Lê Văn Thiêm, sinh ngày 25/3/1918 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh, Việt Nam (hay người ta còn gọi là Đông Dương), mất ngày 3/7/1991 ở thành phố Hồ Chí Minh. Là sinh viên khoá 1941, Lê Văn Thiêm đã từng học trung học tại trường Quy Nhơn và tốt nghiệp ở Đông Dương.
Lúc đó, trường đại học duy nhất ở Đông Dương được đặt ở Hà Nội và không có chuyên ngành Toán. Ông đã ghi danh và đỗ thứ hai ở kỳ thi năm 1938; được nhận học bổng sang học tại Pháp. Ông chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào Trường Đại học Sư phạm đối với sinh viên nước ngoài và đỗ năm 1941. Tại đây, ông đã học cử nhân ngành Toán. Ở Bizuth (1941-1942), ông sống cùng với Max Fonvieille, Robert Carol, Gérard Debreu và Paul Roussel. Các bạn của ông miêu tả ông như một người đàn ông khiêm tốn và kín đáo, rất ít nói. Tuy nhiên, khu nhà trọ của ông lại rất sôi động và công việc thường xuyên bị gián đoạn bởi sự có mặt của những người khách với những cuộc tranh luận theo nhiều chủ đề khác nhau.
Thiêm cũng tham gia vào tranh luận như những người khác. Một ngày năm 1942, ông đã chỉ ra rằng những người đồng hương của mình, trong đó có các nhà trí thức, các kỹ sư, giáo sư và những người khác đã lần lượt bị tước bỏ chức vị. Vào thời điểm đó, ông đã tác động rất mạnh tới các bạn của mình, những người có nhiều kỷ niệm với giai đoạn này. Một người Đông Dương khác cùng khoá với ông là Trần Đức Thảo, hiện là Giáo sư Triết học ở Việt Nam. Thường có những sinh viên Đông Dương ở ngoài trường đến bàn bạc với Thiêm, nhưng ông không bao giờ nói với các bạn về điều đó.
Ông đã không tham gia kỳ thi cao học và rời trường Sư phạm vào cuối năm 1942 để sống một năm ở Thụy Sĩ và cùng nghiên cứu với Nevanlinna về hàm phân hình. Chính những kết quả mà ông đã thu thập được tại đây có ý nghĩa vô cùng quý báu đối với ông trong cả cuộc đời. Đặc biệt, cũng tại đây ông đã thu thập được chất liệu cho luận án mà ông bảo vệ tại Paris năm 1948 dưới sự hướng dẫn của Georges Valiron, chuyên gia hàng đầu của Pháp ở thời kỳ đó về hàm giải tích của một biến số phức. Luận án của ông đã được bảo vệ tại một hội đồng gồm Arnaud Debjoy làm Chủ tịch, Georges Valiron, Paul Dubreil. Chính tôi cũng làm luận án dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Georges Valiron và bảo vệ tại Đại học Strasbourg, lúc đó đang sơ tán ở Clermont-Ferrand vào năm 1943 với một đề tài hơi khác với chuyên đề nghiên cứu của Giáo sư Valiron. Tuy nhiên, tôi cũng đã bảo vệ luận án tiến sĩ với Giáo sư Valiron. Lê Văn Thiêm đã sang Thụy Sĩ và là giảng viên tại Trường Đại học Bách Khoa Zurich trong vòng một năm.
Năm 1949, ông rời Thụy Sĩ để trở về Việt Nam, khi đó chiến tranh đang diễn ra rất ác liệt. Chuyến đi của ông rất dài và vất vả. Ông đã đi trong điều kiện tương đối bình thường từ Bangkok và sau đó đi bộ xuyên qua các khu rừng rậm ở Nam Bộ (Cochinchine) và cuối cùng theo đường mòn đi lên Việt Bắc, khu tự do ở miền Bắc, đầu não kháng chiến vào thời điểm đó. Ở đó, ông đã gặp nhiều trí thức mà trong số đó phải kể đến Tạ Quang Bửu và Trần Đại Nghĩa. Mối liên hệ giữa ông với hai người này, nhất là với Tạ Quang Bửu, rất bền chặt trong suốt cả cuộc đời. Lúc đó, Việt Nam cũng có được gần như đầy đủ các sách toán, Lê Văn Thiêm đã mang về một bản sao cuốn sách của Courant Hilbert: Phương pháp Toán Lý, mà một người bạn cùng khoá đã cho mượn; cả những cuốn sách ông đã thu lượm được ở Thụy Sĩ và ở Pháp sau đó, nhưng chắc chắn là không nhiều vì ông đã phải trải qua một chuyến đi bộ rất dài. Tạ Quang Bửu cũng đã học ở Pháp mấy năm trước đó, gần cùng thời gian với tôi ở trường Đại học Sư phạm (1934-1937), và chính ông cũng đã mang về Việt Nam, nơi sau này ông giữ vai trò chính trị quan trọng, cuốn sách lớn của Bourbaki: Hình học đại cương. Lê Văn Thiêm, Trần Đại Nghĩa và Tạ Quang Bửu đã cùng nhau cố gắng xây dựng nền khoa học ở miền Bắc Việt Nam, trong một đất nước có tới 95% người mù chữ. Tuy nhiên, ở đó, họ đã thành công.
Đầu năm 1950, Lê Văn Thiêm được giao trọng trách thành lập và làm Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Cơ bản, trong khi ông vẫn đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (tất nhiên là cả hai trường này đều nằm trong vùng tự do vì cuộc chiến tranh Đông Dương chống Pháp đang quyết liệt). Cả hai trường này đều giữ vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo các cán bộ khoa học và kỹ thuật cho đất nước: giúp cho giáo dục đạt đến trình độ phù hợp, mặc dù hoàn toàn bị cô lập nhưng phát triển nhanh chóng về giáo dục và khoa học sau khi chiến tranh kết thúc. Một số lượng lớn các cán bộ khoa học và kỹ thuật của Việt Nam hiện nay đã được đào tạo tại hai trường này. Chính hai trường này đã làm cơ sở để mở lại ngay Đại học Tổng hợp Hà Nội sau Hiệp định Genève năm 1954 với một đội ngũ giảng viên hoàn toàn của Việt Nam. Đó thật sự là một kỳ tích. Vào thời điểm đó, ông được bổ nhiệm là Trưởng khoa Khoa học ở Hà Nội, sau đó vào năm 1959, Phó Hiệu trưởng trường Đại học, Vụ trưởng Vụ Khoa học của Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Tiếp theo, ông là người thành lập và Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Viện trưởng Viện Toán Hà Nội. Ông cũng là người sáng lập và Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Toán học và tạp chí Acta Mathematica Vietnamica, xuất bản bằng tiếng nước ngoài, dần dần được phát hành trên toàn thế giới. Dưới sự điều hành của ông, Viện Toán học đã trở thành trung tâm nghiên cứu toán học đầu tiên của đất nước, ở đó bây giờ được gọi là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Quốc gia của Việt Nam. Từ năm 1980 cho đến khi qua đời, ông đã làm việc tại cơ sở của Trung tâm quốc gia được đặt tại Tp. Hồ Chí Minh, nơi ông thành lập Trung tâm Toán ứng dụng và Tin học. Đó là một cuộc đời rất có ý nghĩa và hữu ích.
Kể từ năm 1981, ông đã sống phần lớn thời gian tại Tp. Hồ Chí Minh, nơi vợ và hai con của ông đã chuyển đến ở từ nhiều năm trước. Năm 1976, trong chuyến đi của tôi cùng với vợ tới Việt Nam, tôi đã có dịp gặp lại ông. Khi đó trời rất lạnh vì vào tháng giêng, thời tiết luôn xám xịt và ẩm ướt, và vì hình dung sẽ đến một đất nước nhiệt đới trong khi nhà cửa không cần sưởi ấm, chúng tôi đã mang theo rất ít quần áo ấm và chúng tôi đã bị lạnh. Ông đã cung cấp cho chúng tôi các loại quần áo, giầy dép khác nhau, trong đó có cả áo khoác của chính ông.
Kể từ mười lăm năm nay, ông mắc bệnh tiểu đường cộng thêm với bệnh cao huyết áp; ông đã ốm nặng vào năm 1989, phục hồi trở lại rồi đột ngột ra đi chỉ sau hai ngày nhập viện.
Có thể nói rằng hầu hết các nhà toán học Việt Nam đều là học trò hoặc học trò của học trò của ông. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã không ngừng đào tạo giáo viên và nghiên cứu viên ở trình độ cao nhất, gửi những thanh niên đã qua lựa chọn sang Liên Xô. Điều đó giúp cho Việt Nam còn giữ lại được cho đến ngày nay một trong những trình độ nghiên cứu tốt nhất vùng Viễn Đông, ít nhất là những gì liên quan đến đỉnh cao nghiên cứu. Với trình độ trung bình thì Việt Nam lại bị một số nước được gọi là “những con rồng” như Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan vượt qua. Nhưng đối với những đỉnh cao nghiên cứu, Việt Nam luôn đứng ở vị trí hàng đầu. Các nhà toán học Việt Nam tham gia các hội nghị quốc tế, đi ra nước ngoài, đều được các nhà toán học nước ngoài đón tiếp tại nhà và được mời tới giảng dạy tại các đại học quốc tế lớn.
Lê Văn Thiêm không phải là người duy nhất tham dự vào bối cảnh này. Ông đã làm việc chặt chẽ với Trần Đại Nghĩa và Tạ Quang Bửu, tất cả cùng theo một hướng. Tạ Quang Bửu là một trong những nhân vật hàng đầu của Việt Nam; người đã ký Hiệp định Genève và đã từng là Bộ trưởng Bộ Đại học trong một thời gian dài. Tôi biết ông rất rõ, vì ông còn là một nhà toán học và vẫn thường xuyên liên hệ. Hàng sáng, ông thức dậy vào lúc 5 giờ và giải các bài toán theo ý thích từ 5 giờ đến 6 giờ. Mặc dù gánh vác chức Bộ trưởng, nhưng ông vẫn có thể tham gia các hội thảo của các nhà toán học và có những báo cáo hết sức có giá trị. Tất cả những nhà toán học nước ngoài tới thăm đều đã có dịp gặp gỡ và ngưỡng mộ nhân vật này.
Tạ Quang Bửu và Lê Văn Thiêm đã cùng nhau đấu tranh rất vất vả vì tính công minh trong khoa học. Xu hướng tự nhiên lúc đó là dành những vị trí ưu tiên cho con cán bộ, chứ không dựa trên chất lượng khoa học. Lê Văn Thiêm và Tạ Quang Bửu đã đấu tranh không mệt mỏi và hướng cuộc đấu tranh khó khăn này tới việc đề cao chất lượng khoa học. Cả hai người đã phải trải qua những thời kỳ khó khăn. Chính Lê Văn Thiêm đã phải làm một bản tự kiểm điểm công khai về quan điểm “chủ nghĩa nhân tài”. Ông đã phải chịu đựng rất nhiều. Tạ Quang Bửu thì được bảo vệ tốt hơn vì dù sao ông cũng là Bộ trưởng, một chính trị gia, trong khi Lê Văn Thiêm chỉ là một nhà toán học. Tạ Quang Bửu đã không ngừng bảo vệ cho Lê Văn Thiêm. Tất cả những nhà toán học hiện nay của Việt Nam đều giữ sự kính trọng rất lớn đối với hai nhân vật này. Lê Văn Thiêm luôn được những người đồng hương của mình đánh giá là rất khiêm tốn và cao thượng, giống như sự nhận xét của những người bạn cựu sinh viên trường Đại học Sư phạm và cũng là cảm tưởng của tôi về ông. Lê Văn Thiêm và Tạ Quang Bửu, như tôi đã nói nhiều lần, đều được đào tạo ở Pháp, biết tiếng Pháp một cách hoàn hảo, đã đóng góp vào những tiến bộ của khối Pháp ngữ và mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.
Tất nhiên là công việc nghiên cứu của Lê Văn Thiêm cũng bị chi phối nhiều bởi rất nhiều các trách nhiệm hành chính. Tuy nhiên, ông cũng là tác giả của hai chục công trình nghiên cứu đã được công bố ở Việt Nam và nước ngoài. Ông đã giải quyết được một vấn đề khó, như bài toán ngược về sự phân bổ các giá trị của hàm phân hình, theo hướng của Nevanlinna. Điều đó đã mở ra một hướng nghiên cứu mới trong lý thuyết hàm phân hình của một biến số phức. Ông cũng đã sử dụng phương pháp đối xứng của hàm giải tích để tìm ra cách giải bài toán thâm nhập trong miền không đồng nhất. Ông cũng đã nghiên cứu và ứng dụng lý thuyết hàm giải tích đề giải quyết vấn đề chuyển động của chất lỏng. Kết quả đã được công bố tại Hội nghị Toán học Quốc tế Vancouver năm 1974. Ông cũng đã tham gia vào các vấn đề ứng dụng khác nhau trong xây dựng, thủy lợi, kế hoạch hoá nền kinh tế của đất nước.
Giới khoa học Việt Nam sẽ không bao giờ quên hai hình ảnh lớn về Tạ Quang Bửu và Lê Văn Thiêm. Laurent Schwarts Giáo sư Toán học Pháp (Trích: Giáo sư Lê Văn Thiêm, NXB ĐHQGHN)