Giỏi toán nhờ… những mảnh ghép

Bước sáng năm thứ 4, phong trào “Trường học thân thiện – Học sinh tích cực” đã trở
thành một mảnh đất ươm mầm sáng tạo của giáo dục, nơi các sáng kiến của
thầy và trò được nảy mầm bén rễ.

Từ bản đồ tư duy xếp hình…
Các giờ ôn tập Toán của trường THCS Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định được
diễn ra một cách đặc biệt. Học sinh được hướng dẫn tự làm một hộp xếp
hình mà trong đó có đủ các cành, nhánh của một bản đồ tư duy (BĐTD) về
nội dung ôn tập.

[Hình: 20120419105108_image001.jpg]

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hưng đang giới thiệu về BĐTD ghép hình

Bằng trí nhớ của mình, các em sẽ sắp xếp các mảnh ghép thành một BĐTD
ôn tập hoàn chỉnh. Sau đó, các bạn trong lớp sẽ nhận xét, bổ sung ý
kiến vào BĐTD ghép hình. Và cuối cùng thầy cô sẽ cho các em đối chiếu
hình ghép BĐTD với BĐTD mẫu xem các em đã làm đúng hay chưa và sai ở chỗ
nào

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hưng cho biết: “Khi chia BĐTD thành các
miếng ghép và cho học sinh tự ghép trong giờ ôn tập, các em được vừa học
vừa chơi. Nhà trường mới thử nghiệm dùng BĐTD ghép hình trong môn Toán.
Học sinh rất hào hứng với giờ ôn tập này. Nó cũng giúp tăng sự chủ động
trong học tập của các em.”

[Hình: 20120419105108_image002.jpg]

Hoạt động tập thể giữa giờ tại trường THCS Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định

Bên cạnh việc vừa học vừa chơi với BĐTD xếp hình trong môn Toán, các
em học sinh trường THCS Nam Hồng còn học Toán mà biết Sử, học Sinh biết
bảo vệ môi trường… thông qua những nội dung học mà các thầy cô đã lồng
ghép một cách khéo léo.

Cô Đặng Quỳnh Nam, giáo viên môn Toán cho biết, khi dạy một hàm số,
cô luôn tính toán làm sao cho kết quả trùng với một năm hay một ngày đặc
biệt nào đó trong lịch sử, hoặc gắn với ngày sinh, ngày mất của danh
nhân…

… đến kênh giáo dục truyền thống hiệu quả

Hướng tới việc xây dựng môi trường an toàn, thân thiện để mỗi học
sinh tích cực hơn trong việc tới trường, vui chơi và học tập, cuộc vận
động xây “trường học thân thiện” đã mang lại những hiệu quả tích cực…
Những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia thực sự là những công viên cây xanh
– công viên văn hóa.

[Hình: 20120419105108_image003.jpg]

Cô trò cùng hát dân ca tại trường mầm non Bình Minh, Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ, Thái Bình

Các lượng xã hội đã tham gia tích cực vào trong giáo dục. Chẳng hạn
như tại Nam Định, trong năm học 2010-2011, hội khuyến học đã huy động
được hơn 130 tỷ đồng, tổ chức các hoạt động trao học bổng, giáo dục
truyền thống. Hội phụ nữ và đoàn thanh niên ngoài các hoạt động khuyến
khích học tập còn tổ chức các buổi trò chuyện giáo dục giới tính, hướng
nghiệp…

Hay như tại Thái Bình, tiếng kẻng, tiếng trống học bài đã lan về từng
thôn xã. Và để con em mình học cách yêu quý cây xanh, bảo vệ môi
trường, các bậc phụ huynh hàng tuần, hàng tháng tổ chức các hoạt động vệ
sinh môi trường ngay tại khu dân cư. Bên cạnh thư viện trường học, tại
nhiều xã, phường, học sinh và phụ huynh tự nguyện đóng góp sách báo, xây
các thư viện mini trong lớp.

Cũng nhờ có phong trào, lần đầu tiên, các thế hệ học trò được tìm
hiểu và biết đến lịch sử địa phương, các danh nhân người địa phương và
chung tay chăm sóc di tích lịch sử quê mình.

Cùng với thầy cô và nhà trường, cả xã hội chung tay đã mang đến một làn sóng giáo dục truyền thống mạnh mẽ và hiệu quả.

Đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục

Trong tháng 3/2012, đoàn kiểm tra liên ngành đã xuống 14 tỉnh kiểm
tra 5 nội dung phong trào xây dựng “trường học thân thiện – học sinh
tích cực”. Kết quả cho thấy, so với các năm học trước, năm học
2011-2012, phong trào thi đua đã đi vào chiều sâu, được phát huy rộng
rãi. 100% số trường học đã có nhà vệ sinh và đảm bảo 3 đủ cho học sinh.

Các trường đều xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, tổ chức
các câu lạc bộ, các hoạt động giáo dục ngoài giờ với nhiều nội dung giáo
dục phong phú. Đặc biệt là tổ chức các hoạt động tập thể, các trò chơi
dân gian, tạo điều kiện cho học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát
huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa cách mạng ở địa phương.

[Hình: 20120419105236_image004.jpg]

Học sinh trường tiểu học An Ninh, Quỳnh Phụ, Thái Bình tự tin trò chuyện với thành viên đoàn kiểm tra liên ngành

Như Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM, Nguyễn Thị Hà, trưởng đoàn kiểm
tra liên ngành tại Nam Định, Thái Bình nhận xét: “Các hình thức triển
khai 5 nội dung trường học thân thiện, học sinh tích cực phong phú, sáng
tạo, khoa học. Nội dung triển khai sâu rộng, toàn diện, có trọng tâm,
trọng điểm, có mô hình, có điển hình.”

Còn Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành tại
Lạng Sơn thì nhấn mạnh: Phong trào “xây dựng THTT, HSTC” phải là đòn bẩy
nâng cao chất lượng giáo dục.

Huyền My

Nguồn: http://vietnamnet.vn