Đề thi ĐH môn Toán 2010: Khó nhưng hay

Đề thi năm nay tương đối khó, chỉ có một số câu để thí sinh “gỡ điểm”. Các câu căn bản, tưởng dễ “xơi” nhưng lại đòi hỏi kĩ năng phối hợp tính toán. Câu phân loại thí sinh khá hóc hiểm. Nhìn chung để thi ĐH môn Toán 2010 khó nhưng hay.

Dưới đây là nhận định của thầy Trần Phương, PGĐ TT Hỗ trợ phát triển tài năng.

Nhìn chung, đề vẫn bám sát vào nội dung trong sách giáo khoa của Bộ. Các câu như câu I.1, câu II.1 nhằm tránh cho thí sinh bị điểm liệt. Các câu còn lại (chưa xét câu phân loại) tưởng đơn giản nhưng đều đòi hỏi kĩ năng phối hợp tính toán như câu VI.a phần 1 hay câu II.2

môn Toán
Thầy Trần Phương: “Đề thi năm nay có nhiều câu khá hay”.

Câu II.2 nhiều học sinh rất dễ bị nhầm, không xác định đúng điều kiện chính xác (x<1) để tìm ra nghiệm đúng (phần này ra 2 nghiệm, loại 1).

Câu VIa.1 có cách ra đề tương đối hay. Bài tập là sự tích hợp hai yêu cầu đại số và hình học. Học sinh nếu học theo kiểu máy móc hay quen với các dạng mẫu khó “xơi” câu này. Điều đó đòi hỏi kiến thức cơ bản và tư duy phân tích, tổng hợp của thí sinh.

Khó nhất là câu V, giải hệ phương trình. Đây là câu phân loại thí sinh. Các em rất dễ bị đánh lừa. Thường thì sau khi đặt điều kiện các em sẽ dùng bất đẳng thức cosi làm mất căn thức rồi xét hàm để tìm ra nghiệm. Tuy nhiên kết quả sẽ chỉ là sự bế tắc.

Cách làm bài này: bước 1 phải dự đoán nghiệm sau đó đặt ẩn phụ, thế vào phương trình, khảo sát hàm số và tìm ra nghiệm duy nhất là x=1/2 , y=2.

Học sinh loại khá, nếu làm tối đa sẽ được tầm 7 điểm ở các câu: câu I, câu II, câu III, câu IV, câu VI.a.2, câu VII.a.1

Thí sinh: đề toán khó!

Khoảng hơn 9h, cổng Trường ĐH Giao thông vận tải có lác đác thí sinh ra sớm khi thời gian làm bài còn gần tiếng nữa. Một số thí sinh thở dài: đề khó nên ngồi đó cũng không làm được thêm nên ra sớm.

Cổng hội đồng thi Học viện Ngoại giao 9h40 cũng có một số thí sinh ra sớm với nét mặt không được vui. Một thí sinh nói “bài thi em chỉ làm được 40%, nhưng còn thời gian em cũng không làm được vì khó. Hy vọng, hai môn Lý, Hóa sẽ làm bù…”

Một số thí sinh khác lại “méo mặt” vì cho rằng đề thi rất khó, nhất là phần hệ phương trình quá dài. Đặc biệt là câu 5 hóc búa khiến nhiều thí sinh dù thừa thời gian nhưng phải cắn bút!

(Theo VNN)