Nói ít, làm nhiều hơn

Bao nhiêu thất bại cay đắng của chúng ta  trong nhiều việc, đặc biệt là trongviệc đào tạo toán học ứng dụng và ứng dụng toán học, bỏ lỡ nhiều cơ hội vươn lên,  sa sút dần mà vẫn bình chân như vại, rồi đổ hết lỗi cho khó khăn khách quan và cho người làm toán, theo tôi đều có một nguyên nhân quan trọng: thích nói những chuyện to tát, thích đưa ra những mục tiêu xa vời, mà lời nói không đi với việc làm; thích bàn chiến lược này nọ, mà không thích, không quan tâm chính sách và thực hiện chính sách.
Vì vậy, mong rằng trong Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán  học đến năm 2020, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm, nói ít, làm nhiều hơn.

Tôi hết sức ủng hộ chủ trương hồi sinh và phát triển toán học trong mươi năm tới và đánh giá cao bản dự thảo công phu Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học đến năm 2020. Bản dự thảo này có nhiều ý tưởng mạnh dạn và hoàn toàn khả thi nếu thật sự có quyết tâm chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất muốn thông qua việc phát triển một ngành khoa học cụ thể để rút kinh nghiệm chấn hưng khoa học và giáo dục sau nhiều năm buông lơi để hai lĩnh vực này sa sút một cách thảm hại.
Nhớ lại cách đây hơn 40 năm, tôi được Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước (KHKTNN) giao nhiệm vụ soạn thảo phương hướng phát triển toán học trong vòng 20 năm kể từ 1968. Hồi đó mỗi ngành KHTN và KHKT đều được giao nhiệm vụ  xây dựng phương hướng phát triển, nhưng bản dự thảo của ngành Toán được Ủy ban KHKTNN đánh giá tốt nhất nên tôi được mời trực tiếp báo cáo bản dự thảo trong một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ chỉ vài ngày sau khi mở đầu cuộc tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân ở miền Nam.
Trong giờ phút trọng đại của đất nước khi ấy, tưởng được Chính phủ chỉ nghe qua một cách hình thức cũng đã là một sự động viên lớn, nhưng thật cảm động và khích lệ, buổi họp hoàn toàn không có tính hình thức. Hội đồng Chính phủ và đặc biệt Thủ tướng Phạm Văn Đồng chăm chú lắng nghe, đặt nhiều câu hỏi và góp nhiều ý kiến.
Trước đó bản dự thảo đã được bàn bạc khá kỹ trong Ban Toán với sự tham gia tích cực của hai anh Lê Văn Thiêm và Tạ Quang Bửu. Vả lại, năm 1967 tôi đã được cử đi trong đoàn đại biểu KHKT VN do anh Trần Đại Nghĩa dẫn đầu sang Liên Xô tham khảo ý kiến của bạn về sự phát triển KHKT ở VN. Trong chuyến đi này tôi đã được trực tiếp và nghe lời khuyên bảo tận tình của những nhà toán học chẳng những hàng đầu của Liên Xô cũ mà của cả thế giới lúc đó: Pontriaghin, Shafarevich, Vinogradov,…
Bản phương hướng tuy vậy khá ngắn gọn, tất cả chỉ mươi trang đánh máy. Mấy điểm chính là:
1) Về nội dung. Nêu ra 5 hướng toán học cần tập trung xây dựng: Toán học tính toán, tối ưu và điều khiển, giải tích và phương trình, xác suất và thống kê, một số hướng chọn lọc về đại số, hình học, topo. Trong một thời gian dài toán học Việt Nam vẫn kiên trì các phương hướng đó, tuy thành công không đều và đặc biệt về xác suất và thống kê thì yếu hơn cả. Về mối quan hệ giữa lý thuyết và ứng dụng, tuy có lúc tranh cãi gay gắt, nhưng cuối cùng vẫn giữ vững được sự cân đối cần thiết và hợp lý. Thể theo lời khuyên của Pontriaghin và Vinogradov, chúng tôi vẫn quan niệm phải vững về lý thuyết thì đi vào ứng dụng mới có kết quả thật sự (Pontriaghin trước khi phát minh ra nguyên lý cực đại, hồi ấy là đỉnh cao của toán ứng dụng, đã là một nhà topo hàng đầu của thế giới, cũng như Kantorovich, trước khi đi vào toán kinh tế và nhận giải Nobel Kinh tế đã là một chuyên gia kiệt xuất về giải tích hàm).
2) Về tổ chức. Thành lập Viện Toán học, củng cố Hội Toán, bất kể khó khăn nào cũng duy trì bằng được và phát triển các tạp chí Acta, Toán học. Thành lập phòng máy tính rồi Viện Tính Toán và Điều khiển, Viện Toán kinh tế, Viện Hệ thống ứng dụng. Như chúng ta biết, Viện Toán thì thành công, nhưng Viện Toán kinh tế và Viện Hệ thống ứng dụng thì thất bại hoàn toàn do những nguyên nhân bên ngoài toán học và bên ngoài khoa học.
3) Về đào tạo nhân tài. Phát triển các lớp chuyên toán, tham gia Olympic Toán Quốc tế (năm 1973 nhân một chuyến công tác ở Liên Xô tôi được bạn mời vào Chủ tịch đoàn hôm bế mạc và công bố giải thưởng của kỳ Olympic Toán Quốc tế năm đó ở Mạc Tư Khoa, nhân cơ hội đó đoàn CHDC Đức đồng ý thu xếp tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia kỳ Olympic năm sau ở Berlin bằng cách hứa hẹn tài trợ cho cả vé máy bay đi về cho Việt Nam); tranh thủ gửi cán bộ đã có bằng PTS đi bổ túc nghiên cứu ở Liên Xô và cả Pháp, Nhật để đào tạo thành những nhà toán học thành thạo (established mathematicians).
4) Phát triển quan hệ quốc tế. Tham gia Hội Toán học Thế giới (Việt Nam tham gia sớm hơn Hàn Quốc); tham dự các đại hội Toán Quốc tế  từ 1966 trở đi, hồi ấy Đông Nam Á và Hàn Quốc hầu như chưa nước nào có mặt. Tranh thủ sự giúp đỡ hiệu quả của giới toán học quốc tế và Việt kiều: L.Schwartz, Grothendieck, Martineau, Krickeberg, Frédéric Phạm, Lê Dũng Tráng… Mặc dù khó khăn vẫn cố gắng tham gia các hoạt động, hội thảo quốc tế, Trung tâm Banach là tổ chức hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo toán học, do Ba Lan chủ trì. Nhờ đó, ngay trong thời kỳ 1975-1985, tuy kinh tế muôn phần khó khăn, toán học Việt Nam vẫn không mất liên hệ với thế giới bên ngoài (chỉ riêng việc duy trì tạp chí Acta và tạp chí Toán học đã hết sức khó khăn, ngay giấy trắng cỡ A4 để đánh máy bài gửi đăng trên quốc tế cũng không mua được trong nước, viện trưởng mỗi lượt đi công tác Liên Xô hay Đông Âu phải tranh thủ mang về 5-7 kg giấy trắng để dùng trong viện). Nhờ những cố gắng liên tục đó mà trong thời kỳ này riêng Viện Toán đã có 17 suất học bổng nghiên cứu Humboldt nổi tiếng, một loại học bổng nghiên cứu của CHLB Đức, có tính cạnh tranh quốc tế rất cao (cả nước Việt Nam và về tất cả các ngành hồi đó chỉ có hơn hai chục suất), và trong kỳ đại hội Toán thế giới ở Kyoto (Nhật) năm 1986  trong số các nhà toán học trẻ được Ban tổ chức mời và tài trợ chi phí, Việt Nam đã chiếm số đông, riêng Viện Toán đã có mười mấy suất.

Bao trùm lên tất cả, có một ý tưởng then chốt được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặc biệt tâm đắc là: Cố gắng sau hai mươi năm ngoi lên vị trí quốc tế trong một vài hướng và dựa vào đó lôi kéo dần toàn bộ ngành toán hoc tiến lên. Bởi lẽ phải chứng minh sự tồn tại của toán học VN với thế giới, mà sự chứng minh đó phải thực hiện trước hết thông qua một số chuyên gia và một số công trình được sự thừa nhận quốc tế rộng rãi, giành được chỗ đứng vững chắc trong một số lĩnh vực, thì từ đó sự hợp tác quốc tế mới phát huy hết tác dụng và lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Mục tiêu này đã được hứa long trọng với Thủ tướng và  thực tế đã thực hiện được trong thời gian hứa hẹn. Ở đây cần hiểu rõ thế nào là sự công nhận quốc tế. Uy tín quốc tế trong một ngành khoa học không phải bằng khoa bảng đỗ đạt cao, chức vụ cao trong nước mình, mà trước hết từ những đóng góp khoa học được thừa nhận rộng rãi bởi các đồng nghiệp quốc tế, thể hiện không chỉ ở số lượng các công bố quốc tế mà chủ yếu ở chất lượng, ở sự được mời làm những báo cáo chính (plenary lecture, key lecture,…) ở các hội thảo lớn của chuyên ngành, ở sự tham gia hội đồng biên tập các tạp chí có uy tín, được mời thỉnh giảng ở các đại học có uy tín, v.v… Đó là một khái niệm rõ ràng, nhưng thời gian gần đây đã trở nên mập mờ qua những thảo luận về đại học đẳng cấp quốc tế.
Cũng nhân đây cần thấy sự tương đối của việc xếp thứ hạng. Ba mươi năm trước người ta đánh giá toán học Việt Nam khá hơn tất cả các nước trong khu vực, và trong Thế giới thứ ba chỉ thua kém Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, nhưng chỉ sau đó mươi năm, GS L. Schwartz, nhà toán học lớn thế kỷ 20 và từng giúp đỡ nhiều cho Việt Nam đã cảnh báo rằng tuy lúc ấy (khoảng những năm đầu 90) Việt Nam còn khá hơn các nước trong vùng về số chuyên gia  trình độ cao (vì thế Viện Toán của ta đã đươc công nhận là viện xuất sắc trong Thế giới thứ ba) nhưng đã bắt đầu thua kém nhiều nước về trình độ trung bình, mà điều này kéo dài sẽ đưa đến hậu quả là sẽ thua kém toàn diện, kể cả về số chuyên gia trình độ cao. Trường hợp rõ nhất là Hàn Quốc so với Việt Nam. Ba chục năm trước, trên thế giới người ta đã biết có một nền toán học Việt Nam, thậm chí có báo trên quốc tế đăng tin coi Việt Nam như một trong mấy trung tâm toán học mới nổi, nhưng không hề ai nghĩ có một nền toán học Hàn Quốc. Ngày nay thế trận đã thay đổi, về trình độ trung bình thể hiện ở số lượng công bố quốc tế, họ đã vượt ta quá xa, tuy rằng về cống hiến khoa học đối với toán học thế giới, họ còn đang phải kính nể chúng ta nhiều.
Bấy nhiêu thành công và thất bại đều là những bài học cho chúng ta khi xây dựng phương hướng phát triển toán học mươi năm tới (tôi không muốn nói “chiến lược” – một từ đã bị lạm dụng quá nhiều thời gian gần đây, theo tâm lý thùng rỗng muốn kêu to).

Thành công đạt được là nhờ đã có lúc có những nhà lãnh đạo tuyệt vời, ngay trong những giai đoạn vô cùng khó khăn của đất nước, vẫn không bỏ qua bất cứ tiềm năng nào, dù nhỏ, và vẫn sáng suốt nhìn xa trông rộng, không vì những  thành tích thiển cận mà lơ là lợi ích lâu dài và cơ bản. Xây dựng một ngành khoa học, đào tạo một chuyên gia lành nghề phải mất ít ra vài chục năm, nhưng để cho nó tụt dốc thì chỉ mấy năm là quá đủ. Bao nhiêu thất bại cay đắng của chúng ta  trong nhiều việc, đặc biệt là trong việc đào tạo toán học ứng dụng và ứng dụng toán học, bỏ lỡ nhiều cơ hội vươn lên, sa sút dần mà vẫn bình chân như vại, rồi đổ hết lỗi cho khó khăn khách quan và cho người làm toán, theo tôi đều có một nguyên nhân quan trọng: thích nói những chuyện to tát, thích đưa ra những mục tiêu xa vời, mà lời nói không đi với việc làm; thích bàn chiến lược này nọ, mà không thích, không quan tâm chính sách và thực hiện chính sách.
Và hết sức quan trọng là việc cạnh tranh quốc tế, phát triển, thu hút nhân tài. Hoàn cảnh đặc biệt phải có biện pháp đặc biệt (ví dụ trong khi chưa có điều kiện trả lương đàng hoàng cho mọi người thì hãy chọn ra mươi người giỏi nhất, đang sung sức, dưới 60 tuổi, có triển vọng nhất, tạo điều kiện đặc biệt cho họ làm việc không kém lắm so với ở nước ngoài, hết 3 năm chọn lại), làm như thế cho đến khi nào điều kiện làm việc trung bình đã được cải thiện rõ rệt. Hết sức tránh đầu óc tỉnh lẻ (provincialism) và tư duy tiểu nông.

( Hoàng Tụy – tia sáng)