Hãy cẩn thận- dùng khái niệm toán học!

Xin trao đổi lại về cách sử dụng các khái niệm toán học trong bài viết ” Fed lại giảm mạnh lãi suất chỉ sau mấy ngày ” như: điểm phần trăm , phần trăm , điểm cơ bản .

Nếu không phải là một người biết về lĩnh vực này, rất có thể bạn đọc sẽ hiểu sai lệch thông tin cũng như các con số mà người viết đưa ra.

Chẳng hạn, bài báo viết: “Fed đã cắt giảm hẳn 50 điểm phần trăm, từ mức 3,5%… xuống mức 3,0%/năm.”


“Fed đã cắt giảm hẳn 75 điểm phần trăm từ mức 4,25% xuống mức 3,5%/năm.”

“Tháng 11/2007, Fed đã cắt giảm 25 điểm phần trăm, từ mức 4,75% xuống mức 4,5%/năm” …

Dùng khái niệm “điểm phần trăm” như trên là chưa chính xác.

Phần trăm (%) và điểm phần trăm

Ở bậc phổ thông, chúng ta đều đã học bài toán tính tỉ lệ phần trăm tăng (giảm). Chẳng hạn một chủ tiệm phở nói: hôm qua bán được 50 tô phở, hôm nay bán được 70 tô phở; như vậy hôm nay số tô phở được bán đã tăng so với hôm qua là 70 tô – 50 tô = 20 tô và tỉ lệ số tô phở bán được tăng: 100% x (70-50)/50 = 40% (lấy số mới trừ số cũ, chia cho số cũ, rồi tất cả nhân 100%)

Ở đây các con số được khảo sát là 70, 50 và có đơn vị cụ thể là “tô”. Một vấn đề nảy ra là nếu các con số biến thiên trên không phải là các con số có đơn vị cụ thể, mà là các con số tỉ lệ phần trăm biến thiên thì chúng ta sẽ thể hiện chúng như thế nào?

Lấy thí dụ, công ty nọ có 20% nhân viên là kỹ sư. Sau 3 năm hoạt động, công ty có 25% nhân viên là kỹ sư, vậy số kỹ sư tăng sẽ được tính là 25% – 20% = 5%. Như vậy có đúng không?

Nếu diễn tả con số 5% như vậy thì sẽ làm lộn xộn và dễ nhầm lẫn với phép toán 100% x (25-20)/20 = 25%. Phép toán này mới luôn luôn là phép toán tính tỉ lệ phần trăm biến thiên. Còn con số 5% ở trên là con số viết sai và gây hậu quả hiểu lầm khôn lường trong kinh tế.

Đó là hậu quả của việc sách giáo khoa về toán của Việt Nam đã để thiếu sót một khái niệm đơn giản nhưng quan trọng: khái niệm “điểm phần trăm”.

Khi dùng ký hiệu phần trăm (%) là liên quan đến bài toán chia, bài toán tỉ lệ. Còn “điểm phần trăm” là nêu lên sự chênh lệch tuyệt đối giữa hai số phần trăm, nó chỉ có ở bài toán trừ. Hai khái niệm này cần phân biệt thật rõ ràng .

Do đó, trường hợp trên nếu chỉ mô tả biến thiên tuyệt đối (bài toán trừ) thì số kỹ sư tăng là 25 – 20 = 5 điểm phần trăm (chứ không phải 5%)

Tìm hiểu khái niệm “Điểm phần trăm”

Báo chí quốc tế có sự phân biệt rất rõ hai khái niệm này.

Thứ nhất:“Phần trăm” (percentage) là khái niệm chung để tả một tỉ lệ phần trăm nào đó (percent) hay tỉ lệ tăng giảm thể hiện bằng tỉ lệ phần trăm (percent). Tỉ lệ phần trăm (percent) là một phân số mà mẫu số luôn luôn là con số 100, do đó nó luôn có ký hiệu % sau đuôi.

Thứ hai: “Điểm phần trăm” (percentage – point) là một con số thông thường, người ta thêm đơn vị “điểm” sau đuôi của nó để nhấn mạnh sự biến thiên tuyệt đối (absolute change) hai số tỉ lệ phần trăm, quan trọng nhất là để phân biệt với tỉ lệ phần trăm tăng/giảm trong các phép tính thống kê .

Chúng ta xem lời giải thích sau: “A percentage -point is a unit expressing the difference between two percentages; a fall of one percentage point would be a fall from ten to nine per cent. In American English per cent is spelt as one word, percent.”

(Tạm dịch: Một “điểm phần trăm” là một đơn vị nêu lên sự khác biệt giữa hai số tỉ lệ phần trăm; sụt 1 điểm phần trăm tức là sụt từ 10 phần trăm (10%) xuống 9 phần trăm (9%). Trong tiếng Mỹ, chữ per – cent được đánh vần như một từ “percent “)

Như vậy giảm/ tăng một lượng “điểm phần trăm” chính là lấy hiệu số của hai số tỉ lệ phần trăm.

Như vậy, mới đây Fed quyết định cắt giảm lãi suất từ 3,5% xuống còn 3,0%/năm, nghĩa là Fed đã giảm lãi suất đi 0,5 điểm phần trăm, chứ không phải là 50 điểm phần trăm như tác giả bài báo viết. Con số 50 phải hiểu là 50 điểm cơ bản.

Tương tự như vậy, lãi suất giảm từ mức 4,25% xuống mức 3,5%/năm là giảm 0,75 điểm phần trăm (hay 75 điểm cơ bản).

Lãi suất giảm từ mức 4,75% xuống mức 4,5%/năm là giảm 0,25 điểm phần trăm (hay 25 điểm cơ bản).

Lãi suất giảm từ mức 5,25% xuống mức 4,75%/năm là giảm 0,50 điểm phần trăm (hay 50 điểm cơ bản).

  • Bạn đọc: Lê Việt Hà – VNN