Cần đối mới cách tập huấn, bồi dưỡng giáo viên

Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, giáo viên thường được tổ chức tập trung vào dịp hè. Đấy là việc làm cần thiết nhưng chưa đem lại sự hứng thú cho đội ngũ giáo viên.

Đối với ngành giáo dục, nhất là bậc phổ thông, dường như năm nào cũng có những đợt tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên. Có đợt vài, ba ngày. Có đợt kéo dài cả tuần lễ. Những giáo viên cốt cán thường “dính” ba, bốn đợt đi tập huấn, bồi dưỡng trong một mùa hè cũng thường hay xảy ra. Hình thức tập huấn, bồi dưỡng ở mỗi năm, mỗi khác. Lúc thì mời cán bộ, giảng viên các trường đại học về giảng dạy, báo cáo. Khi thì, cử một số giáo viên cốt cán đi tập huấn ở các nơi như Huế, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… rồi về báo cáo, truyền đạt lại cho tất cả cán bộ, giáo viên… Có đợt thì làm kiểm tra, bài thu hoạch, có đợt thì không. Tập huấn thuộc dạng dự án này, nọ, với số người tham gia có giới hạn, còn được cung cấp tài liệu, ăn trưa, chiều và có bồi dưỡng chút ít . Còn tập huấn đại trà cho số đông, thì cá nhân và nhà trường cho đi phải tự lo. Về khâu tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, từng nơi có cách thức khác nhau. Có nơi rất nghiêm túc về giờ giấc, có điểm danh hẳn hoi. Nhưng có nơi thì lại khá dễ dãi, không mấy quan tâm, đến học thì học, không đến học thì thôi.”Chuyện học này là ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, thầy cô giáo, cho nên không cần thiết phải hù dọa, dùng các biện pháp hành chính”. Nhiều người đứng ra tổ chức, quản lý lớp học của các phòng giáo dục, sở giáo dục có suy nghĩ như thế.

Nhưng buồn một nỗi, đâu phải giáo viên nào cũng nhận thức được vậy. Số lượng học viên, ở buổi đầu tiên thường tương đối đông đủ. Nhưng đến các buổi thứ 2, thứ 3, và nhất là các buổi về cuối, lớp học trống vắng đến khác thường, còn chưa được nửa so với buổi đầu, khiến giảng viên hướng dẫn bực bội, buồn lòng song biết làm sao bây giờ, vì họ đã là thầy cô cả rồi mà. Về hình thức tập huấn, bồi dưỡng trong 4 năm nay có sự đổi mới, cải tiến, người tổ chức, hướng dẫn dành một thời gian khá nhiều để thầy cô giáo trao đổi, thảo luận, phát biểu những vấn đề, nội dung có liên quan đến phần học. Phải nói, tới phần này, giáo viên mình ngại nhất, việc phát biểu cứ đùn đẩy cho người này khác, cuối cùng quanh đi, quẫn lại cũng chỉ có một số trường, một số thầy cô giáo hay phát biểu bày tỏ quan điểm, suy nghĩ… Không khí thảo luận lẽ ra phải sôi động nhưng ở đây luôn chìm lắng, rời rạc, mất quá nhiều thời gian cho việc mời mọc người này, người kia. Nhiều thầy cô mang theo tư tưởng đến BDTX không phải là để học tập, tiếp thu cái mới mà nơi đây là cơ hội, là dịp để gặp gỡ, nói chuyện riêng tư, tụ tập, nhậu nhẹt… Việc nói chuyện riêng của họ trong buổi học, thảo luận cũng đã thành căn bệnh khá trầm kha, khó chữa, lắm lúc giảng viên phải dừng lại đề nghị, yêu cầu thầy cô giữ trật tự, im lặng.

Có một thực tế là, mỗi khi có thông báo sắp đi tập huấn, bồi dưỡng, thường thì phần lớn thầy cô giáo bây giờ có tâm lí không vui, tỏ ra mệt mỏi, chán nản, không muốn đi, ghi tên người nào vào danh sách là người nấy hít hà, đùn đẩy, viện đủ lý do để thoái thác trách nhiệm, lắm lúc người quản lý tổ, trường phải dùng đến biện pháp hành chính.

Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, chuyên môn là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, thường xuyên của mọi ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục. Nó giúp cho thầy cô giáo kịp thời tiếp cận, làm quen cái mới, cái sắp thay đổi, cải tiến, đồng thời củng cố, bổ sung, nâng cao nhận thức, hiểu biết về những phần kiến thức, kỹ năng sư phạm còn thiếu, còn hạn chế. Mục đích tốt đẹp là vậy. Thế mà tại sao, phần lớn cán bộ quản lý, thầy cô giáo lại sợ, lại ngại đi tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên? Những nguyên nhân chính có thể nêu ra đây. Trước tiên là, ý thức của nhiều cán bộ, thầy cô giáo chưa cao, ngại thay đổi trước cái mới, có tâm lý tự thõa mãn, bây nhiêu kiến thức, phương pháp là dư sức dạy cho học sinh mình rồi. Thứ hai là, nhiều nội dung, chuyên đề đưa ra tập huấn, bồi dưỡng còn trùng lặp, dẫm đạp lên nhau, còn xa vời, viễn vông, ít  thiết thực cụ thể, gắn liền với chương trình, nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy của thầy cô giáo. Nhiều giáo viên thổ lộ: gần 20 năm trong nghề, đi tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, không biết bao nhiêu lần nhưng chúng tôi chưa được học, bổ sung những gì mình cần, mình mong muốn, cho nên hiệu quả, tác dụng của nó còn hạn chế nhiều, khoảng cách giữa cái học với cái thực tiễn dạy học vẫn còn khá xa.” Thứ ba là, cách thức quản lý, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên của đơn vị phòng, sở giáo dục vẫn chưa được tốt. Do, trông đợi quá nhiều vào tính tự giác, ý thức kỷ luật của thầy cô nên dẫn đến tình trạng bỏ học, nghỉ học khá nhiều, ảnh hưởng đến khí thế học tập chung. Lại khó đánh giá được trường nào, thầy cô nào học nghiêm túc hay không nghiêm túc.

Có thể nói, do qui mô lớn, số lượng đông ( trên 1 triệu thầy cô giáo), chương trình, sách giáo khoa, các thể chế thi cử…luôn trong tình trạng thay đổi xoằnh xoạch, nên ngành giáo dục có số lượng tập huấn, bồi dưỡng nhiều nhất và tốn kém nhiều nhất về kinh phí, công sức, thời gian. Là người trong cuộc, chúng tôi thấy, dường như, ngành giáo dục ít có đợt tổng kết, đánh giá, kiểm điểm, chỉ ra mặt được, mặt hạn chế của công tác tập huấn, bồi dưỡng và ít lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của giáo viên dưới cơ sở.

Thiết nghĩ, các cấp quản lý giáo dục cần nghiêm túc ngồi lại nghiên cứu, tìm hiểu cho kỹ, mỗi năm hoặc vài năm nên tập huấn, bồi dưỡng nội dung, vấn đề gì cho hữu ích, cần nhất đối thầy cô giáo, đối với giáo dục hiện nay, không cần thiết tổ chức nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng ( để giải ngân cho hết tiền ngân sách) mà hiệu quả thì hạn chế, gây lãng phí lớn.

Thanh Bình

Quảng Ngãi