Ai đó nói: “Khoa học phải đi qua rất nhiều con đường vòng để tới
con đường thẳng”, câu nói hàm ý, trong khoa học cần rất nhiều giả định,
rất nhiều trao đổi, phản biện, và rất cần có chứng minh, trong đó sự
chứng minh bằng thực tế là hết sức quan trọng.
Khi đưa ra phương án “đường bay thẳng”, tôi nghĩ TS Trần Đình Bá cũng
không nhất quyết luận thuyết của mình là chân lý sau cùng. Nhưng trên
tinh thần một nhà khoa học yêu nước, TS Bá muốn đề xuất một cách tính
đường bay có lợi nhất cho hàng không Việt Nam, nghĩa là có lợi nhất cho
quốc gia.
Mọi phản biện, phản bác trong hội thảo “Dự án hạch toán kinh doanh có
lãi cho hàng không quốc gia theo phương pháp Trần Đình Bá” là hết sức
cần thiết. Nhưng đúng như TS Bá đã nói, đáng lẽ các cơ quan chức năng
phải đưa ra văn bản góp ý, trả lời cho đề xuất, thay vì chỉ đưa ra các
phản bác tại cuộc họp. Đó là một yêu cầu tối thiểu của khoa học, yêu cầu
phản bác hay phản biện bằng luận chứng, dĩ nhiên không thể là luận
chứng… miệng.
Cần lưu ý là lâu nay, ở rất nhiều cuộc hội thảo, nhiều người là quan
chức hay mang tiếng là nhà khoa học nhưng chỉ thích phát biểu… vo về
những vấn đề mà nếu có viết nghiêm túc ra giấy cũng chưa dám chắc đã nói
hết ý. Kiểu “phát biểu vo” về bất cứ vấn đề khoa học nào cũng là thiếu
nghiêm túc, thiếu sự cẩn trọng khoa học cần thiết. Huống chi, với đề án
“đường bay thẳng” của TS Trần Đình Bá, một đề án được nghiền ngẫm nhiều
năm mà người khởi xướng là cựu phi công Mai Trọng Tuấn với đề án “Đường
bay vàng” cách đây đã 25 năm, thì không thể chỉ phản bác nó bằng mấy câu
nói miệng là xong.
Mỗi đề án khoa học, dù có vẻ viễn tưởng tới đâu, cũng cần được kiểm
chứng trước khi có kết luận sau cùng. Đề án của TS Bá không phải là một
đề án hoang tưởng, vì vậy càng cần được kiểm chứng một cách nghiêm túc.
Khi TS Bá đưa ra các dữ liệu đầu vào cũng như những kết luận ở đầu
ra, vẫn có thể hiệu đính nếu thấy nó không thật chính xác. Nhưng sự hiệu
đính ấy cũng phải tuân thủ quy trình của hiệu đính khoa học, nghĩa là
phải có lập luận, phải dẫn nguồn… trước khi có kết luận.
Dù sao, khi tổ chức một hội thảo khoa học về một đề án khoa học, Bộ
GTVT cũng đã chứng tỏ bước đầu sự trọng thị của mình đối với mọi đề xuất
khoa học nhằm mục đích ích nước lợi dân. Đã có ý kiến đề nghị nên “kiến
nghị Thủ tướng cho bay thử một chuyến xem lợi ích kinh tế như thế nào
thì sẽ có đánh giá chính xác, khách quan nhất”. Dĩ nhiên, để tổ chức
“bay thử một chuyến” như thế cũng không đơn giản, vì đường bay thẳng có
qua không phận của hai nước bạn, vì thế phải xin phép và được sự đồng ý
của bạn. Nhưng không phải là quá phức tạp nếu như trong mục tiêu đề án
đã nói rõ cả “phần được” của hai nước bạn khi cho phép mở đường bay này.
Vấn đề là, những người chịu trách nhiệm của Bộ GTVT và hãng hàng không
quốc gia có muốn “thử” hay không thôi!