Anh là người đầu tiên trên thế giới tìm ra toán “số học tổ hợp” – tạo ra một con đường mới cho nền toán học thế giới. Anh cũng là người đưa ra lời giải cho một loạt các bài toán lớn mà nhiều thập niên lại đây, không ai giải được. Nhưng có lẽ ít ai ngờ, vị giáo sư toán học hàng đầu thế giới lại có một tuổi thơ đầy nhọc nhằn trong những tháng năm đạn bom khói lửa ở quê hương Việt Nam.
Gia đình Vũ Hà Văn |
Giải bài toán “bí” nhiều thập niên
Một loạt các lý thuyết toán học của các nhà toán học lẫy lừng như Segre về đại số năm 1950; Shamir về đồ thị ngẫu nhiên năm 1980 và bài toán của hai nhà Nobel vật lý Wigner – Dyson năm 1950, 1960, trong hàng chục năm qua chưa có ai giải đáp nổi để đưa vào ứng dụng. Bài toán “bí” này chỉ chấm dứt khi vị GS toán học người Việt, Vũ Hà Văn – hiện đang giảng dạy ở Trường ĐH Tổng hợp Rutgers, Hoa Kỳ – tìm ra một loạt các định lý về xác suất tổ hợp, ma trận ngẫu nhiên, mật độ giá trị riêng của ma trận ngẫu nhiên.
Sau khi đưa ra các định lý để lý giải, vận dụng các lý thuyết toán của các nhà toán học trên, thì những bài toán vốn đang nằm “ngủ” hàng chục năm qua mới được đưa vào ứng dụng trong thực tế. Anh cũng chính là người “khai mở” nên số học tổ hợp (nằm trong toán tổ hợp), một loại hình toán mới trên thế giới.
Với loại hình toán học mới này, Vũ Hà Văn đã xuất bản một cuốn sách mang tên Additive combinatorics dày 570 trang do nhà xuất bản Đại học Cambridge ấn hành. Cuốn sách này anh viết chung với Terence Tao, một trong những nhà toán học hàng đầu của thế giới.
Nhờ những sáng tạo mở ra ngành toán học mới và tìm ra lời giải cho những bài toán “bí” suốt nhiều thập niên, Vũ Hà Văn được trao tặng giải thưởng George Polya. Tên tuổi và những đóng góp của anh được đặt bên cạnh những tên tuổi toán học lớn của thế giới. Thần đồng toán học thế giới L.Lovasz, hiện là chủ tịch Hội toán học thế giới cũng được trao giải thưởng này vào năm 1979.
GS Vũ Hà Văn cho biết: “Một số công trình phát triển và ứng dụng lý thuyết xác suất mà nhờ đó tôi được trao giải Polya là công trình mà qua đó để giải quyết một số bài toán tổ hợp. Phần lớn các công trình này được bắt nguồn từ luận án Tiến sĩ tôi viết tại Đại học Yale (1994-1998). Trong vòng 10 năm qua, các ý tưởng đã được đào sâu, tìm được nhiều ứng dụng và tôi cũng đã phát triển chúng thêm rất nhiều”.
Cuộc hội ngộ với thần đồng toán học L.Lovasz
Có lẽ, người có công đưa Vũ Hà Văn đến với thành công ấy, chính là thần đồng toán học L.Lovasz. Đến bây giờ anh vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh năm 1987, sau khi tốt nghiệp Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, Vũ Hà Văn lên đường sang Hungary học ngành điện tử tại ĐH Bách khoa Budapest. Trong cuộc thi toán Schweitrer Miklos dành cho sinh viên Hungary, bài luận của Vũ Hà Văn đã được Viện sĩ Hàn lâm, thần đồng toán học thế giới L.Lovasz nghe. Ngay sau đó, thần đồng toán học đã đích thân gửi thư tới Đại sứ quán Việt Nam tại Budapest và bày tỏ về khả năng toán học đặc biệt của Văn. Thần đồng toán học thế giới đã đề nghị Đại sứ quán cho sinh viên Vũ Hà Văn được tiếp tục quá trình học tập tại khoa Toán của Trường ĐH Tổng hợp Eotvos Lorand.
“Tôi rất mong muốn nhận được sự giúp đỡ để chúng ta có thể đào tạo tài năng này một cách tốt nhất”, giáo sư L.Lovasz nhấn mạnh trong lá thư gửi Đại sứ quán. Lá thư này đã tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời chàng sinh viên Vũ Hà Văn. Anh chuyển từ ngành Điện sang học ngành Toán.
Dưới sự giảng dạy trực tiếp của thần đồng toán học thế giới – GS L.Lovasz, chàng sinh viên Việt Nam Vũ Hà Văn đã sớm bộc lộ những sáng tạo xuất sắc trong ngành Toán và đạt được những thành tích đáng nể trong cuộc đời sinh viên.
Liên tục trong các năm 1991, 1992, 1993 anh đã đoạt giải thưởng trong các cuộc thi Schwritzer – là cuộc thi toán khó nhất cho sinh viên nhằm tìm những nhà nghiên cứu cho tương lai. Là sinh viên năm thứ 3, anh được cử đi dự hội nghị toán học trẻ quốc tế tổ chức tại Đại học Conell ở Hoa Kỳ. Tại hội nghị lớn này, anh đã được đọc bài luận và đăng bài trên tạp chí toán học thế giới. Sang năm học thứ tư, anh được cấp thêm một học bổng của các nước trong khối Cộng đồng châu Âu, sang Bỉ theo học chuyên đề một năm tại Trường đại học Gent.
Năm 1994, tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ, Vũ Hà Văn lại được nhận giải thưởng Renyi Kato của Hội toán học Hungary và được nhận làm luận án tiến sĩ. Với bảng thành tích dày đặc sau 5 năm được thần đồng toán học thế giới giảng dạy, khi tốt nghiệp đại học tại Hungary, có tới 3 trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ đã đồng ý triệu tập Vũ Hà Văn sang học tiến sĩ.
Cuối cùng, mùa hè năm 1994, Vũ Hà Văn đã quyết định sang Hoa Kỳ học tiến sĩ ngành toán tại ĐH Yale, là ngôi trường cổ có ngành toán tốt nhất Hoa Kỳ, dưới sự hướng dẫn của GS Lovasz. Hiện anh đang giảng dạy tại ĐH Tổng hợp Rutgers, New Jersey – ngôi trường có bộ môn toán tổ hợp mà anh theo đuổi. Vũ Hà Văn còn được mời làm Chủ nhiệm chương trình “Số học tổ hợp” của IAS.
Cuộc sống gia đình bình dị
Nhìn cuộc sống đầy đủ, tên tuổi vang dội của GS Vũ Hà Văn bây giờ thì ít ai ngờ, anh cũng từng trải qua tuổi thơ đầy nhọc nhằn trong những năm tháng quê hương Việt Nam còn khó khăn. Đó là những năm tháng mà cha Vũ Hà Văn, nhà thơ Vũ Quần Phương gọi là: “Sống cho qua kỳ đói, khỏi kỳ loạn và chỉ nghĩ làm sao để gia đình được cơm no áo ấm, chứ không dám mơ tới cơm ngon áo đẹp”.
Vũ Hà Văn sinh năm 1970, đúng những năm tháng chiến tranh, khói lửa, nên cuộc sống vô cùng vất vả. Cho đến khi thi đỗ điểm rất cao vào khoa Điện tử – Tin học của ĐH Bách khoa Hà Nội, được tiêu chuẩn theo học ở nước ngoài và sang Hungary học, anh vẫn sống trong sự túng thiếu.
Một lần, anh đã phải thốt lên với cha: “Trong đời làm sinh viên của con, con chưa bao giờ được mua đồ mới để dùng cả”. Tất cả các đồ dùng cần thiết cho cuộc sống như quần áo, sách vở, radio… Văn đều phải mua lại của những sinh viên tốt nghiệp về nước với giá chỉ bằng 20 – 30% so với đồ mới. Nhưng tất cả những nhọc nhằn của tuổi thơ, của chàng sinh viên xa nhà nơi đất khách cũng không quật ngã được ý chí mạnh mẽ trong Vũ Hà Văn. “Những năm Văn học ở Hungary thiếu thốn lắm, học bổng chỉ đủ ăn thế mà sau 3 năm học đầu, Văn vẫn tiết kiệm được 100 USD mang về cho bố mẹ. Khi cầm đồng tiền ấy, tôi thực sự rất xúc động và thương con”, nhà thơ Vũ Quần Phương kể.
Những thành công lớn trên thế giới của Vũ Hà Văn sau này dường như không chỉ là những trái ngọt nơi đầu cành ở chốn đất khách quê người, mà nó đã được ươm mầm từ những năm tháng thơ ấu. Lớn lên trong khốn khó, nhọc nhằn về kinh tế nhưng Vũ Hà Văn lại được hưởng một môi trường giáo dục gia đình tình cảm và luôn đặt sự học lên hàng đầu.
Cha anh, nhà thơ Vũ Quần Phương dù công việc có bận đến bù đầu, vẫn luôn đưa con đi học hàng ngày. Khi đến giờ đón con tan học, dù đang ngồi uống bia vui vẻ bù khú với bạn bè, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng gác cốc đứng dậy đi đón con. “Đừng bao giờ để đứa trẻ đứng đợi ở cổng trường bơ vơ, dù là 5 phút. Khi mà tất cả lớp về hết rồi mà còn mỗi con mình đứng đó thì nó buồn đến chừng nào và lo sợ đến chừng nào. Tôi mồ côi bố từ năm lên 6 nên càng thấm thía sự cô đơn và không bao giờ muốn con có cảm giác mà tôi từng trải qua”, nhà thơ Vũ Quần Phương tâm sự. Ông cũng hết sức cầu kỳ khi chọn thầy, chọn trường cho con bởi theo ông, sự thành công của đứa trẻ có sự đóng góp chủ yếu của các thầy. Tâm niệm vậy, nên ngay từ bé, ông đã miệt mài tìm bằng được cho con vị thầy giáo giỏi bậc nhất Hà Nội lúc bấy giờ là thầy Tôn Thất. Dù ngày nắng cũng như ngày mưa gió, bão bùng, ông vẫn đạp xe chở con hàng cây số đến nhà thầy học.
Vị giáo sư toán học hàng đầu thế giới suốt ngày bù đầu với việc giảng dạy, nghiên cứu, viết sách nhưng vẫn không quên ngày nào cũng gửi email từ Hoa Kỳ về Việt Nam cho cha mẹ. Bức thư dù ngắn ngủi vài dòng hay dài dằng dặc đến vài trang, luôn là những thông điệp, những dòng tin nhắn, những bức ảnh kể về công việc, cuộc sống trong ngày của Văn và vợ con. Và anh cũng tận tụy với con, với gia đình như chính cha anh đối với anh thuở còn thơ ấu. Sáng sáng, anh đưa hai con tới trường, rồi lái xe tới nơi làm việc hoặc làm việc tại nhà để đến 4 giờ chiều lại vội vã đi đón con, nấu bữa tối cho cả gia đình. “Do công việc giảng dạy và nghiên cứu của tôi chủ động được thời gian hơn nên những khi không phải đi giảng dạy ở các nước, tôi thường đảm nhiệm việc đưa đón con tới trường giúp vợ. Vợ tôi phải làm công việc theo giờ hành chính không thể về sớm được nên tôi cũng giúp vợ công việc nội trợ như nấu cơm, đi chợ”, vị giáo sư toán học hàng đầu thế giới mỉm cười “thanh minh”.
Nhờ những sáng tạo mở ra ngành toán học mới và tìm ra lời giải cho những bài toán “bí” suốt nhiều thập niên, Vũ Hà Văn được trao tặng giải thưởng George Polya 2008, lần trao giải George Polya gần đây nhất. Đây là giải thưởng cao nhất dành cho những người nghiên cứu toán tổ hợp của Hội Toán học ứng dụng và công nghiệp Mỹ (SIAM) lập ra từ năm 1969. Theo đánh giá của SIAM, các công trình của Vũ Hà Văn đã phát triển các bất đẳng thức cơ bản cho các đa thức ngẫu nhiên. Các bất đẳng thức này có phạm vi ứng dụng rộng hơn các bất đẳng thức trước đây; chúng cho phép tìm ra lời giải cho một số bài toán lớn từ lâu nay trong hình học xạ ảnh, hình học lồi, lý thuyết đồ thị… Các bất đẳng thức này là một trong những đóng góp quan trọng nhất trong lý thuyết tổ hợp xác suất trong một thập kỷ qua |
Theo Bảo Vân (GĐXH)