Pháp: Dạy toán qua ngôn ngữ đời thường
Các em đang học toán thông qua tham gia trò chơi. Ảnh: I.T |
Các em đã chuẩn bị đồ dùng để học toán: giấy màu, keo để dán, khối hình vuông nhỏ như con cờ đầy màu sắc, bút màu, giấy, thước kẻ, y như chuẩn bị giờ học thủ công hay học vẽ, nặn tượng vậy. Và các em sẵn sàng chờ cô giáo dạy toán.
Học sinh lớp CP (tương đương lớp 1 ở Việt Nam) phải “biểu diễn các số 5, 6” bằng nhiều cách với các dụng cụ thủ công kể trên. Có em vạch 5 vạch, 6 vạch trên giấy; có em xếp hình ngũ giác, lục giác; có em gom thành hai nhóm 5, 6 quân cờ… Nói tóm lại “vật chất hóa” số lượng 5, 6 bằng những cách khác nhau.
Hai cô giáo Dominique và Isabelle của một trường tiểu học ở Pháp từ 3 năm nay đã từ bỏ các tài liệu giảng dạy toán theo lối truyền thống, nghĩa là “dạy khái niệm số trừu tượng bằng ngôn ngữ toán”, mà đã dạy khái niệm số bằng cách kết hợp với ngôn ngữ cuộc sống qua kênh “đọc, biết, thấy, nghe” (theo phương pháp của nhà nghiên cứu và sư phạm Stella Baruk).
Từ nhiều năm nay nhà giáo và nhà nghiên cứu Stella Baruk đã phát triển phương pháp “đặt nền móng một cách tinh tế trên ngôn ngữ và nghĩa”. Đó là thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa ngôn ngữ nói khi chúng ta nói “mười sáu” hay “bốn mươi lăm”. Và, ngôn ngữ số khi viết “16, 45”, xuất phát từ cái các em đã biết, đã nghe để dạy chúng những khái niệm toán học. Sau đó chỉ rõ cho các em thấy phép cộng, phép trừ thể hiện trong cuộc sống như thế nào. Ví dụ: một lớp gồm có hai bàn bốn em và năm bàn ba em được thể hiện trong ngôn ngữ toán học là: 2×4 + 5×3.
Nếu những vạch, chấm, gạch chéo… trên bảng nhỏ cầm tay có thể cụ thể hóa các số từ 1 đến 9 thì những số gồm có hai chữ số có thể thể hiện bằng mười ngón tay.
Cô giáo nói: “Các em chỉ ra cho cô năm mươi bảy”. Nhiều em nhanh nhảu: “Dễ quá!”. Các em đưa hai bàn tay lên, cụp vào rồi xòe ra năm lần các ngón tay để thể hiện năm mươi, rồi sau đó đưa bảy ngón tay ra.
“Bây giờ các em chỉ ra cho cô ba mươi ba bằng chữ số và bằng từ” (Cô nhấn mạnh khi nói hai lần từ “ba”). Một em ở cuối lớp lên tiếng: “Em biết rồi, số 3 đầu nghĩa là 30, còn số 3 sau là số 3 thực tế”. Vừa nói em vừa xòe ra cụp lại ba lần các ngón tay trên hai bàn tay, và sau đó đưa ba ngón tay ra. Rồi em viết: “Ba mươi ba viết là 33”. Như vậy là em đã hiểu được thực chất chữ số hàng chục và chữ số hàng đơn vị (điều này đối với các em rất khó quan niệm).
Cô giáo nói: “Phải dùng một ngôn ngữ phổ biến thích hợp để nói với các em. Chúng sẽ tiếp thu dễ dàng hơn là ngôn ngữ toán thuần túy (hàng đơn vị, hàng chục), quá trừu tượng đối với chúng, và cũng thông qua ngôn ngữ đó dễ dàng giải thích cho chúng chỗ mơ hồ, chỗ sai trong nhận thức khái niệm cơ bản…”. Cô nhớ lại: “Có em còn nhầm lẫn, khi làm phép cộng 23 với 5, em cho đáp số là 73 thay vì 28, vì em đặt chữ số 5 dưới chữ số 2 để cộng”.
Nhà giáo và nhà sư phạm Stella Baruk nói: “Bằng cách quan tâm ngay đến những nhầm lẫn cụ thể của các em, có thể giúp các em tiến bộ. Thay vì băn khoăn không biết các em đã nắm được kiến thức chưa, ta hãy hỏi các em tại sao em làm như vậy, em hiểu như thế nào mà làm như vậy. Từ đó có thể giúp các em hiểu cho đúng, làm cho đúng”.
Tóm lại giữa thầy và trò phải đối thoại thường xuyên thì tốt hơn là cứ cố nhét vào đầu các em những khái niệm toán học khô khan trừu tượng chỉ làm cho các em thêm bối rối, rồi tự ti, nản chí, càng ngày càng chán học môn toán. Ngôn ngữ hàng ngày quá phong phú, quá trong sáng, có thể chuyên chở khái niệm toán một cách tự nhiên.
Bằng ngôn ngữ đi từ cụ thể đến trừu tượng, rồi từ trừu tượng lại trở về cụ thể ở mức cao hơn, cứ thế các em tiếp thu rồi vận dụng kiến thức toán. Quy luật nhận thức của con người cũng tuân theo cái logic đó.
Phan Thanh Quang
(Theo Thế giới Giáo dục)