Ai cũng tưởng đôi uyên ương Nash-Alicia sẽ được sống hạnh phúc lâu bền bên nhau, ngờ đâu khi Nash vừa mới bước sang tuổi 30, cái tuổi tài năng có dịp nở rộ thì anh bị mắc chứng tâm thần phân liệt, nói thẳng ra là điên dại.
Alicia đau lòng ngán ngẩm nhìn ông chồng thể xác còn đấy nhưng linh hồn thì đã mất. Dường như bệnh này có tính di truyền, vì con trai họ là John Charles Martin Nash, một tiến sĩ toán rất giỏi, về sau cũng mắc bệnh đó.
Bệnh tâm thần vô cùng quái ác, nó làm cho bệnh nhân hoàn toàn bị cách ly khỏi xã hội, bạn bè, vợ con. Hầu như mọi thứ thuốc, mọi sự chăm sóc đều không có hiệu quả. Bất cứ người lao động trí óc nào khi đã mắc bệnh này thì coi như sự nghiệp đi đứt.
Bệnh bắt đầu phát từ hồi Nash đang giảng dạy tại MIT và tiến triển từ từ; nguyên nhân tại sao thì không ai rõ.
Có người nói đó là hậu quả công việc Nash làm tại Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton.
Tại đây, ông tham gia nghiên cứu với một nhóm chuyên gia phương trình vi phân và nhanh chóng có bứt phá quan trọng trong lĩnh vực phương trình vi phân phi tuyến, khiến nhóm chuyên gia kia kinh ngạc.
Nhưng đúng lúc ấy có tin mấy tháng trước một học giả trẻ người Ý đã chứng minh được một phần kết quả nghiên cứu của Nash. Tin này khiến Nash nghĩ rằng chính người Ý kia đã làm ông mất cơ hội được tặng Huy chương Fields (còn gọi là giải Nobel Toán). Có người nói mối hận ấy làm cho tinh thần Nash suy sụp và dẫn đến chứng tâm thần phân liệt.
Nhưng Nash phủ nhận điều đó.
Sau này trong bản lý lịch gửi Ủy ban xét giải Nobel, ông cho biết: mùa hè năm 1957, ông bắt đầu chú ý tới một vấn đề hóc búa nhất trong cơ học lượng tử, đó là sự giải thích nguyên lý bất định Heisenberg (Heisenberg uncertainty principle), một lĩnh vực bên ngoài toán học, các nhà khoa học từng tranh luận mãi vẫn chưa thống nhất với nhau.
Nash cũng tranh cãi về vấn đề này với Oppenhelmer cha đẻ bom nguyên tử Mỹ, Giám đốc Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton (1947-1966); sau đấy ông có viết thư xin lỗi Oppenhelmer về thái độ gay gắt của mình.
Nash cho biết: khi hiểu rằng ý định giải quyết mâu thuẫn nội tại của thuyết lượng tử là việc làm không lượng sức mình, tâm trạng ông bị mất cân bằng và có lẽ đó là nguyên nhân phát bệnh tâm thần.
Mùa thu năm 1958, trong một lần trò chuyện với hai sinh viên nước ngoài, tự dưng Nash thao thao bất tuyệt nói những câu khiến hai người kia ngạc nhiên không hiểu ra sao. Ông nói hòa bình thế giới đang bị đe dọa, nhân loại cần thành lập một “chính phủ thế giới” để bảo vệ hòa bình.
Một hôm ông chỉ tờ báo cầm trong tay và nói đây là mật mã của chính phủ người ngoài hành tinh gửi cho ông. Khi ĐH Chicago mời Nash nhận một chức vụ rất cao thì ông lại viết thư từ chối với lý do ông phải đi làm “Hoàng đế châu Nam Cực”.
Hồi ấy trường MIT vì muốn giữ Nash nên định đề bạt ông, khi biết chuyện bức thư kỳ quặc ấy, họ cho là bệnh tâm thần của ông đã rất nặng.
Nash mắc bệnh hoang tưởng, lúc nào ông cũng nghĩ mình được trao nhiệm vụ vĩ đại lãnh đạo phong trào hòa bình thế giới. Ông viết rất nhiều thư và tự lái xe đến sứ quán các nước tại Washington trao thư gửi tới yếu nhân chính phủ các nước và quan chức Liên Hợp Quốc (LHQ). Trong thư, ông bàn chuyện lập chính phủ toàn cầu để bảo vệ hòa bình thế giới.
Năm 1962 có lần Nash đề nghị khoa Toán ĐH Princeton chuyển giúp thư của mình tới lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông, nhưng vì hồi ấy Trung Quốc và Mỹ chưa có quan hệ ngoại giao nên thư không gửi được.
Năm 1967, khi Trung Quốc đang có “Cách mạng văn hóa”, Nash lại viết thư gửi một đồng nghiệp cũ ở nước này, trong đó ông mập mờ nhắc đến khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân tại biên giới Trung Quốc-Liên Xô.
Trên thực tế hồi ấy giới trí thức phương Tây đúng là đang có trào lưu thân Liên Xô, ưa thích chủ nghĩa xã hội, chống làm bom nguyên tử và chống chiến tranh. Do căm giận Thế chiến II tàn phá nền văn minh nhân loại, họ muốn lập một chính phủ thế giới để bảo vệ hòa bình. Albert Einstein, Jean Paul Sartre … đều ủng hộ ý tưởng này.
Khoa Toán trường MIT thật sự là một “hang ổ” cộng sản. Trưởng khoa, phó khoa đều là đảng viên đảng Cộng sản Mỹ.
Ba người con của Earl Browder lãnh tụ đảng này đều học khoa Toán ở MIT. Những người ấy về sau đều nhiệt tình giúp đỡ Nash khi ông đau ốm.
Thập niên 50 là thời kỳ chủ nghĩa chống cộng McCarthy hoành hành, họ đều bị chính quyền Mỹ điều tra. Nhà trường phải mời luật sư bảo vệ nên họ mới không bị rắc rối. Nỗi căm giận và sợ hãi bộ máy nhà nước góp phần làm tăng tình trạng tinh thần thất thường của Nash, ông chỉ muốn đi khỏi nước Mỹ.
Ngoài ra Nash lại còn là một người đồng tính, từng có lần bị cảnh sát bắt về tội danh này và do đó ông bị công ty RAND cắt hợp đồng làm việc.
Ngày ấy đồng tính là một hiện tượng phạm pháp bị xã hội Anh, Mỹ lên án nặng nề, dư luận phổ biến cho rằng các điệp viên Xô Viết hay lợi dụng người đồng tính để lấy cắp bí mật quốc gia.
Một thí dụ: nhà toán học Anh nổi tiếng Alan Turing (1912-1954) tuy có công lao cực lớn trong kháng chiến chống phát xít Đức nhưng chỉ vì là người đồng tính mà bị chính phủ Anh buộc thôi việc tại Trung tâm giải mật mã và bị thiến bằng hóa chất, khiến ông xấu hổ phải tự tử.
Cô Alicia Lardé – Vợ Jr. John Forbes Nash |
Có thể hiểu Alicia khổ sở biết bao khi phải chịu đựng người chồng đã điên dại lại thêm có xu hướng đồng tính.
Tháng 4/1959 Nash bị đưa vào bệnh viện tâm thần khi Alicia đang lo sinh con đầu lòng.
Nghe tin này, các đồng nghiệp của Nash gọi điện thoại cho chuyên gia bệnh tâm thần giỏi nhất nước Mỹ, yêu cầu ông này “Vì lợi ích của đất nước, hãy dùng mọi cách điều trị để giúp giáo sư Nash trở lại con người sáng tạo như trước.” Họ còn lập một quỹ giúp Nash chữa bệnh, vận động các thành viên Hội Toán học Mỹ quyên góp tiền cho quỹ.
Sau gần hai tháng điều trị, Nash được ra viện. Do oán trách lãnh đạo trường MIT “nhốt” mình vào “nhà thương điên” và do hoang tưởng chỉ nghĩ đến “sự nghiệp vĩ đại trời trao” cho mình, Nash xin thôi việc ở trường MIT, rút tiền hưu trí, một mình sang châu Âu “làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình thế giới”.
Việc đầu tiên ông làm là đến Sứ quán Mỹ ở Luxembourg tuyên bố từ bỏ quốc tịch Mỹ, rồi tới Cơ quan tị nạn LHQ và cơ quan chính quyền Thụy Sĩ tại Geneva tự xưng là nạn dân của cả hai khối quân sự NATO và khối Warsaw, xin tị nạn chính trị với lý do trốn lính và muốn nghiên cứu toán học quốc phòng. Các cơ quan này đều nghĩ Nash là người điên, vì thế họ không chấp nhận yêu cầu của ông.
Nash liền vứt hộ chiếu rồi bỏ sang Leipzig thuộc CHDC Đức. Chẳng hiểu có phải vì nghĩ rằng nhà khoa học Mỹ này có giá trị khoa học gì chăng mà nhà nước cộng sản Đông Đức đã cho ông nhập cảnh dù không có hộ chiếu.
Thời gian Nash ở châu Âu, bà vợ thường nhận được những tấm bưu thiếp chồng gửi về, viết toàn những con số chẳng hiểu có ý nghĩa gì.
Năm 1960, Chính phủ Mỹ cử người sang châu Âu nhận Nash và đưa về Mỹ.
Sau khi trở lại Princeton, bệnh tình của Nash lúc nặng lúc nhẹ. Năm 1963, bà vợ hết chịu nổi đành đâm đơn xin ly dị, nhưng vẫn cho ông ở cùng nhà và vẫn chăm sóc ông. May mắn nữa là các đồng nghiệp đều tìm cách bố trí công việc cho Nash để ông có thu nhập chữa bệnh.
Ít lâu sau, do bệnh không khỏi, Nash về quê sống với mẹ. Năm 1969, mẹ mất, ông chỉ còn lại cô em ruột là người thân duy nhất, nhưng vì bận chăm nom chồng con mình nên bà này đành đưa ông anh vào bệnh viện tâm thần.
Phần tiếp theo: Quyết định đổi đời
Nguyễn Hải Hoành (Tạp chí Tia Sáng)