Tiểu thuyết của Ngô Bảo Châu: Mua ào ào nhưng đọc thì… chưa biết

Cuốn Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình (GS Ngô Bảo Châu, Nguyễn Phương Văn) sau hai tuần ra mắt độc giả, hiện vẫn giữ vị trí số 1 trong các sách bán chạy tại Việt Nam.

Bên cạnh niềm vui được thưởng thức văn tài của một nhà toán học đã giành giải thưởng Field, về mặt kiến thức Ai và Ky ở xứ xở những con số tàng hình có phải một thách thức với với nhóm độc giả trẻ không phải dân chuyên toán?

[Hình: VH-6.4-BC-in1.jpg]

Tư duy toán học thành tư duy cuộc sống

Hai tác giả Ngô Bảo Châu, Nguyễn Phương Văn ban đầu định viết Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình như một cuốn lịch sử toán học, sau đó phát triển thành một câu chuyện sinh động, đồng thời “phát minh” ra thể tài mới: “tiểu thuyết toán hiệp”.

Nhà văn Nguyễn Phương Văn bày tỏ: “Trong quá trình viết, nội dung đã chuyển hướng, song những gì chúng tôi mong muốn từ đầu vẫn không thay đổi. Ấy là cố gắng khơi gợi niềm vui tìm tòi tri thức, ít nhất là làm sao cho bạn đọc tò mò về các nhân vật, muốn biết họ là ai ngoài đời, họ đã sống thế nào và cống hiến những gì”.

Đọc kỹ và có nhiều cảm nhận sắc sảo về cuốn sách, bạn Phạm Ngọc Hà (độc giả diễn đàn mạng tiki.vn) cho hay “rất thích không khí truyện, bởi chất chứa vẻ đẹp xa xưa và ấm cúng của một châu Âu cổ điển (biển cát với bầu trời đầy sao, giàn nho, bánh mì mật ong và sữa…). Nội dung toán học thì: Vừa đủ cơ bản và vừa đủ sự khó hiểu để người đọc bị cuốn hút.”

Không ít triết lý về cuộc sống được lồng trong tư duy toán học, cho thấy toán học chính là cuộc đời. “Thích triết lý giản dị về sự từng bước. Sự từng bước là thận trọng, nhưng không bao chứa thái độ rụt rè nghi hoặc, mà đầy niềm tin. Cái gì cũng thế, cứ từng bước mà làm thì sẽ làm được hết”, Ngọc Hà cảm nhận.

Nhiều độc giả là dân chuyên toán cũng tán dương giọng kể ấm áp, hài hước, cách dẫn truyện nhiều chất thơ, làm cho các chủ đề toán học trong truyện trở nên thi vị, sáng rõ. Nhưng đồng thời ai cũng hiểu, sáng rõ với dân chuyên toán không đồng nghĩa sáng rõ với mọi độc giả trẻ.

Có thể “mềm hóa” các kiến thức toán học ra sao?

Chủ đề của cuốn sách đã có thể khiến những người không am hiểu về toán e ngại. Thậm chí, nhiều người trong chúng ta chịu áp lực tâm lý khi nhắc đến toán, “ớn” toán, mặc nhiên nghĩ đây là một môn học khó nhằn (trong trường học) và là một môn khoa học quá xa vời (trong đời sống).

Bạn Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, thì viết: “Đọc cuốn sách, mình nghĩ nó dành cho độc giả trẻ. Cách kể chuyện như để làm mềm hóa các kiến thức toán học, giúp chúng ta dễ hình dung về các con số, về hình học”.

Còn bạn Trần Quỳnh Trang, học sinh trường THPT Quang Trung, Hà Nội, lại so sánh Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình với một số tập truyện dài Doraemon, ở chỗ cùng cung cấp những kiến thức khoa học thông qua cuộc phiêu lưu của một nhóm bạn nhỏ. “Truyện dài Doraemon cung cấp kiến thức qua truyện tranh, đi kèm câu chuyện lôi cuốn nên rất dễ tiếp thu. Ai và Ky phần nào cũng làm được như vậy.”

Về ý tưởng “tiểu thuyết toán hiệp”, bạn Trần Thị Diễm Phương (Đại học KHXH&NV) TP HCM, nhận định: “Mình thấy ý tưởng mới lạ và dí dỏm. Phải vô cùng yêu toán học thì giáo sư Ngô Bảo Châu và cộng sự Nguyễn Phương Văn mới có thể viết nên cuốn sách này. Nếu tác giả lồng vào sách sự dí dỏm của trẻ thơ và tinh hoa văn hóa thì quyển sách này sẽ rất thành công, bởi toán học đồng hành cùng những nền văn minh của thế giới”.

Mua cuốn Ai và Ky tại hội sách và có chữ ký của tác giả Nguyễn Phương Văn, bạn Trần Hoài Anh tỏ ra rất vui. Cô lý giải: “Mình rất thích những cuốn sách bắt mắt. Ai và Ky quả thực nổi bật khi bày trên giá. Mình thích ngay trang bìa và các hình minh họa của họa sĩ Thái Minh Phương, còn chất lượng giấy không chê vào đâu được. Chỉ riêng lý do đó thôi cũng đã đủ để “rinh” một cuốn về rồi”.

Giới trẻ thích đọc Ai và Ky ở xứ sở của những con số.

Trên một tờ báo, hai tác giả Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn đưa ra một giới hạn rất cụ thể về đối tượng độc giả của cuốn sách, đó là học sinh, sinh viên “từ cuối cấp 3 đến năm thứ hai đại học”. Nên bảo rằng sách dành cho thiếu nhi thì hơi rộng. Và chỉ cần giở qua vài trang đầu của sách thì độc giả sẽ hiểu ngay tại sao. Một số kiến thức các bạn trẻ chỉ thực sự có thể lãnh hội khi bắt đầu hiểu các khái niệm của chương trình toán cao cấp, nhất là phần cuối truyện. Một số phương pháp lập luận trong sách cũng đòi hỏi khả năng tư duy trừu tượng của các bạn ít nhất từ cấp III. Điều này cũng được phản ánh trong hội sách TP HCM khi người nô nức mua sách chủ yếu là độc giả trẻ, xấp xỉ độ tuổi trung học, đại học. Mặc dù, trước một cuốn sách đẹp và có giá trị, rất nhiều bậc phụ huynh cũng mua ngay một cuốn làm quà cho con hoặc với suy nghĩ rằng: sẽ lưu trong tủ sách gia đình chờ ngày con lớn lên và đọc.

Có thể khẳng định, cái tên Ngô Bảo Châu đang là một yếu tố thu hút khó lòng cưỡng nổi với độc giả, bởi danh tiếng của người Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Field. Nhưng tìm đọc là một chuyện, đọc được hay không lại là một chuyện khác.

Như lời bậc thầy trong cuốn sách đã dặn chú bé Ai: chân lý chỉ mở ra cho những ai sẵn sàng tìm hiểu, Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình chắc hẳn không phải cuốn sách dễ dàng. Cái khó của nó, có thể khiến người ta phải trở lại một loạt kiến thức toán liên quan, khiến người ta phải tự mình tìm tòi thêm để lấp những chỗ trống trong tưởng tượng, lập luận của chính mình trong suốt quá trình đọc, để cảm nhận cho đầy đủ những vẻ đẹp của toán, vẻ đẹp của suy luận siêu hình, rồi ngộ ra những mối liên hệ phổ quát trong thế giới. Có thể nói, những độc giả trẻ, với lời gợi ý từ sách, mà nỗ lực chạm tới được những điều đó, thì họ đã giành được những món quà không nhỏ!

Cuốn sách Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình của hai tác giả Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn, do họa sĩ Thảo Mỹ Phương vẽ minh họa. Công ty Nhã Nam và NXB Thế giới xuất bản. Sách in lần đầu với số lượng lớn hiếm có, 10.000 bản, trên giấy ngà đẹp. Giá bìa 56.000 đồng.

Huyền An – DVO