Đề thi, gợi ý đáp án Môn Sử Khối C thi Đại học 2011

Đề:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gợi ý giải đề thi môn Lịch sử

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (7,0 điểm)

Câu I (3,0 điểm)

Phân tích nguyên nhân ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành

– Sự xâm lược và thống trị nhân dân Việt Nam của đế quốc Pháp và sự câu kết của đế quốc và phong kiến đã đẩy nhân dân Việt Nam vào tình cảnh lầm than, đói khổ, nước mất nhà tan. Sinh ra và chứng kiến nỗi đau đó đã tác động sâu sắc đến ý thức về việc giải phóng đất nước, dân tộc của Người.

– Sự thất bại của các phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX: phong trào Cần Vương, Phong trào nông dân Yên Thế, khuynh hướng cứu nước theo con đường dân chủ tư sản của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh… đã đẩy Việt Nam vào tình trạng khủng hoảng và bế tắc về đường lối lãnh đạo phong trào yêu nước, từ đó Người nhận ra rằng việc cứu nước bằng con đường phong kiến, dân chủ tư sản đã lỗi thời và không còn phù hợp với Việt Nam, thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước mới để giải phóng đất nước.

– Thừa hưởng sâu sắc truyền thống yêu nước của dân tộc, sinh ra trong gia đình, quê hương có truyền thống anh hùng cách mạng, sớm thừa hưởng văn hóa truyền thống và văn minh phương Tây đã trở thành động lực thôi thúc Người.

– Tiếp nhận được những tri thức mới, chuyển biến của của phong trào cách mạng thế giới qua Tân thư, Tân văn, các sách báo về Phong trào cách mạng ở Trung Quốc, tiến bộ của cách mạng Pháp và các nhà tư tưởng ánh sáng, về cuộc duy tân ở Nhật… đã hun đúc ở Người ý chí đi tìm hiểu sự thành công của họ để về giúp dân, giúp đồng bào.

Chính vì thế, ngày 5 – 6 – 1911 Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng.

Câu II (2,0 điểm)

a. Luận cương chính trị tháng 10 – 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương có điểm khác so với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (2/1930) là:

* Về xác định kẻ thù, nhiệm vụ cách mạng: Luận cương chưa xác định đúng kẻ thù cơ bản của dân tộc là đế quốc Pháp, quá đề cao vấn đề cách mạng ruộng đất, nặng về đấu tranh giai cấp và coi nhẹ nhiệm vụ giải phóng dân tộc nên đã đặt nhiệm vụ cách mạng ruộng đất lên trên.

* Về lực lượng cách mạng: Chưa nhuần nhuyễn quan điểm về giai cấp, chưa đánh giá đúng và thấy được khả năng cách mạng của một số giai cấp tầng lớp như tiểu tư sản, khả năng chống đế quốc và phong kiến của tư sản dân tộc, một bộ phận trung, tiểu địa chủ để lôi kéo họ về mặt trận dân tộc thống nhất

Sự khác biệt của Luận cương tháng 10 – 1930 so với Cương lĩnh tháng 2 – 1930 thể hiện điểm hạn chế của văn kiện này, tuy nhiên sau đó Đảng đã phát hiện và kịp thời khắc phục.

b. Những vấn đề ấy được giải quyết trong giai đoạn 1939 – 1945

Trong giai đoạn 1939 – 1945, Đảng dần khắc phục những hạn chế của Luận cương chính trị tháng 10 – 1930 nhất là trong nội dung ba Hội nghị: Hội nghị Trung ương VI, VII và đặc biệt là Hội nghị VIII, cụ thể là:

– Coi giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu và ưu tiên số 1 của cách mạng Việt Nam, các nhiệm vụ khác đều phải tập trung vào đó mà giải quyết.

– Chủ trương thành lập các Mặt trận dân tộc thống nhất: Mặt trận Dân chủ Đông Dương và nhất là Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam vào đó không kể giàu nghèo, già trẻ, trai gái, đảng phái, dân tộc, tôn giáo miễn là có lòng yêu nước đều có thể tham gia mặt trận dân tộc thống nhất.

Sự khắc phục kịp thời và đúng đắn của Đảng là nhân tố quan trọng đưa đến thành công vang dội của cách mạng tháng 8 – 1945.

Câu III (2,0 điểm)

a. Sự kiện của nhân dân Việt Nam đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mĩ cút” là sự kiện: Buộc Mĩ phải kí Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973)

b. Tác động của thắng lợi đó đối với sự phát triển của cách mạng miền Nam:

– Ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta, buộc Mĩ phải rút quân về nước, tạo điều kiện chính trị và pháp lí cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam của nhân dân miền Nam.

– Đập tan chỗ dựa của chính quyền Sài Gòn làm cho chính quyền Sài Gòn trở nên lúng túng và yếu thế về mọi mặt. Từ đó ta có điều kiện tiến lên giải phóng hoàn toàn.

– Miền Bắc được giải phóng nên có điều kiện tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, củng cố tiềm lực, hoàn thành tốt nghĩa vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

PHẦN RIÊNG (3,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm 1 trong 2 câu (IV.a hoặc IV.b)

Câu IV.a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm)

a. Tổ chức liên kết chính trị – kinh tế lớn nhất hành tinh từ năm 1951 – 2000 là: Liên minh châu Âu (EU)

b. Quá trình hình thành và phát triển

– 18/4/1951: sáu nước Tây Âu (Pháp, CHLB Đức, Bỉ I-ta-lia, Hà Lan, Lúcxembua) thành lập cộng đồng than – thép châu Âu.

– 25/3/1957: 6 nước trên kí hiệp ước Rôma, thành lập “Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu” và “ Cộng đồng kinh tế châu Âu” (EEC).

– 1/7/1967: ba tổ chức trên hợp nhất thành Cộng đồng châu Âu (EC).

– 7/12/1991, các nước thành viên EC kí hiệp ước Maxtrich (Hà Lan), có hiệu lực từ 1/1/1993 và đổi thành Liên minh châu Âu (EU) với 15 nước thành viên.

– Tháng 6/1979: diễn ra cuộc bầu cử nghị viện châu Âu đầu tiên.

– Tháng 3/1995: các nước EU tuyên bố hủy bỏ kiểm soát đi lại của công dân các nước qua biên giới của nhau.

– 1/1 /1999: đồng tiền chung châu ÂU (EURO) ra đời và đến 1/1/2002 chính thức được sử dụng thay cho các đồng bản tệ.

Như vậy, đến cuối thập kỉ 90 của thế kỉ XX, EU đã trở thành tổ chức liên kết chính trị – kinh tế lớn nhất hành tinh bằng việc chiếm hơn ¼ GDP của thế giới.

Câu IV.a. Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm)

Tóm tắt sự ra đời của các nước Đông Nam Á trong năm 1945.

Trước năm 1945, hầu hết các nước Đông Nam Á đều bị chủ nghĩa đế quốc, phát xít xâm chiếm. Khi Chiến tranh kết thúc (1945), các nước đều đồng loạt đứng lên nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền và thành lập nhà nước của riêng mình trong đó riêng năm 1945 có 3 nước giành độc lập là Việt Nam, Lào và In-đô-nê-xia.

Ngày 17 – 8 – 1945: Nhân dân In-đô-nê-xia tuyên bố thành lập và thành lập nước Cộng hòa In-đô-nê-xia

Tháng 8 – 1945: Nhân dân Việt Nam tiến hành thành công tổng khởi nghĩa tháng 8 và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945).

Tháng 8 – 1945: Nhân dân Lào nổi dậy và đến 12 – 10 – 1945, Chính phủ Lào ra mắt quốc dân và nước Lào tuyên bố độc lập

Mặc dù chưa giành được độc lập nhưng nhân dân Miến Điện (Mianma), Mã Lai (Malaixia) và Philippin cũng giải phóng được nhiều vùng đất rộng lớn và thoát khỏi ách thống trị của Nhật Bản.

Nguồn: Giáo viên tổ Lịch sử Hocmai.vn