Huyền thoại được cả thế giới biết đến

Cuộc đời chìm nổi thần kỳ của thiên tài toán học John Nash cùng lòng nhân ái vô biên của Alicia và ĐH Princeton làm xúc động nhiều người, trong đó có bà Sylvia Nasar, nhà kinh tế kiêm giáo sư khoa báo chí thương mại ĐH Columbia, phóng viên báo New York Times.

Hình ảnh John Nash được diễn viên Russell Crowe tái hiện qua bộ phim “Beautiful Mind” – tạm dịch “Một tâm hồn đẹp”.

Sylvia đã dựa tư liệu cuộc đời Nash viết thành cuốn tiểu thuyết thể loại truyện ký có tên Một Tâm hồn Đẹp (A Beautiful Mind) dầy hơn 400 trang, phát hành năm 1998.

Một Tâm hồn Đẹp được tặng giải thưởng Sách Quốc gia 1998 và nhận một để cử giải Pulitzer cùng hợp đồng làm phim với Universal Pictures and DreamWorks.

Trong tiểu thuyết, Sylvia Nasar dẫn lời một đồng nghiệp của Nash:

“Tất cả các nhà toán học đều đồng thời sống trong hai thế giới khác hẳn nhau, một thế giới thanh cao thuần khiết kiểu triết gia Plato và một thế giới với cuộc đời hiện thực ngắn ngủi, hỗn độn, đòi hỏi phải luôn luôn thích ứng mọi biến đổi”.

Riêng Nash thì ông còn sống 30 năm trong một thế giới đặc biệt nữa, đó là thế giới hoang tưởng của người điên dại.

Năm 2002, Sylvia Nasar cùng nhà biên kịch Akiva Goldsman cải biên tiểu thuyết Một Tâm hồn Đẹp thành kịch bản điện ảnh, sau đó đạo diễn Ron Howard dựng thành phim cùng tên.

Bộ phim này dài 135 phút, do Russell Crowe đóng vai Nash, Ed Harris và Jennifer Connelly vai Alicia.

Phim “Một Tâm hồn đẹp” được trao giải Oscar lần thứ 74.

Khác với tiểu thuyết, kịch bản phim đã hư cấu chuyện Nash tham gia làm đề tài nghiên cứu phá mật mã do Bộ Quốc phòng Mỹ tổ chức, tuy thực ra Nash chỉ nghiên cứu lý thuyết trò chơi và phương trình vi phân, là những vấn đề cao sâu khó hiểu, người đời chẳng ai quan tâm.

Phá mật mã của kẻ địch trở thành nội dung chính của bộ phim.

Kịch bản hư cấu ra chuyện do làm công tác phá mã mà Nash trở thành đối tượng bị ám sát.

Và thế là trong phim xuất hiện những cảnh giật gân như ô tô rượt đuổi nhau và đấu súng khiến Nash suýt mất mạng.

Truyện phim được cải biên như vậy nhằm tăng sức thu hút người xem, bởi lẽ cuộc đời một nhà toán học vốn đã rất khô khan, lại thêm bị bệnh tâm thần nữa thì vô cùng khó thu hút người xem.

Phim “Một Tâm hồn đẹp” rất thành công và được chiếu rộng rãi ở nhiều nước, nhờ đó những người bình thường khắp thế giới đều biết tới thiên tài toán học John Nash.

Tháng 8 năm 2002, báo chí Trung Quốc rầm rộ đưa tin John Nash sẽ đến Bắc Kinh dự Đại hội Toán học quốc tế do Hiệp hội Toán học quốc tế IMU tổ chức.

Do đã xem phim A Beautiful Mind nên người Trung Quốc hồ hởi chờ đón nhân vật huyền thoại này.

Ông trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất của Đại hội. Khi Nash đến thăm một số trường ĐH Trung Quốc, tai đâu ông cũng được đông đảo người hâm mộ nhiệt liệt hoan nghênh.

Hiện nay John Nash là giáo sư toán học ở ĐH Princeton, ông không giảng dạy mà chỉ làm nghiên cứu.

Khoa Kinh tế nhà trường thường tổ chức các hội thảo về lý thuyết trò chơi; đôi khi Nash có tham gia nhưng ông chỉ nghe mà không phát biểu gì.

Phải chăng Nash còn chưa hết bàng hoàng sau khi tỉnh lại từ cơn hoang tưởng kéo dài khủng khiếp làm cho bộ não nhà toán học thiên tài ngừng hoạt động suốt mấy chục năm?

Nguyễn Hải Hoành
(Tạp chí Tia Sáng)