GS Hoàng Tuỵ: Không. Sau chuyến đi đầy khó nhọc, khi đến nơi tôi mới biết rằng trường chỉ mới có những lớp dưới đại học. Do tôi đã học qua những lớp này, thay vì đi học tôi bắt đầu dạy ở trường trung học và tiếp tục tự nghiên cứu. Vào thời gian đó tôi gặp ông Lê Văn Thiêm.
Ông ấy là một trong những lý do chính để ông ra bắc?
Đúng vậy, ông là một thần tượng cho giới trẻ lúc đó, là người Việt Nam đầu tiên trở về nước với học vị tiến sĩ toán học của Pháp. Đầu tiên ông trở về vùng cực Nam miền Nam, năm 1949. Một vài tháng sau đó ông làm một chuyến trường chinh ra bắc để chuẩn bị thành lập trường đại học. Tất nhiên là ông lớn tuổi hơn tôi và là người xuất chúng. Vì vậy chính quyền Việt Minh cho ông một đội bảo vệ và cần vụ.
Giáo sư Nguyễn Thúc Hào, thầy dạy trung học của GS Hoàng Tuỵ.
|
Có phải việc đào tạo đại học được tiến hành tất cả ở Bắc miền Bắc không?
Không, như tôi đã nói ở trước, lúc này Nguyến Thúc Hào, một thầy giáo trung học của tôi, đang dạy những lớp nâng cấp ở một vùng giữa Hà Nội và Huế trong Liên khu tư. Ông Nguyễn Xiển cũng dạy các lớp như vậy ở vùng phía tây Hà Nội cho đến năm 1950, khi ông đồng ý tham gia cùng với ông Lê Văn Thiêm. Sau đấy, từ năm 1950 đến 1954 trung tâm chủ yếu của đào tạo đại học là vùng cực Bắc, chỉ cách biên giới Trung Quốc có vài cây số, nơi mà máy bay địch không dám bén mảng vì Pháp sợ dính dáng với họ.
Ông ở lại vùng biên giới suốt thời gian đó?
Không, có ba lần tôi rời nơi đó vì tôi phải dự các hội nghị của Bộ Giáo dục thảo luận về việc nâng cao chất lượng giáo dục trung học trong vùng giải phóng. Vì tôi có tiếng là giáo viên giỏi nên tôi phải viết nhiều báo cáo về vấn đề này. Các hội nghị này ở khá xa, hoặc ở phía Nam tỉnh Hà Tuyên hay ở phía Bắc tỉnh Bắc Thái. Chúng được tổ chức gần trụ sở chính quyền Việt Minh. Nhưng chúng tôi không bao giờ biết được địa điểm chính xác. Chúng tôi chỉ được báo địa chỉ một nơi cần đến, sau đó giao liên dẫn chúng tôi đi một quãng đường lòng vòng để đến Bộ Giáo dục mà nơi này cũng thay đổi thường xuyên. Chúng tôi đi bằng xe đạp đã được bỏ bớt một số bộ phận để đẩy xe lên dốc dễ hơn. Chúng tôi thậm chí còn bỏ cả phanh. Khi xuống dốc, chúng tôi dùng que chèn nan hoa để giảm tốc độ. Bằng cách này, chúng tôi đi được 100-200 km để đến dự hội nghị chỉ trong vòng 2-3 ngày.
Học toán ở phía Bắc liệu có ích lợi gì hơn so với ở quê ông không?
Ồ, có chứ. Ngoài sự hiện diện của ông Lê Văn Thiêm, ở đó còn có nhiều sách tốt hơn. Trước đó tôi chỉ được đọc những cuốn sách Pháp cũ, của Vesiot-Montel, Papellier, Goursat… Giờ tôi có thể mua sách Nga mới hơn ở các cửa hàng sách trong vùng tự do.
Ông biết tiếng Nga trước đó?
GS Lê Văn Thiêm, “một thần tượng cho giới trẻ lúc đó, là người Việt Nam đầu tiên trở về nước với học vị tiến sĩ toán học của Pháp”.
|
Không, tôi phải tự học. Tôi tìm được một cuốn sách rất cũ tên là Học tiếng Nga trong 3 tháng, chủ yếu dành cho doanh nhân, mà nhờ nó tôi học được các quy tắc ngữ pháp và một ít từ. Rồi tôi bắt tay ngay lập tức vào việc đọc cuốn Lý thuyết hàm thực một biến của I.P. Natanson. Một hai trang đầu tôi hầu như phải tra từng từ một, sau đó tôi tra ít dần, ít dần cho đến khi tôi có thể đọc thành thạo.
Natanson là cuốn sách Nga đầu tiên tôi đọc. Tôi phải nói rằng đó là một cuốn sách tuyệt vời. Tôi say sưa với lý thuyết độ đo, tích phân Lebesgue integration, và nhiều thứ khác. Cuốn sách đã có ảnh hưởng rất lớn tới chuyên ngành toán học ban đầu của tôi.
Ông thu xếp việc học hành thế nào?
Từ năm 1951 đến 1955 tôi theo đúng chương trình toán đại học của Liên Xô, tự đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách khác. Năm 1955, Hà Nội được giải phóng và trường đại học lại mở. Ông Lê Văn Thiêm trở thành Hiệu trưởng. Tháng 9 năm đó tôi bắt đầu giảng dạy tại trường Đại học Hà Nội.
Khi đó tôi nổi tiếng là một trong những giáo viên trung học giỏi nhất ở vùng tự do. Ngoài ra tôi đọc rất nhiều về giáo dục trung học ở các nước, đặc biệt là ở Liên Xô. Vậy nên năm 1955, tôi được chính quyền mới bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban cải cách giáo dục trung học, mặc dù lúc đó tôi mới 27 tuổi và các thành viên khác trong ủy ban lớn tuổi hơn tôi nhiều.
Hai năm sau, vào tháng 9 năm 1957 tôi đến Matxcơva học tiếp.
Ông đi sang Matxcơva như thế nào? Đây là lần đầu tiên ông rời Việt Nam?
Đúng vậy, đấy là chuyến đi đầu tiên của tôi ra nước ngoài. Đi tàu hỏa hai tuần, xuyên qua Trung Quốc.
Khi đó có nhiều sinh viên Việt Nam học ở Matxcơva không?
Không, chỉ có khoảng 100 sinh viên. Tôi là một trong 9 hay 10 nghiên cứu sinh gì đó.
Ông theo học chương trình tiến sĩ hệ chính quy?
Không, lúc đầu tôi được sang một năm để làm thực tập sinh ở Khoa toán cơ Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva. Tôi chọn môn giải tích thực và được phân hai giáo viên hướng dẫn là D.E.Meshov và G.E. Shilov.
Tôi nghĩ rằng khi gặp tôi hai người đều nghi ngờ trình độ của tôi. Hai ông hỏi tôi hàng loạt câu hỏi, một số tôi có thể trả lời ngay, một số thì quá khó. Tôi nhớ một trong những câu hỏi khó như sau: Cho một tập A [1,0] có độ đo Lebesgue dương. Chứng minh rằng tập {x+y| x,y A} chứa một đoạn thẳng. Shilov cho tôi một tuần để tìm lời giải và tôi may mắn đã làm được. Sau đó tôi mới biết rằng đây là một mệnh đề trong một bài báo mới của ông. Chứng minh của tôi khác của Shilov. Ông rõ ràng có ấn tượng tốt và sau đó tin tưởng khả năng tôi. Năm đó ông mời tôi đến nhà nhân dịp giao thừa, ngày lễ gia đình lớn nhất ở Liên Xô.
Việc học của ông tiến triển thế nào?
Sau một năm tôi viết xong luận văn tiến sĩ về giải tích thực dưới sự hướng dẫn của Menshov. Đáng nhẽ tôi phải quay trở về Việt Nam sau một năm thì tôi lại được phép ở lại thêm một vài tháng để hoàn thành các thủ tục, trước hết là để chuyển từ chương trình thực tập sinh lên chương trình nghiên cứu sinh, rồi sau đó là công bố các kết quả nghiên cứu của mình và bảo vệ luận án. Tôi nhận học vị của mình tháng 4 năm 1959.
Ông thấy Matxcơva như thế nào? Ông có gặp trở ngại gì không khi chuyển sang một thế giới hoàn toàn khác với Hà Nội?
Trong một vài tuần đầu khi mới sang Matxcơva tôi rất phấn khởi. Tôi đã được nghe rất nhiều về Liên Xô, về tên tuổi những nhà toán học như Kolmogorov, Alekxandrov, Pontryagin. Tôi nhớ là mình rất ấn tượng về tòa nhà trung tâm uy nghi của trường Đại học Tổng hợp Matxcơva trên đồi Lênin.
Nhưng một thời gian sau tôi bắt đầu nhớ ví dụ như món ăn Việt Nam. Hơn thế nữa, khi tôi rời Việt Nam thì vợ tôi đang có mang đứa con đầu lòng, và một tháng sau khi tôi đến Matxcơva thì tôi nhận được điện báo tin sinh con trai. Điều đó làm tôi thực sự nhớ nhà.
Đấy là thời kỳ xa vợ lâu đầu tiên của ông?
Không, chúng tôi gặp nhau khi tôi còn ở miền Nam. Cô ấy đang là học sinh, sắp trở thành giáo viên, còn tôi đã là giáo viên. Năm 1951 chúng tôi mới đính hôn. Lòng thán phục Lê Văn Thiêm lớn đến mức tôi quyết định xa người vợ sắp cưới để đi ra Bắc. Khi đó việc thư từ rất khó khăn – phải mất cả năm để nhận và trả lời thư từ miền Nam. Sau đó năm 1957, sự tôn sùng toán học Liên Xô lớn đến mức một lần nữa tôi lại xa cô ấy thêm 20 tháng.
Sau khi nhận học vị tiến sĩ ở Matxcơva, ông có quay trở về Hà Nội không?
Có, tôi trở thành Chủ nhiệm khoa Toán Đại học tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1959 tôi luôn sống ở Hà Nội, trừ những chuyến đi nước ngoài.
Mối quan tâm đến toán học của ông có thay đổi sau khi trở về Hà Nội không?
Các Giáo sư: Nguyễn Văn Đạo, Lê Văn Thiêm,Hoàng Tụy tại Bảo tàng Tự nhiên New York (Mỹ) năm 1980.
|
Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình trong giải tích thực và đã công bố 5 bài báo về lĩnh vực này trong các tạp chí của Liên Xô. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng lĩnh vực đó không thật hữu ích cho đất nước mình. Tất nhiên, đấy là một lý thuyết đẹp nhưng hơi lý thuyết quá và hơi xa thực tế (ít nhất điều này đúng với thời điểm đó nhưng nay dường như đang thay đổi).
Năm 1961 tôi bắt đầu quan tâm nghiên cứu vận trù học. Năm 1962 tôi gửi bài báo đầu tiên về toán quy hoạch cho Kantorovich và ngay năm đó đến thăm ông ấy ở Nôvôsibia một vài tuần.
Đấy là lúc vận trù học được đưa vào Việt Nam lần đầu tiên phải không?
Đúng, năm 1961 tôi nghe nói các nhà toán học Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực này. Ngay cả nhà lý thuyết số, đại số và lý thuyết hàm nổi tiếng Hua Lo keng cũng tích cực quảng bá ngành này. Thế nên khi ông Tạ Quang Bửu, Bộ truởng Bộ Đại học khi đó và cũng là một nhà toán học, đi thăm Trung Quốc, tôi đề nghị ông tìm kiếm thông tin về ứng dụng vận trù học. Khi ông trở về, tôi bắt tay ngay vào làm việc thực sự theo hướng này.
Ông đã đến Trung Quốc chưa?
Chuyến đi Trung Quốc đầu tiên của tôi (không tính những lần quá cảnh bằng tàu hỏa khi đi Matxcơva) là vào năm 1963, khi tôi được mời đi báo cáo một tháng tại Viện Toán học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, tại Khoa toán trường Đại học tổng hợp Bắc kinh và nhiều trường đại học khác. Tôi sang lại Trung Quốc năm 1964, ở đó 3 tuần. Trong những chuyến đi đó tôi đã gặp những nhà toán học xuất sắc như Hua Lo keng, Vu Tsin Muo, Cheng Minde, Gu Chaohao, Hu Guoding và một người phụ nữ trẻ tên là Gui Xiang Yun, người sau này đóng một vai trò nổi bật trong ngành vận trù học của Trung Quốc. (Lần đầu tiên tôi gặp Gu Chaohao và Hu Guoding là ở Matxcơva). Thế nhưng tôi đã mất toàn bộ liên lạc với họ trong cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc.
Lúc đó, năm 1964, chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam đang căng thẳng. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới đời sống toán học ở Hà Nội?
Tháng 5 năm 1965, để tránh những cuộc ném bom, trường Đại học Tổng hợp được sơ tán lên miền núi cách Hà Nội khoảng 170 km về phía tây bắc, gần thành phố Thái nguyên. Khi đó tôi là Chủ nhiệm khoa Toán Lý. Chúng tôi có khoảng 250 sinh viên toán.
Cuộc sống nơi sơ tán như thế nào? Có đói không, có bệnh sốt rét và các bệnh nhiệt đới khác không?
Không có bệnh sốt rét. Bệnh này đã bị thanh toán ở miền Bắc Việt Nam nhờ các chiến dịch chống sốt rét những năm 1955-1959.
Điều này đáng ngạc nhiên bởi vì bây giờ Việt Nam chắc chắn vẫn được liệt vào những nước có dịch sốt rét.
Đáng tiếc là đúng vậy, dịch lại tái phát. Ở Việt Nam là do sự thống nhất với miền Nam năm 1975. Dòng người đi lại giữa miền Bắc và miền Nam đã làm lan truyền bệnh. Chúng ta biết rằng bệnh sốt rét chưa được diệt trừ ở miền Nam. Năm 1974, Bộ trưởng Y tế của miền Bắc Việt Nam đã đến các vùng tự do ở miền Nam để nghiên cứu bệnh sốt rét ở đó một cách hệ thống. Bản thân ông đã mắc bệnh sau đó và qua đời.
Thế còn các bệnh nhiệt đới khác trong vùng rừng gần Thái Nguyên?
Các bệnh này thông thường không đe dọa cuộc sống như bệnh sốt rét. Mặc dù điều kiện nơi sơ tán thật nghèo nàn nhưng những bệnh này không phổ biến. Dĩ nhiên là chúng tôi phải đề phòng như nấu kỹ thức ăn. Quả thực là rất ít học sinh nghỉ học vì bệnh.
Nơi chúng tôi ở thực phẩm cũng không phải là vấn đề. Thế nhưng cuộc sống rất gian khổ. Gia đình bị ly tán. Vợ tôi phải đi theo trường nơi cô ấy dạy học. Trường này sơ tán cách Hà Nội 30 km về phía đông nam, hướng ngược lại với trường Đại học Tổng hợp của tôi. Tất cả ba đứa con của chúng tôi đều đi theo vợ tôi vì chúng có thể đi học ở vùng đó.
Mối nguy hiểm chính là những cuộc ném bom. Máy bay Mỹ có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Các lớp học của chúng tôi được dựng bằng tre ở xa nhau, ẩn dưới những tán cây. Hầm trú ẩn đào ngay bên cạnh bàn học dưới chân chúng tôi để chúng tôi có thể nhảy xuống ngay lập tức.
Trường đại học trong rừng có bị trúng bom không?
Không, nhưng có vài quả bom được ném xuống rất gần. Có lần một phi công Mỹ đã bị bắt ở ngay gần chỗ chúng tôi.
Khoảng thời gian này ông có làm toán được không?
Có, tinh thần chúng tôi rất cao nên chúng tôi tổ chức seminar thường xuyên suốt thời kỳ này. Hội Toán học do ông Lê Văn Thiêm sáng lập năm 1965 (tôi là tổng thư ký) tổ chức các seminar chung về tối ưu, xác suất, giải tích hàm, đại số
giải tích số. Tham gia có người của Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm và Đại học Bách khoa (Viện Toán học mãi đến năm 1970 mới thành lập). Do ba trường sơ tán ở ba phía khác nhau của Hà Nội nên chúng tôi tổ chức seminar ở Hà Nội. Chúng tôi gặp nhau hai lần một tháng. Tôi phải nói rằng mọi người rất nhiệt tình tham gia. Nhiều người chúng tôi nhân cơ hội đó về thăm gia đình. Do vợ tôi cùng các con sơ tán ở hướng ngược lại nên rất tiện cho tôi đi thăm họ sau khi dự seminar ở Hà Nội.
Đó là thời điểm nhà toán học Pháp nổi tiếng Alexandre Grothendieck thăm Việt Nam phải không?
Đúng, ông đến thăm vào tháng 11 năm 1967. Trong vài ngày đầu, chúng tôi tổ chức cho ông giảng bài ở Hà Nội. Nhưng có hôm tên lửa bắn vào cách giảng đường chỉ khoảng 100-200 mét. Thế là Bộ trưởng Bộ Đại học Tạ Quang Bửu ra lệnh cho chúng tôi phải sơ tán. Tôi nhớ là Grothendieck vui thích khi biết tin chúng tôi sẽ đi sơ tán và coi tình huống bất bình thường đó như một cuộc phiêu lưu.
Thế rồi Grothendieck tiếp tục giảng bài trong rừng ở Thái Nguyên?
Đúng vậy. Ông giảng một giáo trình ngắn về lý thuyết phạm trù, đại số đồng điều, và hình học đại số với Đoàn Quỳnh là người phiên dịch chính từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Grothendieck giảng 4 tiếng buổi sáng, và sau đó thảo luận toàn bộ buổi chiều. Thế mà ông vẫn kêu là chưa làm việc hết công suất. Ông là người ăn chay nghiêm ngặt và thứ hai nào cũng nhịn ăn.
Trường đại học ở trong rừng bao lâu?
Trường đi sơ tán 4 năm, mở lại ở Hà Nội tháng 9 năm 1969. Sau đấy, vào năm 1972-1973 lại có một đợt sơ tán nữa, lần này ở một địa điểm khác gần Hà Nội hơn. Khi đó tôi không còn làm việc ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nữa.
(Xem tiếp kỳ sau) (theo tiasanng post thaydo.idn.vn)