Gợi ý lời giải môn Văn khối C
Đề Văn khối C năm nay được đánh giá là hay và mở.
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu I (2,0 điểm)
– Giới thiệu Tuyên ngôn độc lập: thời gian, mục đích: Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh được công bố tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 nhằm tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thể nhân dân thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
– Trong phần đầu văn bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn hai bản tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử là :
+ Tuyên ngôn độc lập (năm 1776) của nước Mĩ: “”
+ Tuyên ngôn nhân quyền và Dân quyền (1791) của Cách mạng Pháp: “”
– Ý nghĩa của việc trích dẫn các bản Tuyên ngôn đó:
+ Xác lập cơ sở pháp lí vững chắc cho bản Tuyên ngôn, tạo tiền đề để khẳng định quyền độc lập chính đáng của dân tộc Việt Nam. Việc nước Việt Nam tuyên bố độc lập là hoàn toàn phù hợp với công pháp quốc tế, được nhân loại tiến bộ thừa nhận.
+ Khẳng định tính chất, ý nghĩa to lớn của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 khi đặt bản Tuyên ngôn độc lập sánh ngang cùng những bản Tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử nhân loại.
+ Ngầm cảnh báo âm mưu xâm lược của kẻ thù: nếu chúng xâm lược Việt Nam chính là phản bội tổ tiên mình, làm vấy bẩn lá cờ nhân đạo thiêng liêng của những cuộc cách mạng vĩ đại của họ mà được cả thế giới ngưỡng vọng. Đó là cách dùng “gậy ông đập lưng ông”.
+ Không chỉ trích dẫn nguyên vẹn theo nguyên bản, Bác còn có phần sáng tạo thêm khi làm động tác “suy rộng ra” để bổ sung những chân lí của thời đại mới: thời đại của những cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.
– Đánh giá: Việc trích dẫn các bản tuyên ngôn đã cho thấy trí tuệ sắc sảo, tầm nhìn sáng suốt, vốn văn hóa sâu rộng cũng như nghệ thuật lập luận vô cùng chặt chẽ, thuyết phục của Hồ Chí Minh.
Câu II. (3,0 điểm)
a. Giải thích ý kiến: tầm quan trọng của việc biết xấu hổ, biết tự trọng và có ý thức về những yếu kém, khiếm khuyết của mình.
b. Bàn luận về ý kiến:
– Tại sao “biết tự hào về bản thân là cần thiết” ?
+ Người ta chỉ có thể tự hào khi có một đặc điểm, phẩm chất nào đó tốt đẹp, đáng quý. Như vậy, tự hào là một thái độ tích cực giúp con người thêm tự tin, biết nâng niu, trân trọng và gìn giữ, phát huy những phẩm chất, đặc điểm tốt đẹp ấy.
+ Một niềm tự hào chính đáng có sức mạnh động viên, cổ vũ con người trong cuộc sống.
– Tại sao “biết xấu hổ còn quan trọng hơn” ?
+ Xấu hổ là một thái độ tỏ ra hổ thẹn khi thấy mình có lỗi hay kém cỏi hơn người khác. Tưởng như xấu hổ là một tình cảm, thái độ tiêu cực nhưng nhìn từ phương diện khác, xấu hổ cũng là một biểu hiện của sự tự trọng, sự hiểu biết giá trị cũng những hạn chế, điểm yếu của bản thân mình.
+ Xấu hổ nếu xuất phát từ ý thức cầu tiến, ham học hỏi và dựa trên sự hiểu biết toàn diện về bản thân mình cũng như cuộc sống sẽ trở thành một thái độ tích cực, giúp con người ta nhận ra những thiếu sót, hạn chế của mình để tiếp tục cố gắng khắc phục, hoàn thiện.
+ Biết xấu hổ nghĩa là biết tự trọng, có ý thức về danh dự, nhân phẩm, về vai trò và nhiệm vụ của mình. Sự xấu hổ ấy không làm cho con người hèn kém đi mà nó nâng tầm nhận thức và nhân cách con người.
c. Bài học nhận thức và hành động
– Xấu hổ hay tự hào đều là những thái độ, tình cảm xuất phát từ việc nhìn nhận, đánh giá bản thân mình. Chỉ có thể dựa trên sự đánh giá chính xác, khách quan và lòng khiêm tốn, ham học hỏi và cầu tiến mới giúp con người tiến lên trong cuộc sống.
– Phải luôn khiêm tốn, tránh việc tự hào đến tự mãn, tự cao, tự đại đồng thời tránh thái độ tự ti, mặc cảm.
Câu III.a. Theo chương trình Chuẩn.
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề
– Nguyễn Tuân (1910-1987) là “người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái Đẹp” và cũng là cây bút rất mực tài hoa, uyên bác. Nhà văn thường quan sát, miêu tả thế giới ở phương diện thẩm mĩ và đánh giá con người dưới góc độ tài hoa, nghệ sĩ.
– Chữ người tử tù là truyện ngắn trích trong tập Vang bóng một thời (1940) là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trước Cách mạng, tác phẩm được đánh giá là “gần đạt đến sự hoàn mĩ”. Góp phần vào thành công nghệ thuật của tác phẩm, không thể không nói đến nghệ thuật tạo tình huống độc đáo.
2. Phân tích
* Khái niệm tình huống truyện:
+ Tình huống truyện là “cái tình thế của câu chuyện”, là cảnh huống chứa đựng trong nó những mâu thuẫn, xung đột hoặc những khả năng tiềm tàng để cốt truyện diễn tiến, phát triển, nhân vật bộc lộ tính cách.
+ Vai trò của tình huống truyện trong tác phẩm.
Tình huống truyện có vai trò hết sức quan trọng, được ví như “cái chìa khóa vận hành cốt truyện”. Từ tình huống truyện, các sự kiện, biến cố của cốt truyện được phát triển, tính cách nhân vật được bộc lộ. Việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong tình huống truyện sẽ bộc lộ rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm và dụng ý nghệ thuật của tác giả. Việc sáng tạo nên các tình huống độc đáo biểu hiện khả năng quan sát, khám phá bản chất cuộc sống, bản chất con người của nhà văn.
* Tình huống độc đáo của truyện ngắn Chữ người tử tù
+ Đó là cuộc gặp gỡ kì lạ đầy éo le, trớ trêu giữa Huấn Cao và viên quản ngục. Nói là cuộc gặp gỡ éo le và trớ trêu là bởi xét trên bình diện xã hội, Huấn Cao và quản ngục là những kẻ đối địch nhau, là kẻ thù của nhau. Một người đấu tranh để lật đổ cái trật tự xã hội hiện hành, một kẻ là đại diện cho cái trật tự mà người kia đang muốn đánh đổ. Nhưng trên phương diện tài hoa, nhân cách, họ lại là những người bạn tri âm, tri kỉ. Một người là nghệ sĩ, sáng tạo cái đẹp, một người biết thưởng thức và trân trọng cái đẹp. Một người khí phách hiên ngang, cứng cỏi, một người ngưỡng mộ khí phách.
+ Đó là một cuộc gặp gỡ kì lạ: không gian diễn ra cuộc gặp gỡ là nhà ngục, là phòng giam ẩm thấp bẩn thỉu nơi vốn chỉ gợi nhắc đến sự tăm tối, bạo hành và tội ác. Thời gian diễn ra cuộc gặp gỡ cũng rất ấn tượng: đó là những ngày cuối cùng của người tử tù trước khi bị giải về kinh chịu án chém.
* Vai trò của tình huống truyện:
+ Thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm: khẳng định sự bất tử của cái đẹp, sự tất thắng của cái chân, cái thiện, cái mĩ trong cuộc đối đầu với những gì xấu xa, tăm tối, độc ác. Thông điệp nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm qua tình huống truyện là thông điệp về sức mạnh cảm hóa kì diệu của nghệ thuật, của cái đẹp “Cái đẹp cứu rỗi nhân loại”
+ Bộc lộ tính cách nhân vật:Thông qua tình huống truyện, nhân vật Huấn Cao có cơ hội bộc lộ rõ những phẩm chất cao đẹp: vừa hiên ngang, dũng liệt vừa tài hoa nghệ sĩ lại giữ được cái tâm trong sáng. Còn quản ngục, qua tình huống éo le ấy, cũng thể hiện mình là một người có khí phách, biết “biệt nhỡn liên tài”, trân trọng tài năng và khí phách của người anh hùng đồng thời là người vẫn giữ được thiên lương trong sáng.
+ Thúc đẩy cốt truyện phát triển (tạo không khí căng thẳng, lôi cuốn): Từ tình huống truyện, cốt truyện được triển khai, phát triển và lên đến cao trào trong cảnh cho chữ cuối tác phẩm. Chính tình huống độc đáo đã tạo cho câu chuyện sự lôi cuốn, hấp dẫn người đọc ngay từ đầu tác phẩm.
+ Thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân: một người nghệ sĩ tài hoa, đầy cá tính, luôn tìm tòi, khám phá cái đẹp, cái đẹp độc đáo, phi thường nhưng vẫn mang giá trị nhân văn sâu sắc.
– Đánh giá chung: Tình huống truyện là một thành công nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm, góp phần tạo nên giá trị, sức hấp dẫn của tác phẩm đồng thời thể hiện rõ phong cách nghệ thuật độc đáo của tác giả Nguyễn Tuân.
Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
– Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại Thừa Thiên Huế, là gương mặt tiêu biểu cho thế hệ các nhà thơ thời kì chống Mĩ. Thơ ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất suy tư sâu lắng và những cảm xúc nồng nàn về đất nước, về nhân dân.
– Đất Nước được trích trong chương V của trường ca Mặt đường khát vọng (1971) ghi lại những suy tư và cảm xúc sâu sắc của nhà thơ về Đất Nước dưới tư tưởng xuyên suốt: Đất Nước của nhân dân. Đoạn thơ phân tích nằm ở phần đầu, đoạn 2 trong đoạn trích Đất Nước, thể hiện những cảm nhận sâu sắc và độc đáo của nhà thơ về đất nước.
2. Phân tích
a. Nội dung: Đoạn thơ thể hiện sự đóng góp, sự hóa thân của nhân dân để làm nên đất nước muôn đời – một phương diện minh chứng cho tư tưởng Đất Nước của nhân dân.
– Mỗi địa danh, sơn danh, mỗi hình sông, dáng núi đều được lí giải bởi những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích … Đó đều là những sản phẩm văn hóa tinh thần của nhân dân.
– Không dừng lại ở lí giải nguồn gốc, tên gọi các địa danh, nhà thơ còn nâng lên khẳng định mọi không gian của đất nước đều được tạo lập bởi nhân dân, những con người bình dị, vô danh mà đông đảo vô cùng. Nhân dân đã tạo nên Đất Nước với tình yêu và nỗi đau, mồ hôi và sương máu, sự cần cù chịu khó, bằng sự dũng cảm kiên cường, bằng lòng nhân hậu thủy chung …
– Khẳng định, ngợi ca sự đóng góp thầm lặng, bền bỉ mà lớn lao, vĩ đại, thiêng liêng của bao lớp người dân bình dị qua suốt chặng đường lịch sử dài lâu để làm nên Đất Nước.
b. Nghệ thuật:
– Sử dụng một cách đậm đặc chất liệu văn hóa dân gian: từ thần thoại, truyền thuyết đến những câu chuyện cổ tích. Đó đều là những sản phẩm văn hóa tinh thần của nhân dân, ghi lại vẻ đẹp tâm hồn cũng như nỗi đau của nhân dân qua bao thế hệ. Đó là biểu hiện sâu sắc cho tư tưởng Đất Nước của nhân dân xuyên suốt toàn tác phẩm.
– Thủ pháp liệt kê với hàng loạt các địa danh, sơn danh, những thắng cảnh danh lam mà chỉ nhắc đến tên gọi thôi cũng gợi lên biết bao điều về lịch sử, về văn hóa, phong tục của dân tộc.
– Phép điệp được sử dụng thành công với nhiều cấp độ:
+ Điệp từ : những (chỉ số nhiều, đông đảo), góp (chỉ sự tự nguyện, chung tay vun đắp mỗi cái riêng để thành cái chung lớn)
+ Điệp cấu trúc: các câu thơ mang cấu trúc: “A góp cho Đất nước B” được lặp lại trong suốt phần đầu đoạn thơ góp phần thể hiện sự nối tiếp, liền mạch của quá trình nhân dân dựng xây, giữ gìn đất nước.
– Những hình ảnh bình dị mà có sức biểu tượng sâu xa và giàu sức gợi cảm: từ những hình ảnh bình dị: con cóc, con gà quê hương, cặp vợ chồng, người học trò nghèo đến những hình ảnh lớn lao, kì vĩ như trong thần thoại: vó ngựa Thánh Gióng, những con rồng, chín mươi chín con voi. Đó là hình ảnh biểu tượng của nhân dân đông đảo, bình dị, vô danh mà vĩ đại vô cùng.
– Giọng thơ: trên nền chung là chất trọng trầm vang đầy chất suy tư, phần đầu đoạn thơ giọng thơ say sưa kể mãi về những đóng góp của nhân dân cho Đất Nước, phần cuối là những câu thơ mang nặng chất chiêm nghiệm, được đúc rút ra như là một chân lí: “Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.
* Đánh giá chung:
Đoạn thơ thể hiện rõ nét tư tưởng Đất nước của nhân dân trong một khía cạnh độc đáo của nó: nhân dân chính là chủ thể tạo lập nên Đất Nước. Nét riêng biệt, mới mẻ trong cách cảm nhận, lí giải của nhà thơ về Đất Nước nằm ở việc phát hiện và khẳng định, ngợi ca vai trò của nhân dân với Đất Nước.
Nguồn: Tổ Ngữ văn Hocmai.vn