“Sờ” râu thầy Văn Như Cương

Tôi lo lắng, mất ăn mất ngủ đến mấy ngày khi hẹn gặp PGS Văn Như Cương, trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, một người thầy đáng kính, chỉ để hỏi về… bộ râu. Nhưng những lo lắng ấy đã tan thành mây khói vì chính thầy cũng rất hào hứng khi nói về một phần tạo nên con người mình, là bộ râu.

 

PGS Văn Như Cương
PGS Văn Như Cương
Tìm lại hồi ức về  những tháng ngày xưa cũ, thầy kể: “3 năm làm nghiên cứu sinh ở Nga tôi đã để râu. Lúc tôi về  nước thì cái bộ râu này cực kỳ có  hại. Vợ tôi không đồng ý. Mẹ tôi không đồng ý. Nhiều lần tôi đang lim dim ngủ, mẹ tôi bàn với vợ tôi là “mẹ lên mẹ cắt cái bộ râu của nó, để nó phải cạo đi. Ai lại để râu như thế, trông không hợp tí nào”. Đúng là lúc ấy, để râu là có vấn đề. Hoặc là bất mãn hoặc là gì đó, nhất là để râu hoặc cạo tóc.

Lúc đó tôi mới thuyết phục vợ tôi: “Em ơi, anh để râu là rất có lợi. Giờ ai cũng biết cái ông ở trường sư phạm có để bộ râu. Anh đi ra đường mà làm việc gì khuất tất là ai cũng biết. Ví dụ, anh sàm sỡ ai thì ai cũng biết”. Thế là tôi thuyết phục được cả mẹ và vợ. Chứ còn họ hàng bạn bè nhiều người nói lắm”.

Suýt không được tuyển dụng vì có râu

Nghiên cứu sinh ở Nga trở  về, tôi trở lại Đại học Sư phạm Vinh, còn vợ tôi ở Hà Nội. Tôi muốn xin chuyển ra Hà Nội để gia đình tụ họp, nhưng không ai nhận tôi vào làm việc chỉ vì tôi để râu. Khi đó, GS Lê Văn Thiêm là thầy học của tôi làm viện trưởng Viện Toán, chị Hoàng Xuân Sính cũng là bạn của tôi. Tôi viết đơn xin vào Viện Toán học nhưng không được nhận. Lúc đó chị Sính hỏi: Anh Thiêm ơi, sao không nhận Văn Như Cương về Viện Toán. Nó mới làm tiến sĩ ở Nga về, đang làm ở Vinh nhưng muốn ra Hà Nội, anh cho nó vào Viện Toán đi. Thầy Thiêm lúc đó cười: Nhưng tổ chức bảo rằng ông ấy để râu! Đó là năm 1971.

Sau đó tôi mới xin về trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng lúc đầu cũng không được nhận. Nhà trường đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn có nên nhận tôi về hay không, vì tôi là cán bộ cũ của trường. Lúc đó thầy Nguyễn Cảnh Toàn là hiệu trưởng mới quyết đồng ý để tôi về, nhưng kèm một yêu cầu trước khi về trường thì đến gặp thầy một tí.

Gặp tôi thầy bảo: Tôi sẽ nhận anh về, nhưng giờ anh đến gặp cái thằng tổ chức ấy, thì anh cạo cái bộ râu đi. Chúng nó ghét lắm đấy! Tôi bảo vâng vâng, em sẽ làm. Tôi về suy nghĩ một đêm và quyết định không cạo. Hôm sau vẫn mang hồ sơ đến gặp anh trưởng phòng tổ chức. Anh ấy vẫn nhận và đón tiếp tôi rất niềm nở, tôi cũng không hiểu vì sao.

Muốn lên truyền hình, phải cạo râu

Năm 1979, tôi có gửi một  đề thi toán học quốc tế sang Hunggary mà chị  Hoàng Xuân Sính là trưởng đoàn đưa học sinh Việt Nam đi. Đề toán của tôi lúc đó được sử dụng, và là đề toán duy nhất của Việt Nam cho đến nay. Kết quả là em Nguyễn Tự Quốc Thắng làm được đề của tôi cùng với em ở Mỹ và Đức. Đó là các em được huy chương vàng. Lúc đó, đài truyền hình tổ chức một cuộc nói chuyện. Buổi truyền hình có chị Hoàng Xuân Sính, tôi và em Thắng. Tôi nói đề toán và em Thắng nói lời giải của em.

a
” Thực ra tôi không gặp khó khăn gì cả. Việc chăm sóc râu cũng như tóc.”

Hôm sau tôi được biết, người ta gọi cái ông đạo diễn cái buổi truyền hình đó lên để khiển trách rằng: Tại sao lại để một  ông râu ria xồm xoàm đen ngòm như thế lên vô tuyến? Tôi cũng không biết cái ông đó có bị kỷ luật gì không. 6 tháng sau thì chị Sính nói với tôi là người ta muốn mời tôi và chị lên nói vấn đề về giáo dục gì đó ở trên vô tuyến, nhưng người ta yêu cầu “thầy Cương phải cạo râu đi”. Chị Sính bảo: “Các anh có biết bộ râu của anh ấy bạc triệu hay không? Các anh trả cho anh ấy bao nhiêu tiền mà bắt ông cạo râu đi. Thế là họ không mời tôi nữa”.

Không được tăng lương vì  có râu

Nhưng chuyện này vẫn chưa hay đâu… PGS Văn Như Cương nhớ lại: “Khi ở Nga về giảng dạy tại Đại học Sư phạm Vinh cũng là đến đợt những người cùng công tác với tôi được tăng lương theo thâm niên công tác, từ 74đ lên hơn 80đ gì đó. Riêng tôi không được tăng. Tôi lên phòng tổ chức của trường để hỏi vì sao tôi không được tăng lương? Phòng tổ chức mới bảo: Có anh ở trên Bộ nói rằng vì anh để râu. Tôi gặng: Ai ở trên Bộ nói thế? Anh đó mới sợ quá bảo: Sao anh lại hỏi thế? Tôi bảo: Thằng nào ở trên Bộ nói thế để tôi lên tôi quát cho nó một trận? Nhưng anh này nhất định không nói là ai.

Tôi liền viết thư cho ông Nguyễn Văn Huyên, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Trong thư có đoạn: Tôi hiện nay cùng cấp với một số bạn bè, những người cùng học một trường, cùng ra một khóa. Tôi dạy ở đại học, lương 74đ. Bạn tôi dạy ở trường cấp 3, lương hơn 80đ. Bạn tôi không phải phó tiến sĩ, dạy trường cấp 3 và đã được lên lương rồi, trong khi tôi là phó tiến sĩ. Vậy tôi trân trọng đề nghị ông: Một là cho tôi về dạy cấp 3 để tôi được bằng lương với bạn tôi. Hai là cho tôi được trả lại cái bằng phó tiến sĩ để được lĩnh cái lương cao hơn. Bởi vì chỉ có 2 lý do khiến lương của tôi thấp hơn bạn cùng lứa với tôi: Một là tôi dạy đại học. Hai là tôi có bằng phó tiến sĩ. Ngay sau đó thì tôi được tăng lương. Sau đó không thấy ai ở Bộ nói về bộ râu của tôi nữa.

Có lúc người ta nói tôi để râu để chơi trội. Lúc đi sơ tán ở Thạch Thành (Thanh Hóa), tóc tôi bị nấm, tôi phải cạo trọc tóc nhưng râu vẫn để. Một hôm có cậu nói với tôi: Hôm nay họp bàn chuyện tại sao anh lại để râu mà cạo tóc. Anh có ý bất mãn gì mà đầu thì cạo, râu thì để dài. Tôi không được họp. Nghe cậu này nói tôi mới bảo: Các cậu cứ đánh giá mình thế nào ấy. Cứ nói, cứ phán thế nào chẳng được. Đừng đánh giá con người qua hình thức. Tớ bị nấm tóc thì tớ phải cạo đi thôi chứ chẳng có vấn đề gì. Sau đó thì họ cũng thông cảm.

Râu dài vì làm việc bằng… mồm

Khi tôi hỏi râu của ông bạc trắng, hệt như GS Dumbledore trong truyện Harry Potter thế  này từ khi nào? PGS Văn Như Cương bật cười khà  khà: “Tôi còn nhớ năm tôi khoảng 30 – 40 tuổi râu vẫn còn đen lắm, đen nhánh. Đến ngoài 40 tuổi, râu của tôi bắt đầu bạc, trong khi tóc vẫn đen. Lúc đó mọi người hỏi tôi tại sao tóc thầy đen mà râu bạc thế? Tôi bảo: Cái mồm tôi làm việc nhiều, còn cái đầu tôi làm việc ít. Tôi nói vậy, mọi người cười ầm ầm.

“Đến giờ nhiều người tự hỏi, chắc sinh hoạt của tôi khó khăn lắm vì bộ râu. Thực ra tôi không gặp khó khăn gì cả. Việc chăm sóc râu cũng như tóc. Tôi cũng phải “gội râu” thường xuyên kẻo nó có gàu hay nấm. Cứ 3 – 4 tháng, khi râu dài ra, tôi lại tự lấy kéo cắt xoẹt đi phần ngọn. Với tóc cũng vậy, tôi luôn tự cắt cho mình. Nếu ai cũng như tôi thì chắc là cửa hàng gội đầu cắt tóc đóng cửa hàng loạt. Có thể nói bộ râu là một góc trong tính cách con người tôi. Dù cái cá tính mạnh mẽ, dám nói, nói nhiều ấy mãi sau này mới thể hiện rõ”.

Có lần khi râu tôi còn  đen, đen nhánh giống như Chewvara cơ, tôi và đoàn thầy giáo thời chiến đi ngang một cửa hàng mậu dịch mà ai cũng thèm thuốc lá. Tôi mời một thầy dạy tiếng Nga vào phiên dịch cho tôi. Đồng chí phiên dịch lời của tôi: Đây là đồng chí là chuyên gia người Nga đang phụ trách tên lửa. Đồng chí mua một ít thuốc lá. Cô mậu dịch bảo muốn mua thì phải có tem phiếu. Tôi mới nói: Nhưng đồng chí hết thuốc lá rồi là không bắn tên lửa được đâu. Thế là cô mậu dich bảo: Được rồi tôi sẽ bán, 1 bao thì được. Tôi bảo: Không, một bao không đủ, phải một tút cơ. Cần thì cô mời cửa hàng trưởng xuống. Cô mời ông cửa hàng trưởng xuống, thế là ông đồng ý bán cho tôi. Tôi cầm tút thuốc đem ra chia cho những người đang xếp hàng để mua, mỗi người một bao. Đó là lần duy nhất tôi đem bộ râu đi để lừa người ta.
(xaluan)