coi Triết học là một khoa học duy lý tự thân?, Sự tìm kiếm tri thức chỉ là một phân nhánh của Triết học?

Một Nhà khoa học Tự nhiên kiệt xuất như Hawking mà trăn trở trước thực tại Triết học như vậy, nói lên nỗi lo âu của ông về nguy cơ của những mưu toan lợi dụng Khoa học, xuyên tạc và bóp méo chân lý khoa học để chống lại chính Khoa học và Thế giới quan khoa học. Là một Nhà Vật lý lý thuyết kiệt xuất, mà ông vẫn chăm lo đến đời sống của Triết học, sản phẩm tư tưởng vô giá của nhân loại, quả là tư duy của một nhân cách lớn.

Vậy Triết học hiện đại phải điều chỉnh theo mô hình nào? Thừa kế những tinh hoa của Triết học cổ điển, “Từ nay, mô hình duy nhất của thế giới có thể chấp nhận được là dựa trên Vât lý hiện đại”. Đó là tuyên bố, hoàn toàn có cơ sở, của Nhà triết học Cơ đốc giáo xuất săc nhất của thế kỷ 20 – Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp – Jean Guitton. Sự đồng hành Vật lý học – Triết học, mà Hawking kỳ vọng, là cuộc đồng hành hình với bóng. Bóng là phản ảnh cái chung nhất, cái đặc trưng nhất của hình. Hình là phản ảnh toàn bộ những thuộc tính làm nên bản chất của đối tượng. Do đó mà Triết học không trực tiếp đi tìm tri thức từ đôi tượng, tức là từ bản thể Tự nhiên, bởi vì phương pháp luận của Triết học là Tư duy duy lý, không sử dụng bất cứ phương tiện thực nghiệm nào. Từ những nguyên lý, những định luật cụ thể của từng hệ Vật lý riêng biệt, Triết học phải phát hiện cho được những qui luật chung nhất của vận động Vật chất, của Tự nhiên, đồng thời làm nổi bật những hệ quả tất yếu mà chúng phản ánh vào những qui luật chung của Xã hội. Bởi vì đó là những mạch ngầm luân lưu, liên kết giữa Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, cùng các chuyên ngành khoa học khác với nhau.

V.I. Lênin đã từng căn dặn : “Triết học không có quyền gì được tồn tại độc lập, và tài liệu của nó đều nằm ở trong các ngành khác nhau của khoa học thực chứng”. Người còn viết : “Trào lưu mạnh mẽ đi từ Khoa học Tự nhiên sang Khoa học xã hội không những chỉ tồn tại ở thời đại Petty, mà cả ở thời đại Mác. Đến thế kỷ 20, trào lưu đó vẫn còn mạnh không kém thế, nếu không phải là mạnh hơn

Từ năm 1844, trong Bản thảo kinh tế – Triết học, C. Mác phê phán gay gắt quan điểm tách rời một cách cứng nhắt Khoa học Tự nhiên với Khoa học Xã hôi, đồng thời đưa ra dự đoán : “Về sau, Khoa học Tự nhiên bao hàm trong nó Khoa học về Con người, và Khoa học về Con người bao hàm trong nó Khoa học Tự nhiên. Đó sẽ là Khoa học đích thực

C. Mác và Lênin kịch liệt chống lại quan niệm coi “Triết học là khoa học của các Khoa học”. Vì vậy, không có khái niệm vè vai trò dẫn đường và lót đường của Triết học đối với Khoa học Tự nhiên, vì nó dễ gây lẫn lộn. Mặt khác, Lênin cũng không quan niệm rằng, sự tác động giữa các Khoa học chỉ đi theo một chiêu. Trong tiến trình phát triển, hai nhóm Khoa học ấy tác động lẫn nhau. Đó là hiện tượng tự tổ chức, tự điều khiển ở qui mô Hệ thống : Qui mô Vũ trụ.

Nếu mục đích dẫn đường, và thậm chí là lót đường, là để xây dựng một hệ thống (hoặc một phần hệ thống) các Khái niệm, Phạm trù, cho các ngành Khoa học cụ thể sử dụng, thì chẳng hóa ra, như Hawking từng mỉa mai, rằng “…Nhiệm vụ còn lại của Triết học là trò phân tích ngôn từ, ngữ nghĩa” ? Đó là làm Từ điển chứ đâu còn là làm Triết học nữa.

Nhưng, nếu hiểu Dẫn đường là dự báo hướng phát triển của Khoa học trong tương lai, như C. Mác dự đoán, thì hoàn toàn có cơ sở.

Vật lý học, như chúng ta biết, đang chịu nhiều biến đổi sâu sắc. Tiêu điểm của Vật lý học trong thế kỷ 20 là Cấu trúc của Vật chất đã được dịch chuyển sang Cấu trúc của Vũ trụ . Từ những thập niên cuối thế kỷ 20, trong bầu không khí huyên náo của cuộc săn tìm một lý thuyết thống nhất, với tên gọi “Lý thuyết của mọi sự vật”, thì dường như đã hé mở một hướng dịch chuyển mới từ cấu trức Vật chất đến cấu trúc sự sông và Ý thức, Trong đó, những phát biểu thẳng thắn của nhiều Nhà vật lý tên tuổi, nói về “Lý thuyết của mọi sự vật”, đã cho rằng : một lý thuyết Vật lý “mọi sự vật” liệu có chứa trong nó lý thuyết về Ý thức hay không ? Nó có bao hàm một lý thuyết về Đạo đức,về hành vi của con người hay về Thẩm mỹ ?Ngay cả khi ý niệm của chúng ta về Khoa học, có được mở rộng tới mức bao hàm được cả những thứ đó đi nữa, thì liệu chúng ta có còn nghĩ nó là “Vật lý học” hay có thể qui về Vật lý học nữa hay không?.

Về phần tôi, có lẽ tôi đã có đủ sự kiêu ngạo của Nhà Vật lý để tin rằng một “Lý thuyết mọi sự vật” vật lý, ít nhất phải chứa những mầm mống để giải thích được hiện tượng Ý thức… ( phát biểu của Roger Penrose – Nhà Toán học-Vật lý, Viện Toán, ĐH Oxford, Anh).

Cùng dịp đó, Louis de Broglie khẳng định : Vật lý và Siêu hình hay Vật chất và Ý thức, tinh thần, chỉ là một. Và, tương tự như thế, cách giải thích Cơ học lượng tử của Trường phái Copenhague cũng đã xóa bỏ mọi ranh giới của Vật chất, Ý thức và Tinh thần. Chúng thống nhất với nhau bằng một tương tác nào đó trong một tổng thể hài hòa của toàn Vũ trụ…

Rất có thể, đó là cơ sở để Triết học hiện đại dự cảm sự ra đời của một Khoa học mới với một phương pháp luận tiếp cận cũng hoàn toàn mới. *

Hà Nội, ngày 15/1/2011
Hà Yên