Toán học trong trường phổ thông

Việc giảng dạy toán học là một phần không thể thiếu. Học sinh sẽ không thể học bất cứ ngành gì nếu không học toán. Người thầy sẽ không thể dạy tốt nếu không có tư duy toán học. Bởi vậy từ lâu và cả sau này nữa, toán học vẫn là môn cơ sở cho giáo dục phổ thông. Cùng với môn văn, đây là môn được học suốt từ lớp 1 đến lớp cuối cùng ở bậc phổ thông ở tất cả các nước. Không những thế nó cũng là một trong ít môn luôn chiếm lượng thời gian nhiều nhất.

Nước Mỹ là nước có nền giáo dục đại học không chỉ hiện đại nhất thế giới, mà còn vượt xa các nước xếp ngay dưới. Thế nhưng vì sự đa dạng của các trường phổ thông mà nhiều trường phổ thông ở đó có chất lượng không tốt. Đặc điểm quan trọng nhất mà các nhà giáo dục và hoạch định chiến lược của Mỹ dựa vào để đưa ra nhận xét, đó chính là kiến thức toán học của học sinh phổ thông Mỹ. Đây là một điều không lạ, và cũng không làm phiền lòng người Mỹ, vì người ta chẳng thấy hề hấn gì khi mà nền đại học vẫn mạnh. Song, những phân tích gần đây về sự tiến bộ nhanh của các nền đại học khác, làm cho người Mỹ phải nhìn nhận lại vấn đề giáo dục nói riêng và giáo dục Toán ở bậc phổ thông.

Giải pháp cơ bản để đào tạo nhân tài toán học là phải có một nền giáo dục phổ thông tốt. Vì vậy chúng ta cần:
• Hoàn thiện lại hệ thống các lớp chuyên toán với khoảng 50 học sinh mỗi lớp.
• Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho những trường (khối) chuyên toán trọng điểm quốc gia sao cho học sinh có điều kiện học gần như các trường phổ thông tiên tiến trên thế giới.
• Khôi phục lại hệ thống thi học sinh giỏi toán toàn quốc ở các lớp cuối cấp trên cơ sở thay đổi sao cho nó thực sự kích thích sự ham mê học toán của học sinh.
• Khôi phục lại hệ thống học bổng hấp dẫn cho học sinh chuyên toán, sao cho những học sinh giỏi con nhà nghèo vẫn theo học được.
• Cho phép những học sinh xuất sắc được đặc cách học vượt lớp, vào thẳng đại học để học toán. Những học sinh đoạt giải toán quốc tế cần được gửi đi học ở các trường đại học hàng đầu ngay sau khi đạt giải.
• Nâng cấp đội ngũ giáo viên giỏi dạy toán thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ định kì.

Năm 2002, Quốc hội Mỹ thông qua luật đảm bảo thực hiện các chương trình nâng cao giáo dục của Mỹ. Trong thông điệp Liên bang năm 2007, Tổng thống Mỹ G. Bush đã sơ kết:  ”Cách đây 5 năm, chúng ta đã vượt qua được sự bất đồng đảng phái để thông qua Luật “Không một trẻ em nào bị bỏ lại đằng sau”… Và chúng ta đã hành động, các học sinh (Mỹ) đang có thành tích tốt hơn về toán học và các học sinh thiểu số đang lấp dần khoảng cách về thành tích”. ”Giờ nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục phát huy thành công này… Chúng ta phải tăng tiền trợ giúp cho các học sinh nghèo và đảm bảo những học sinh này có được sự giúp đỡ đặc biệt mà họ cần. Chúng ta phải chắc chắn rằng con em chúng ta được chuẩn bị cho các công việc của tương lai và đất nước chúng ta cạnh tranh hơn bằng cách tăng cường các kỹ năng toán học và khoa học”.
Tổng thống mới đắc cử của Mỹ, ông Obama, cũng đồng quan điểm này. Ông Obama muốn giáo dục toán học và khoa học trở thành một ưu tiên quốc gia, lưu ý rằng 80% nghề nghiệp đang phát triển nhanh nhất hiện nay phụ thuộc vào kiến thức về khoa học và toán học, song các nghiên cứu lại cho thấy học sinh sinh viên Mỹ thường tốt nghiệp mà không có những kỹ năng cần thiết về những lĩnh vực này. Vì vậy, ông chủ trương sẽ tuyển mộ những người tốt nghiệp đại học về toán học và khoa học vào ngành dạy học. Ông sẽ ủng hộ các nỗ lực nhằm giúp giáo viên học hỏi các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Ở Việt Nam ta, toán học cũng luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong giáo dục phổ thông. Không những thế, cùng với việc học nhiều toán ở các giờ học thêm, tỷ trọng học toán của học sinh ta thường cao hơn nhiều so với nước ngoài. Nhờ vậy một số học sinh khá, giỏi khi có điều kiện du học ở nước ngoài thường khá về toán. Điều này dẫn đến một số ý kiến cho rằng ở Việt Nam đã dạy toán quá nhiều, hoặc học toán không có gì quan trọng. Đây là những suy nghĩ hời hợt, đi ngược lại với xu thế thời đại.

Theo Dự thảo CTTĐQGPT TH đến năm 2020