(Tiếp theo)
Koblitz: Thưa GS, ông rời trường đại học khi nào?
GS Hoàng Tụy: Vào giữa năm 1968 tôi được mời làm Trưởng ban Toán mới được thành lập ở Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước.
Có phải đó là lúc Viện Toán học được thành lập?
Đúng vậy, ngay sau đó. Viện được quyết định thành lập năm 1969, và bắt đầu hoạt động vào năm 1970 dưới sự lãnh đạo của ông Lê Văn Thiêm. Vào lúc đó viện chỉ có 20 cán bộ và nằm trong tòa nhà của Ủy ban.
Viện Toán cũng đi sơ tán khi bị đánh bom?
Vâng đúng thế, trong khoảng thời gian gần một năm bắt đầu từ giữa năm 1972 chúng tôi bố trí viện ở một chỗ cách Hà Nội khoảng 50-60 km. Nhưng trong thời gian này tôi chỉ ở nơi đó tổng cộng có 1 ngày vì tôi muốn sống ở Hà Nội. Tôi rất lo cho những cuốn sách của tôi. Khi đó căn hộ của tôi bị mối xông nên tôi thấy tôi cần phải lưu tâm bảo vệ sách của tôi.
Vậy là ông vẫn ở Hà Nội ngay cả trong đợt ném bom dịp giáng sinh năm 1972?
Chỉ đến ngày thứ năm. Lúc đầu chỉ có vùng ngoại ô bị đánh bom. Sáng ngày thứ tư thì bom đánh đến trung tâm thành phố: nhà ga xe lửa, bệnh viện Bạch Mai bị trúng bom. Sau đó có lệnh tất cả nhân dân phải rời khỏi thành phố. Thế là tôi đến chỗ vợ tôi đang sơ tán cùng với trường của cô ấy.
Trên đường rời Hà Nội, rất may là tôi nhìn thấy vợ tôi đang đi hướng ngược lại. Cô ấy rất lo lắng về chuyện ném bom và đang về Hà Nội tìm tôi, mặc dù có lệnh đi sơ tán. Vì vậy thật là rất may mắn mà chúng tôi nhìn thấy nhau trên đường đi.
Ngay sau đó tôi nghe đài báo tin ngừng ném bom dịp giáng sinh. Thế là chúng tôi quay về nhà và ở lại đó đêm 25 tháng 12. Sáng sớm ngày 26 chúng tôi rời Hà Nội. Cùng ngày đó phố Khâm thiên bị trúng bom. Rất nhiều người không kịp đi sơ tán đã bị chết. Sau đấy chúng tôi biết tin quán phở mà chúng tôi ăn sáng sớm hôm đó ở đấy đã bị thiêu hủy chỉ vài giờ sau đó.
Có phải mọi người quay trở về Hà Nội ngay sau khi Hiệp định hòa bình được ký kết ngày 27/1/1973 không?
Không, tôi quay về chỉ một vài ngày sau khi ký Hiệp định, nhưng tôi chỉ về một mình. Tôi cần thời gian chuẩn bị cho gia đình trở về sau. Tình cảnh ở Hà Nội rất xấu, và cần có thời gian. Chúng tôi cần một thời kỳ để mọi người quay về dần dần. Hai ba tháng sau Viện Toán mới trở về Hà Nội.
Khi nào thì Viện Toán chuyển đến chỗ hiện nay, trong khuôn viên Viện KH&CN Việt Nam?
Năm 1982. Trước đó, từ 1975-1982 Viện đóng ở một khu chật hẹp trên đường Đội Cấn rất đơn sơ. Đích thân thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thu xếp việc xây dựng một ngôi nhà cho Viện Toán ở Viện KH&CN Việt Nam.
Mối quan tâm cá nhân của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Viện Toán như thế nào? Lần đầu tiên ông gặp Thủ tướng là khi nào?
Tôi biết sơ qua về Thủ tướng từ những năm 40, khi ông nhiều lần đến thăm trường học của tôi ở Quảng ngãi. Ông là đại diện của chính quyền trung ương Việt Nam ở liên khu năm và liên khu sáu. Sau năm 1960 tôi quen ông hơn. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, ông đến Matxcơva và có đi thăm viện của Kantorovich (ông này đã chuyển từ Novosibia đến Matxcơva). Kantorovich tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng cuốn sách của mình về các phương pháp tối ưu trong kinh tế. Khi về Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu tôi đọc và báo cáo về cuốn sách.
Thời điểm đó rất thuận lợi với tôi. Một số đồng nghiệp Pháp biết tôi nằm trong ban chương trình của một hội nghị được tổ chức ở Budapest vào tháng 8 năm 1976 đã nhân dịp đó mời tôi sang Pháp. Thế nhưng tôi chỉ nhận được giấy mời trước có một tháng, và thời kỳ đó có rất nhiều trở ngại hành chính đối với việc làm thủ tục đi nước ngoài, nhất là sang phương Tây.
Ông có thể cho biết nguyên do tại sao?
Dĩ nhiên là có những khó khăn về tài chính khi sang phương Tây. Ngay cả khi bên mời trả tiền cho tất cả chi phí đi lại và ăn ở thì cũng vẫn cứ khó. Trong chiến tranh và trong những năm ngay sau khi kết thúc chiến tranh thì phương Tây bị coi như rất xa lạ và nguy hiểm. Quan niệm đó may mắn đã thay đổi và ngày nay chúng tôi không gặp khó khăn gì khi xin phép cho nghiên cứu sinh và các nhà toán học đi sang phương Tây nếu như bên mời chịu các khoản chi phí cho chuyến đi.
Thế Ông thu xếp việc đi Pháp năm 1976 như thế nào?
Đấy là lúc tôi đến gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng để báo cáo về cuốn sách của Kantorovich. Sau khi báo cáo xong, tôi trình bày với Thủ tướng về lời mời đi Pháp và hỏi tôi có thể đi được không. Ông trả lời “Được, không có vấn đề gì”, và với sự ủng hộ của Thủ tướng tôi đã làm xong mọi thủ tục chỉ trong có một tuần, một thời gian kỷ lục. Chuyến đi Pháp năm 1976 là chuyến đi đầu tiên của tôi sang một nước phương Tây. (Sau đó tôi đi Canada dự hội nghị Montreal về toán quy hoạch năm 1979 và năm 1981 tôi sang Mỹ lần đầu).
GS.Hoàng Tụy và GS.Kantorovich (nhà toán học đoạt giải Nobel kinh tế năm 1975) |
Tôi có thể nói rằng trong Chính phủ, ông Phạm Văn Đồng là người có ảnh hưởng và kiên định ủng hộ sự nghiệp phát triển toán học nhất. Năm 1980 ông đến thăm chúng tôi ở phố Đội Cấn. Khi nhìn thấy cơ sở chúng tôi nghèo nàn như thế nào – điều kiện làm việc của tất cả các viện đều xấu, nhưng của chúng tôi còn xấu hơn – Thủ tướng Phạm Văn Đồng hứa sẽ làm một việc gì đó để cải thiện tình hình. Sau này chúng tôi biết rằng ông đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng xây một cái nhà cho toán học càng sớm càng tốt. Ngôi nhà được xây dựng rất nhanh thời đó – chỉ trong một năm – và bây giờ nó là trụ sở của Viện Toán.
Ông đã từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Hai lần. Năm 1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đại học Hà Nội và dự một số lớp học. Sau khi xem tôi giảng bài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt tay tôi và hỏi một số câu. Lần thứ hai vào tháng 8 năm 1969, chỉ một tháng trước khi Người mất. Khi đó có vấn đề lớn về việc xếp hàng mua bia. Thực ra, nhìn chung ở cửa hàng nào cũng phải xếp hàng dài để mua khẩu phần gạo, quần áo và các thứ hàng khác bởi vì việc sản xuất chúng không đáp ứng được nhu cầu. Nhưng tại việc xếp hàng tại các quầy bia được quan tâm đặc biệt do thường xảy ra tranh chấp, kể cả đánh nhau làm mất trật tự công cộng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần có một cách tiếp cận khoa học nhằm làm giảm việc xếp hàng. Vì vậy Người đề nghị Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước xem xét việc này. Do không thể tăng sản lượng bia, nên vấn đề thuần túy nằm trong khâu tổ chức và do đó là một vấn đề điều khiển tối ưu. Vậy là tôi chủ trì nhóm nghiên cứu vấn đề này.
Lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi với Chính phủ bị lùi lại do Người ốm. Vài ngày sau tôi nhận được điện báo đến Văn phòng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi không biết tại sao tôi bị triệu tập, và tôi đoán rằng có thể muốn thỏa luận về Viện Toán học mới được thành lập. Tôi nhớ rằng xe của tôi đến nơi chậm, và khi tôi bước vào văn phòng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thấy nhiều thành viên cao cấp của chính phủ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng bảo tôi “Ồ, tôi thấy anh đến chậm. Nếu đó là cách anh làm vận trù học, thì chương trình này sẽ trở nên vô tích sự”. Tôi xin lỗi và được mời ngồi cạnh Thủ tướng. Chỉ lúc đó tôi mới thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh trong số những người ngồi quanh bàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó 79 tuổi. Chủ tịch tham dự cuộc thảo luận như thế nào?
Tôi thấy Người rất yếu, nhưng hoàn toàn minh mẫn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nhiều câu hỏi và không hài lòng với việc xếp hàng mua bia. Tôi nhớ câu đầu tiên Người hỏi tôi là “Cháu có thể tìm một từ đơn giản hơn vận trù không? Bản thân bác chưa bao giờ gặp từ này trong tiếng Việt”.
Ông đã nghĩ ra thuật ngữ đó?
Tôi dịch từ tiếng Trung. Anh phải biết rằng vận trù học là một ngành khoa học mới – nó được đưa vào Việt Nam năm 1961. Có một khoảng thời gian dài tôi không thể tìm thấy cho nó một từ hợp nghĩa trong tiếng Việt. Sau đấy tôi quyết định dựa theo từ mà các đồng nghiệp Trung Quốc sử dụng. Điều này hoàn toàn tự nhiên vì tiếng Trung đóng một vai trò quan trọng trong tiếng Việt gần giống như tiếng La Tinh trong tiếng Pháp và tiếng Anh.
Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh nghĩ rằng thuật ngữ tối nghĩa?
Vâng, Người muốn biết tại sao tôi lại chọn nó. Sau đó, khi tôi đến chào từ biệt, Người hỏi tôi có biết nguồn gốc từ đó không. Tôi không trả lời được, và Chủ tịch Hồ Chí Minh liền kể cho tôi nghe xuất xứ của từ đấy trong văn học Trung Hoa cổ điển. Nó được dùng trong một tác phầm nổi tiếng để mô tả một dạng nghệ thuật phức tạp nào đấy mà nghệ thuật này có lẽ giống với vận trù học. Chủ tịch Hồ Chí Minh thông thạo văn học Trung Hoa – Người còn làm thơ bằng tiếng Trung – và do đó Người có thể giảng cho tôi nguồn gốc từ vận trù mà tôi đem vào tiếng Việt.
Ngẫu nhiên là trong những năm 70 từ vận trù xuất hiện nhiều trong đời thường. Nó trở thành một từ mốt để nói về việc tìm một lời giải tối ưu cho bất kỳ một cái gì.
Ông có thường chịu trách nhiệm nghĩ ra các từ toán học mới trong tiếng Việt không ?
Tôi có tham gia việc này. Trong những năm 1959-1961, là một thành viên của Hội đồng từ ngữ khoa học, tôi đã giúp cho ra đời cuốn từ điển Việt Nam-Anh- Nga đầu tiên về từ ngữ khoa học mà nó có chứa những khái niệm toán học đương đại. Nhưng người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng các từ ngữ khoa học là nhà toán học Hoàng Xuân Hãn, người đã di cư sang Pháp sau khi Pháp chiếm Hà Nội và đã từng là một giáo viên trung học của GS.Lê Văn Thiêm. Ngoài việc là một nhà toán học, GS.Hoàng Xuân Hãn còn là một chuyên gia uyên bác văn học Việt Nam và văn học Trung Hoa. Ở Pháp, ông chuyển mối quan tâm nghiên cứu từ toán sang văn học. Ông ấy bắt đầu xây dựng từ ngữ khoa học từ đầu những năm 1940 cùng với các GS.Nguyễn Xiển và GS.Nguyễn Thúc Hào.
Quay trở lại câu chuyện dùng vận trù học để làm giảm việc xếp hàng mua bia, Hội đồng của ông có làm được điều gì không ?
Có, hai ba tháng sau đấy chúng tôi đề xuất một số kiến nghị cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Chủ tịch Hồ Chí Minh mất tháng 9 năm 1969). Những kiến nghị của chúng tôi đã được đưa vào thực tiễn và chúng đã góp phần cải thiện tình hình một vài năm sau đó. Nhưng các cuộc ném bom lại tiếp tục đã làm nảy sinh những trở ngại rất lớn về mặt tổ chức, và mọi thứ lại quay trở lại thời kỳ đầu.
Khi ông nói về mối quan hệ của ông với các nhà lãnh đạo và về tầm quan trọng của toán học đối với chính phủ Việt Nam ngay từ thời kỳ Việt Minh, người ta có cảm tưởng rằng toán học có một vị trí đặc biệt trong khoa học ở Việt Nam. Những nhà toán học nào đã đóng góp cho vị trí đó của toán học ở Việt Nam? Họ còn sống không?
Tháng 5 năm 1986 tôi tổ chức một hội nghị ở Hà Nội với sự tham gia của nhiều thế hệ các nhà toán học. Chúng tôi biết GS.Tạ Quang Bửu đang ốm nặng (ông ấy mất ba tháng sau đấy), và đây là dịp để tôn vinh ông và cũng để tập hợp lại lần cuối cùng tất cả các thế hệ toán học ở Việt Nam từ người trẻ nhất đến người già nhất.
Mặc dù GS.Tạ Quang Bửu không có một đóng góp nghiên cứu nào đáng kể trong toán học, ông có mối quan tâm và hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực toán và vật lý. Ông là Tổng thư ký đầu tiên của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, và ông là một Bộ trưởng Bộ Đại học xuất sắc. Ông ấy có quan hệ gần gũi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, và quan hệ của ông ấy với Laurent Schwartz đã phần nào làm nên mối quan hệ sớm sủa của toán học chúng tôi với Pháp.
Rất nhiều nhân vật quan trọng đối với sự phát triển toán học ở Việt Nam cũng có mặt: GS.Lê Văn Thiêm có một vai trò quyết định và là thần tượng của thế hệ tôi khi chúng tôi còn trẻ. GS.Nguyễn Thúc Hào, người đã dạy tôi khi ở cấp trung học, đã điều hành các lớp học đại học ở Liên khu tư và nhiều người khác nữa.
(Còn nữa)