“Triết học đồng hành với toán học!”

Giáo viên ngoài giải bài tập cần gợi ý học trò mình tự tìm hiểu và cùng học trò tìm hiểu những cái mới của toán học.

Sáng 11-3, tại hội trường ĐHQG TP.HCM, các chuyên gia của ĐH Chicago (Mỹ) và GS toán học Ngô Bảo Châu đã có buổi đối thoại sinh động với hơn 1.000 sinh viên tham gia.

Đam mê triết học và quyền tự quyết

GS Ngô Bảo Châu mở đầu buổi giao lưu bằng một bài diễn thuyết hoàn toàn không liên quan đến toán học. Ông chỉ đề cập đến triết học và tỏ ý băn khoăn không biết nói gì với sinh viên vì ông cho rằng chỉ có những con người sống trong thế giới toán học mới chia sẻ tận cùng và cảm nhận sự chia sẻ đó được. Liền đó, vị GS đã liên hệ triết học để nói về tri thức và tin rằng tri thức sẽ tồn tại mãi mãi. “Đáng sợ nhất là khi chúng ta để thời gian trôi qua một cách lãng phí, vô nghĩa. Tri thức giúp chúng ta kiên cường, dũng mãnh trước thiên nhiên rộng lớn vô hạn chứ không quá tin một cách mộng mị vào đấng siêu nhiên vô hình nào đó. Tin vào thế giới siêu nhiên, con người ta không đứng thẳng! Khi chúng ta có tri thức thì chúng ta biết biến cái vô nghĩa thành cái có nghĩa” – GS Châu nhắn nhủ.

Nghe xong bài diễn thuyết, bạn Đặng Xuân Thế, sinh viên khoa Lý của ĐH Khoa học Tự nhiên, đã hỏi GS Ngô Bảo Châu: “Triết học đã ảnh hưởng đến đời sống và nghiên cứu toán học của thầy như thế nào?”. GS Châu trả lời rằng triết học giúp cho mình thấy nhiều mặt của vấn đề, hướng hành vi của mình vào những suy nghĩ đúng, đảm bảo cho sự tự do của chính mình.

GS Ngô Bảo Châu vẫy tay chào sinh viên Trường ĐHQG TP.HCM vào sáng 11-3. Ảnh: QV

Em Nguyễn Quốc Bảo, sinh viên năm ba ngành máy tính (ĐH Công nghệ thông tin) thì hỏi: “Thầy có viết trên blog đại ý thế này: Trên đường đi của chúng ta luôn có lề trái và lề phải, thầy cho rằng việc theo lề trái hay lề phải là việc của những con cừu. Trong cuộc sống thực tế thì thầy theo lề nào ạ?”. Uống ngụm nước, GS Châu trả lời: “Con người trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn hay thuận lợi cũng nên dành quyền tự quyết cho mình. Đó là quyền cơ bản của con người, miễn sao chúng ta đừng chạy theo đám đông để đánh mất chính mình”.

Học toán phổ thông: “Tôi cũng gặp khó!”

Cùng tham gia giao lưu, một học sinh lớp 11 chuyên toán (Trường chuyên Lê Hồng Phong) đặt vấn đề thực tế: “Thưa thầy, những học sinh chuyên toán như em rất mê toán và rất muốn đào sâu tận tường niềm đam mê của mình. Nhưng chúng em hiện giờ chỉ học những công thức, những quy tắc toán học rồi vận dụng kiến thức để giải bài tập một cách nhanh nhất nhằm đi thi quốc gia, quốc tế. Mong thầy chia sẻ kinh nghiệm học toán nào hợp với trường phổ thông nhất!”. GS Châu chia sẻ: “Khi học phổ thông, tôi cũng từng băn khoăn như em. Ở Việt Nam, chúng ta học chỉ để giải bài tập nhanh nhất và chính xác nhất. Hồi đó, tôi học toán cũng chỉ cốt để giải bài tập, bài tập nào tôi cũng giải và gặp nhiều khó khăn khi chưa hiểu hết những khái niệm trừu tượng và không thể nào tự học một mình được. Nhưng khi sang Pháp học chuyên sâu và nghiên cứu về toán, tôi thấy khoa học về toán rất đẹp và bị lôi cuốn một cách ma mị. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc thắp sáng niềm đam mê của học sinh giỏi toán; giáo viên ngoài giải bài tập cần gợi ý học trò mình tự tìm hiểu và cùng học trò tìm hiểu những cái mới của toán học. Từ đó, thầy và trò sẽ cùng nhau thắp sáng niềm đam mê và chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của toán học!”.

Trả lời câu hỏi “Có bao giờ thầy nản chí nửa chừng?” của bạn Tuấn Anh, sinh viên năm nhất ĐH Bách khoa, GS Châu cho biết: “Đời người ai cũng từng có ước mơ, đặc biệt là khi trẻ ai cũng có những ước mơ lớn lao. Nhưng khi trưởng thành, già đi một chút thì chúng ta phải biết đặt ước mơ đó lên bàn cân của đời sống thực, qua đó ước mơ sẽ nhỏ đi và đơn giản hơn. Đôi khi nếu ước mơ không thực hiện được thì ta nản chí chứ… Ước mơ của tôi bây giờ là nghiên cứu toán và dạy toán cho nhiều người. Thế thôi!”.

Lập Quỹ Trí tuệ Việt NamGS Ngô Bảo Châu cho biết sẽ lập Quỹ Trí tuệ Việt Nam để tiếp sức cho những người trẻ yêu khoa học tại Việt Nam. Quỹ dự kiến có ba hoạt động chính. Thứ nhất là trao giải thưởng có giá trị lớn cho một số công trình khoa học xuất sắc (dự kiến ra mắt vào tháng 4-2011). Thứ hai, mỗi tháng một lần quỹ sẽ mời một nhà khoa học có tên tuổi trình bày một vấn đề khoa học có tính thời sự (dự kiến bắt đầu vào tháng 6-2011). Thứ ba là tổ chức cuộc thi “Sáng tạo khoa học”. Sinh viên, nghiên cứu sinh tham gia sẽ nộp một đề án nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của một giảng viên ĐH. Quỹ sẽ cấp kinh phí để thực hiện những đề án hay nhất. Cuối năm học, quỹ sẽ tổ chức một cuộc thi để các thí sinh trình bày kết quả làm việc của mình và trao giải cho những kết quả xuất sắc nhất (dự kiến ra mắt vào tháng 9-2011).

QUỐC VIỆT