GS Ngô Bảo Châu đã lập một kỳ tích và mang lại vinh quang đặc biệt cho đất nước, góp phần làm rạng danh nước Việt. Trong suốt 74 năm qua, châu Á mới có một quốc gia duy nhất có công dân được nhận giải này là Nhật Bản (vào các năm 1954, 1970 và 1990).
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới GS Ngô Bảo Châu, ông đánh giá cao thành tích và những cống hiến của GS Ngô Bảo Châu đối với toán học, đã mang về niềm tự hào và vinh dự lớn cho đất nước VN. Chủ tịch nước nhấn mạnh giải thưởng mà GS Ngô Bảo Châu giành được cũng là phần thưởng lớn cho nền toán học VN và hi vọng rằng với tài năng và trí tuệ của mình, GS Ngô Bảo Châu sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho toán học VN và thế giới.
Nhận xét của Liên đoàn Toán học thế giới khi trao giải thưởng Fields cho giáo sư Ngô Bảo Châu
Trong những năm 1960 và 1970 Robert Langlands đã phát biểu những cơ sở khác nhau thống nhất những nguyên lý và phỏng đoán (conjectures) liên quan đến các dạng tự đồng cấu trong các nhóm khác nhau, các biểu diễn Galois và các hàm L. Điều đó dẫn tới những vấn đề mà ngày hôm nay chúng ta gọi chung là Chương trình Langlands.
Công cụ chủ yếu trong việc chứng minh một số trường hợp của những phỏng đoán này là công thức vết và trong khi áp dụng công cụ đó nhằm đáp ứng những mục đích kể trên, xuất hiện khó khăn trung tâm ngăn cản các nhà toán học: chứng minh sự đồng nhất (identities) tự nhiên trong giải tích điều hòa (harmonic – đồng điều) với các nhóm địa phương (local) cũng như các nhóm liên quan tới các đối tượng của hình học số (arithmetic geometric). Vấn đề này được biết đến với tên gọi Bổ đề Cơ bản. Sau nhiều tiến bộ với một loạt nghiên cứu vào năm 2004. Laumon và Ngô đã chứng minh được bổ đề cơ bản cho một lớp nhóm riêng, và bây giờ Ngô chứng minh được Bổ đề một cách tổng quát.
Chứng minh kiệt xuất của Ngô cho những dự báo rất quan trọng và đã tồn tại rất lâu dài này dựa một phần trong việc đưa những kỹ thuật và đối tượng (objects) hình học mới vào giải tích sophisticated. Thành tựu của ông, nằm trên giao điểm của hình học đại số, lý thuyết nhóm và các dạng tự đồng cấu, dẫn tới nhiều tiến bộ có tính đột phá trong chương trình Langlands cũng như trong các lĩnh vực liên quan tới chương trình này.
Sơ lược tiểu sử GS Ngô Bảo Châu
Ngô Bảo Châu sinh năm 1972, năm Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh cho máy bay chiến lược B-52 ném bom trải thảm Hà Nội, khi cha anh tòng quân, chuẩn bị lên đường vào tuyến lửa Quảng Trị.
Anh là con một, lớn lên trong gia đình trí thức: cha là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học cơ học Ngô Huy Cẩn, làm việc tại Viện Cơ học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; mẹ là Phó Giáo sư, Tiến sĩ dược học Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại bệnh viện Y học cổ truyền trung ương. Có thể nói, “nghề gia truyền” của gia đình anh là “nghề khoa học”.
Ngay từ những năm trung học cơ sở, Bảo Châu đã được học tại các lớp chuyên toán của thành phố Hà Nội đặt tại Trường Trưng Vương. Thầy Tôn Thân, thầy giáo toán cho Châu là người dạy giỏi nổi tiếng ở Thủ đô, cháu ngoại nhà học giả Phạm Quỳnh (Chủ bút tạp chí Nam Phong hồi đầu thế kỷ 20). Cô giáo dạy văn là cô Trịnh Bích Ba, con gái yêu của nhà học giả Trịnh Đình Rư, cử nhân Nho học, đã để ấn tượng sâu đậm trong lòng Châu ngay từ lứa tuổi thiếu niên giàu cảm xúc.
Lên bậc trung học phổ thông, Châu thi đỗ vào Khối Phổ thông chuyên toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khối THPT chuyên Toán – Tin Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).
Mùa hè 1988, anh tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Australia và giành huy chương vàng. Mùa hè năm sau anh tiếp tục giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Đức. Cũng trong năm 1989 Châu sang Pháp để học tại Đại học Paris 6. Anh bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại Đại học Sư phạm Paris – ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp.
Năm 2003, ở tuổi 31, anh hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại Đại học Paris 11. Đầu năm sau anh trở thành giáo sư của đại học này.Từ ngày 1/9/2010, anh trở thành giáo sư của Đại học Chicago, Mỹ. Nhân dịp về VN làm việc vừa qua, GS Ngô Bảo Châu đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tiếp và bàn về việc phát triển toán học Việt Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị GS Ngô Bảo Châu giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán học, sẽ được thành lập theo Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 với tổng mức đầu tư 651 tỷ đồng vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Giải Fields
Fields Medal do nhà toán học người Canada John Charles Fields sáng lập và được trao lần đầu tiên năm 1936 cho 2 nhà toán học Lars Ahlfors người Phần Lan và Jesse Douglas người Mỹ. Từ năm 1966, Fields Medal bắt đầu được trao cho 4 nhà toán học trong một đợt.
Tính đến năm 2006, tổng cộng đã có 48 nhà toán học trên toàn thế giới nhận được giải Fields Medal. Trong đó, Mỹ dẫn đầu với 13 nhà toán học nhận giải, xếp thứ hai là Pháp với 9 giải, Liên Xô cũ và Nga với 8 nhà toán học được vinh danh. Thứ tự tiếp theo lần lượt là: Anh (6), Nhật Bản (3), Bỉ (2), Australia (1), Đức (1), Italia (1), Na Uy (1), New Zealand (1), Phần Lan (1), Thụy Điển (1).
Fields Medal vẫn luôn được ví là giải “Nobel của toán học”. Tuy nhiên, số tiền thưởng kèm theo của Fields Medal không thể so sánh với con số 1,5 triệu USD mà mỗi nhà khoa học giành giải Nobel nhận được. Bên cạnh đó, Fields Medal có điều kiện trao giải nghiêm ngặt hơn Nobel vì có giới hạn độ tuổi, đồng thời Fields Medal thường được trao cho các nhà toán học có nhiều công trình nghiên cứu, trong khi giải Nobel thường được trao cho một công trình đơn lẻ.
Cho đến nay, nhà toán học trẻ tuối nhất từng giành giải Fields Medal là nhà toán học Jean-Pierre Serre người Pháp. Ông giành giải năm 1954 khi mới 28 tuổi. Năm 2006, lần đầu tiên giải Fields Medal bị từ chối. Nhà toán học người Nga Grigori Perelman khi đó đã không đến dự lễ trao giải diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha. Grigori Perelman, nhà toán học người Nga đã từ chối giải thưởng Fields Medal 2006.
Giải Fields Medal năm nay được trao tại Đại hội Toán học Quốc tế (IMC) 2010 tổ chức tại Hyderabad, Ấn Độ từ ngày 19-27/8/2010. Đây cũng là dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Hiệp hội Toán học Ấn Độ và 50 năm thành lập Hiệp hội Toán học Rumania. Đây là lần đầu tiên IMC được tổ chức tại Ấn Độ và là lần thứ 3 được tổ chức tại một nước Châu Á (lần đầu tiên là tại Tokyo, Nhật Bản năm 1990, lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2002).
(Sưu tầm từ các báo internet)