Sẽ đạt điểm cao nếu biết phân tích dạng đề

Ngày 3-7 tới, thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010. Sau đây là những chia sẻ từ các giảng viên về kinh nghiệm đạt điểm cao nhờ vào việc phân tích dạng đề thi.

Toán: Chọn câu dễ làm trước

Thí sinh (TS) làm bài theo nguyên tắc: chọn câu dễ trước. Theo kinh nghiệm trong đề thi những năm trước, các câu dễ là khảo sát hàm, phương trình lượng giác, tích phân, hình giải tích, số phức.

Theo cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT, lưu ý:

Ở phần chung: Câu 1: Việc khảo sát hàm số và vẽ đồ thị, cần lưu ý tính đúng đạo hàm. Câu 2: Để giải tốt bài toán phương trình lượng giác và bài toán liên quan đến phương trình, bất phương trình, hệ bất phương trình đại số, ngoài việc thuộc nhuần nhuyễn các công thức, cần nghĩ đến 2 phương pháp giải chủ yếu là đặt nhân tử chung và đặt ẩn phụ.

Câu 3: Với bài toán tích phân, TS thi khối D nên chú ý đến phương pháp tích phân từng phần, khối A và B phải chú ý thêm phương pháp đổi biến. Câu 4: Với bài toán hình học không gian, nếu không giải được bằng phương pháp hình học thuần túy thì nên tìm cách đưa hệ trục tọa độ vào để chuyển thành bài toán hình giải tích trong không gian. Câu 5: Bài toán bất đẳng thức, đây là câu khó nhất, nếu TS không thật sự tự tin để giải thì nên bỏ qua và sẽ quay lại nếu còn thời gian.

Ở phần riêng: Câu 6: Một bài toán hình học giải tích trong mặt phẳng và một bài toán hình học giải tích trong không gian, hai câu này không quá khó, nếu thuộc lý thuyết và biết vận dụng một cách thích hợp, TS có thể giải quyết được. Câu 7: Đề sẽ ra một trong các dạng bài toán số phức, tổ hợp xác suất, hệ mũ logarit, hàm phân thức hữu tỉ dạng bậc hai trên bậc nhất nên TS cần chú ý ôn kỹ.

Với môn Toán, thầy Phan Văn Danh (giảng viên khoa Toán, trường ĐH Sư phạm Huế) cũng có lời khuyên tương tự với các thí sinh về việc phân chia thời gian hợp lý để làm bài. Thầy Danh nhắc nhở các thí sinh:

“Môn Toán cũng nên áp dụng nguyên tắc dễ trước khó sau. Các em nên kẻ vào giấy nháp một bảng có hai cột: câu và thời gian tối đa. Trong cột đó các em sắp xếp lần lượt từ trên xuống dưới theo mức độ dễ/ khó. Câu các em cho là khó nhất để dưới cùng, thậm chí các em hoàn toàn không quan tâm tới câu này, để thời gian tập trung cho các câu còn lại vì mục tiêu của đa số các em không phải là đạt điểm 10 mà là được điểm tối đa trong khả năng của mình.

Thời gian làm bài có 180 phút, các em để dành 20 – 30 phút để soát lại bài”.

(Sưu tầm từ các báo điện tử)